Vị thiền sư nổi tiếng tuổi Thìn

GNO - Thiền sư Minh Châu Hương Hải sinh năm Mậu Thìn - 1628 là nhà tư tưởng, tác gia văn học Phật giáo lớn ở thế kỷ XVIII...

Thiền sư Hương Hải sanh năm 1628, tịch năm 1715. Đối chiếu với Thiền sư Chân Nguyên sanh năm 1647 thì Thiền sư Hương Hải sanh trước mười chín năm. Thiền sư Hương Hải đi tu năm hai mươi lăm tuổi trễ hơn, so với Thiền sư Chân Nguyên xuất gia năm mười chín tuổi, nhưng năm hai vị đi tu gần với nhau cùng ở đời vua Lê Hy Tông và Lê Dục Tông. Ở miền Bắc thì ngài Chân Nguyên được các vị Thiền sư truyền tâm ấn còn Thiền sư Hương Hải ở miền Nam thì được các vị ở phía Nam truyền – ngày nay là miền Trung, vì đó là thời Nam Bắc phân tranh, phía Nam của chúa Nguyễn và phía Bắc của chúa Trịnh vua Lê.

tangthong.jpg

Bảo tháp Thiền sư Minh Châu Hương Hải

Sư sống vào thời Hậu Lê, người ta quen gọi là Tổ Cầu. Tổ tiên quê ở làng Áng Độ, huyện Chân Phúc. Ông Tổ năm đời của Sư làm quan Quản Chu Tượng coi thợ đóng thuyền cho triều đình. Ông sanh được hai người con trai. Con cả trông coi Lãng Doanh, tước Hùng Quận Công, quản đốc ba trăm lính thợ. Con thứ làm chức Phó cai quan, tước Trung Lộc Hầu, là ông Tổ bốn đời của Sư. Khoảng niên hiệu Chính Trị đời vua Lê Anh Tông (1558-1571), Trung Lộc Hầu theo Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn Quảng Nam. Ông được Nguyễn Hoàng tin dùng nên thăng chức Chánh cai quan, quản lãnh các lính thợ đóng thuyền. Nguyễn Hoàng lại dâng sớ về triều kể rõ công trạng, vua Lê phong cho ông hiệu là Khởi Nghĩa Kiệt Tiết Công Thần, cấp cho ba mươi mẫu ruộng và con cháu được thế tập. 

Đây kể lai lịch tổ tiên của ngài năm đời về trước. Bây giờ đến ngài.

Sư thuở nhỏ đã thông minh tài giỏi, năm mười tám tuổi thi đỗ Hương Tiến (cử nhân) được chọn vào làm Văn Chức trong phủ chúa Nguyễn. Sau lại bổ Sư ra làm Tri phủ Phủ Triệu Phong (nay là tỉnh Quảng Trị). Năm Sư hai mươi lăm tuổi rất hâm mộ Phật pháp nên tìm vào học đạo với Thiền sư Viên Cảnh ở Lục Hồ, được đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải. Sau Sư lại tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học. 

Hai mươi lăm tuổi Ngài thọ học với hai Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan. Thời điểm này ở Đàng Trong chưa có các vị Thiền sư Trung Hoa sang, như vậy có thể xem hai Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan là gốc của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, do đó Thiền sư Hương Hải cũng thừa nhận mình là con cháu của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Như thế ta thấy rõ rằng hệ phái Trúc Lâm Yên Tử tưởng như mất, song vẫn thầm thầm truyền trao mãi đến thời nay.

Hơn ba năm sau, Sư từ quan xin xuất gia, rồi dong thuyền ra biển Nam Hải, trụ trên ngọn núi Tim Bút La, cất ba gian nhà tranh ở tu. 

Tức là Ngài học đạo lúc còn cư sĩ với hai Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan, đến ba năm sau mới xuất gia lúc đó hai mươi tám tuổi. Ngài dong thuyền ra biển Nam Hải trụ trên núi Tim Bút La và cất ba gian nhà tranh ở tu. Nói núi thật ra là đảo Tim Bút La.

Sư ở đây chuyên tu thiền định và giới luật tinh nghiêm được hơn tám tháng, nhân dân cùng quan trưởng xa gần đều quý kính, tiếng tăm vang dội. Sau chúa Nguyễn nghe danh sai sứ ra đảo mời Sư về. Người đời thường truyền tụng lại lúc Sư sắp đắc đạo có nhiều câu chuyện rất linh dị.

Ngài ở đảo Tim Bút La tu rồi ngộ đạo. Đồ đệ có ghi lại câu chuyện lúc Ngài tu trên đảo, chúng ta có thể lấy làm kinh nghiệm thêm trong sự tu hành.

Như nói khi Sư mới ra tu ở núi Tim Bút La này, gần đó có biển tên Ngọa Long Hải và đảo Đại Lãnh. Hai nơi này ít người đi đến và là hang ổ của ma quái. Chúng ma đã nhiều lần kéo đến ngăn trở sự tu hành của Sư, mà tâm Sư vẫn không lay động. 

Một đêm vào lúc canh hai, những đồ đệ của Sư bỗng trông thấy một con ma lớn đen sì, cao chừng hai trượng (tám thước) xồng xộc chạy vào, một lúc rồi biến đi đâu mất. Đến cuối canh ba, bỗng có một con rắn lớn bò đến quấn chặt mình Sư, Sư không cựa động được, cố nhích mình lần tới bàn Phật, niệm chú Thần Đao, một lát con rắn ấy biến mất. 

Giả sử mình lâm vào hoàn cảnh đó thì có rợn người không? Mới canh hai, đệ tử trong chùa đã thấy một con ma lớn đen sì cao chừng hai trượng xồng xộc chạy vào một lúc rồi mất. Thấy như vậy quý vị ngồi thiền trên chùa có yên lặng được không, hay là cứ rởn óc hoài rồi xả bỏ chạy? Đó là trận thứ nhất. Đến cuối canh ba, đang ngồi tu một mình trên chùa, bỗng có một con rắn lớn bò đến quấn chặt mình Sư, việc này thật là hết sức kinh hoàng. Sư không cựa động được, cố nhích mình lần tới bàn Phật niệm chú Thần Đao, một lát con rắn ấy biến mất. Trận này phá Ngài quá đỗi, Ngài phải dùng tới thần chú để trị, còn chúng ta tu không có thần chú nếu gặp trường hợp này thì phải làm sao? Đây tôi xin đặt thành nghi vấn để sau này sẽ giải thích.

Lại một hôm, đang giữa ban ngày bỗng mây đen kéo đến trước sân mù mịt, gió cuốn ầm ầm, cây gãy cát bay, mái nhà bung tốc, một lát mới hết. 

Đến tháng thứ ba, lại một lần giữa đêm vắng, núi non yên tĩnh, bỗng nghe tiếng như ngàn muôn con mèo kêu ran lên một chặp. 

Lại đến tháng thứ tám, một lần giữa canh vắng đêm khuya, Sư đang ngồi thiền trước điện Phật, hương đèn sáng choang. Bỗng thấy quân ma vừa trai vừa gái đứng vây tứ phía, đứa cầm giáo, đứa cầm mác, đứa dắt trâu, đứa dắt ngựa, đứa dắt voi, nhiều thứ quái tượng. Sư cảm thấy đau bụng, mắt mờ không thấy ánh sáng của đèn, không thấy tượng Phật, chỉ thấy toàn ma tinh. 

Tới đợt này lại kinh hoàng hơn nữa, toàn là ma bủa vây.

Lúc đó Sư dùng hết sức trì chú, nhiều phương thức bí mật đều không linh nghiệm. Sư bèn lập chí Kim Cang tưởng lửa Tam-muội, quyết đốt cháy thân mình và thiêu cả thế giới. Quả thấy rất linh nghiệm, một lát chúng ma biến đâu mất, cảnh sắc lại quang minh như trước. Song giữa đêm vắng núi yên không ai thấy biết. 

Trận này là trận đặc biệt. Lúc này thần chú trị hết nổi, do đó Ngài lập chí Kim Cang nghĩa là chí thật vững chắc tưởng lửa Tam-muội trong thân đốt mình và toàn thể thế giới. Như vậy quý vị thấy thần chú linh hơn quán tưởng hay quán tưởng linh hơn thần chú? Đoạn trên thì thần chú trị được rắn nhưng tới đây thần chú hết linh, trị quân ma không nổi, phải quán lửa Tam-muội đốt cháy thân mình, cháy tất cả xung quanh, luôn cả thế giới, ma hoảng sợ chạy hết. Những việc này nghe như chuyện hoang đường không bao giờ có. Nhưng đối với người tu thì lại khác. Đức Phật Thích-ca khi sắp thành đạo dưới cội Bồ-đề, nhiều đợt ma xuất hiện thử thách. Đợt thứ nhất hiện hình bà Da-du-đà-la tới than thở khóc lóc khuyên Ngài trở về. Phật thắng được đợt thứ nhất thì đợt thứ hai hiện ra với tất cả loài yêu quái đầu trâu mặt ngựa, cầm gươm cầm giáo vây quanh. Ma dùng cả hai thế lực để phá mình. Thế lực thứ nhất là thế lực của tình cảm, dụ dỗ bằng tình cảm không được thì nó dùng thế lực thứ hai là hùng hổ dọa nạt. Chừng nào chúng ta thắng được hai thế lực đó mới là thắng cuộc. Quý vị thấy hai thế lực này dễ hay khó thắng? Nếu người hèn nhát thì thấy thế lực hùng hổ sẽ hoảng sợ, còn yếu về tình cảm thì bị thế lực tình cảm dụ dỗ bèn chạy theo. Như vậy trong khi tu, có những lúc chúng ta phải vượt qua thử thách thuộc tình cảm hay thử thách thuộc uy vũ thì mới có thể thành công được. Nhưng vượt qua bằng cách nào? Ở đây có nêu ra cách thứ nhất là Ngài niệm thần chú, cách thứ hai là Ngài quán tưởng. Phật ngày xưa dùng cây cung thiền định và mũi tên trí tuệ để trị quân ma. Khi ma dùng tình cảm quyến rũ thì Phật quở trách nó là đãy da nhơ nhớp, ma hổ thẹn đi mất, đó là dùng trí tuệ. Khi ma dọa nạt bằng hình ảnh ghê rợn thì Phật nhắm mắt định tâm, ma cũng rút lui. Phật dùng cung thiền định và tên trí tuệ để trị quân ma, không nghe nói Phật tụng chú gì hết. Ngày nay chúng ta tu cũng phải đầy đủ mũi tên trí tuệ và cây cung thiền định để dẹp phá quân ma. Nếu không định tâm được, nghe la hét bao vây, rợn người lên rút chạy thì thua cuộc. Qua câu chuyện của ngài Hương Hải rồi nhìn lại đức Phật ngày xưa, cả hai đều trải qua những trường hợp bị ma phá, từ đó chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm để tu tập. Khi quân ma tới, chúng ta có thể quán lửa Tam-muội tức lửa chánh định, lửa này là lửa tưởng ở nội tâm không phải lửa bên ngoài. Do đó có nhiều thiền sư ngồi tu trong núi Tuyết, vào mùa đông cởi trần ngồi trên tảng đá mà không lạnh là do tưởng lửa Tam-muội. Nhưng đó là tu quán tưởng về lửa, không phải định tâm hoàn toàn. Theo Thiền Nguyên Thủy, muốn quán tưởng về lửa thì quên ba đại kia (đất, nước, gió) chỉ tưởng lửa trong người của mình, thì lửa từ từ phát ra. Còn nếu tưởng về nước thì như trong kinh Lăng Nghiêm đã kể: Có thiền sư nhập định, đệ tử tới vén màn nhìn vào phòng thấy toàn là nước, đó là quán nước. Sức quán tưởng rất mạnh chớ không phải thường. Tôi chưa gặp những trường hợp này, tuy nhiên tôi có thể góp ý với quý vị: Nếu ứng dụng đúng như Phật thì khi ma quái đến dọa phá, cứ yên tâm thiền định, không khởi niệm thì không sợ, lấy định mà trị. Nếu ma đến dùng nữ sắc dụ dỗ thì biết rõ bản chất là nhớp nhúa, là hư ảo, thấy như vậy là dùng trí tuệ phá được ma. Chúng ta còn có thể dùng lối quán các pháp tự tánh là không, tức là biết tứ đại ngũ uẩn của mình rỗng không, tất cả sự vật bên ngoài duyên hợp cũng là rỗng không. Tất cả pháp tánh đều không thì không có cái không nào (vật bên ngoài) hại được cái không nào (của mình). Chúng ta tu yếu yếu nếu có ma thì ma nhỏ nhỏ thôi, hoặc rung cây hoặc hiện chuột hiện rắn, làm ồn ào một chút, mình cứ khéo định tâm, đừng thèm duyên theo thì nó qua. Nên nhớ định tâm thì nhắm mắt, chớ mở mắt thì định không được. Hoặc quán các pháp là duyên hợp hư ảo, giả dối không thật thì nó cũng qua. Ngày nay quý vị tu ở trong chúng ngồi mấy chục người ma đâu dám vào, khi nào ngồi một mình ở ngoài gốc cây hoặc ngoài vườn thì chừng đó mới sợ. 

Sáng ra, Sư cho rằng đất này là ác địa, khó giáo hóa được, bèn trở về quê cũ là làng Bình An Thượng, phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam. Sư bảo với bà con làng xóm rằng: “Chỗ đảo này từ lúc mở mang đến nay chưa được khai hóa, chính là ác địa, cung ma, khó mở đạo pháp”. Sư ở qua một tuần, chợt có người Mán đến cầu thỉnh, Sư hỏi người ấy: 

- Ban đêm đến tìm tôi chắc là có duyên cớ gì cần tỏ bày? 

Người Mán thưa: 

- Cả thôn xóm của tôi có ba ngôi đền cũ ở núi Tim Bút La. Một miếu thần Cao Các Đại Vương, một miếu Phục Ba Đại Tướng Quân, một miếu thần Bô Bô Đại Vương. Hôm Sư cụ về được bốn ngày, trong làng chợt thấy thần cả ba ngôi đền này đều phục đồng lên nói rằng: “Hôm nọ bọn ma tinh tác quái mấy lần để làm não hại Pháp sư, chúng ta ngồi yên xem thử coi ai thắng, ai bại. Chúng ta bỗng thấy Pháp sư biến hình biến tướng chẳng biết ở đâu, khiến chúng ma tinh phải lui hết. Chúng ta thấy Pháp sư thật là đạo hạnh kiêm toàn. Vì vậy chúng ta rất phục Pháp sư ấy, nên báo cho dân làng biết hãy đi thỉnh Sư về trụ ở đây.” Bấy giờ mọi người trong làng nghe thấy việc như trên mới cho tôi vào thỉnh bạch Sư cụ về duyên do trước đó. 

Khi ấy Sư nghĩ: “Việc bọn ma đã nép phục hiển nhiên rồi”. Nên sau đó Sư lại một phen cùng đệ tử xuống thuyền trở ra đảo Tim Bút La. Từ đây Sư ở chuyên tu hơn tám năm an ổn, không có gì chướng ngại. Sư được thần khen quỷ giúp, cảm ứng tự nhiên, Phật pháp thịnh hành, tiếng tăm vang khắp. 

Đoạn huyền bí ở trên là quỷ, bây giờ là thần. Khi Ngài về rồi thì ba vị thần ở cả ba ngôi đền lên đồng báo cho dân làng biết. Thần nói rằng Pháp sư biến hình biến tướng chẳng biết ở đâu, khiến chúng ma tinh phải lui hết. Sở dĩ ma thấy được là qua tâm tưởng của mình, nên khi tưởng lửa, tưởng nước hoặc tưởng không thì ma hết thấy ta. Cho nên chiều chiều cúng thí thực, có một chung gạo, một chung cháo gì thôi mà tưởng ra rất nhiều, bủa khắp tất cả khiến bao nhiêu cô hồn ăn cũng no, ăn rồi mà chén cơm còn nguyên vì ăn bằng tưởng. Ngày xưa Sư ông tôi kể câu chuyện ở Quảng Ngãi. Vị trụ trì núi Thiên Ấn đời thứ hai chuyên tu thiền, Hòa thượng không có đi đám. Hôm đó rằm tháng bảy, làng xã tổ chức lễ cúng cô hồn, lên chùa rước. Hòa thượng sai thầy Tri sự đến chứng đàn. Hòa thượng ở nhà vào phòng ngồi thiền, một hồi thấy bọn cô hồn đi cả bầy đến thưa kiện: “Thưa Hòa thượng, bữa nay sao thầy Tri sự cho chúng con ăn chìa khóa, ăn không được.” Hòa thượng ngạc nhiên rồi cũng yên lặng, một lát bọn cô hồn lui đi. Tới khuya thầy Tri sự về, Hòa thượng kêu hỏi tại sao bọn cô hồn về đây nói cho ăn chìa khóa nên ăn không được. Thầy Tri sự thú thiệt là khi ngồi đàn, đang bắt ấn chuẩn bị tụng chú, rờ túi thấy mất xâu chìa khóa, không biết để ở đâu, nên tụng chú thì tụng mà cứ nhớ xâu chìa khóa. Vì vậy ma thấy chìa khóa. Khi mình tưởng cái gì thì cái ấy hiện lên và ma thấy được. Bởi vậy khi cúng cô hồn phải cẩn thận, phải tưởng ra cơm nước cho đầy đủ để chúng ăn no nê, đừng nên nghĩ gì khác. Ở đây Ngài tưởng lửa thì ma không thấy được thân mà chỉ thấy lửa nên chạy mất. Điều này rất quan trọng vì khi tâm chúng ta tưởng điều gì thì cái thấy của quỷ thần sẽ chuyển biến theo. Nếu khởi niệm sợ thì chúng sẽ làm tới, mình chỉ có nước bỏ chạy mà thôi. Do đó chúng ta phải vững tâm không sợ hoặc chúng ta tưởng lửa Tam-muội, tưởng không, tưởng giả thì ma sẽ tan mất.

Một hôm, Thuần Quận Công trấn thủ Quảng Nam có bà vợ đau đã lâu mà không trị lành, nghe danh tiếng của Sư, ông cho người đến rước. Sư đến nhà lập đàn tụng kinh bảy ngày bảy đêm, phổ độ gia tiên và oan khiên thì bệnh bà lành mạnh. Cả nhà đều kính phục, đồng xin quy y với Sư, cộng lại là năm mươi người. Từ đây Sư đã có tín chủ. Xong việc, thí chủ đưa Sư trở lại đảo Tim Bút La. 

Hơn nửa năm sau, quan Tổng Thái Giám là Hoa Lễ Hầu ở Quảng Nam mắc bệnh lao đã ba năm, thuốc men trăm thứ vẫn không khỏi, bèn từ quan về dưỡng già ở quê nhà. Lúc đó Thuần Quận Công đang trấn thủ Quảng Nam là người có nghĩa xưa với vị quan trên nên đến thăm hỏi. Hai ông nói chuyện về nguyên do bệnh, Thuần Quận Công kể cho Hoa Lễ Hầu về bệnh của vợ mình không ai trị khỏi, nhờ thỉnh vị tăng ở đảo ấy gia trì kinh chú, được một tháng thì lành bệnh. Vì vậy nên xin Trưởng quan hãy đến đảo ấy cầu thỉnh cho được Sư hành trì pháp lực mong sẽ được mạnh chăng. Hoa Lễ Hầu nghe nói linh nghiệm cũng tin thật chẳng dối, liền cho Thuần Quận Công dẫn mười người lính và một chiếc thuyền đến chùa ở đảo thỉnh Sư tới dinh Hoa Lễ Hầu tại Quảng Nam trị hộ. Sư đến gặp Hoa Lễ Hầu hỏi han nguyên do bệnh từ bao giờ. Hoa Lễ Hầu đáp rằng: 

- Bệnh đã ba năm không phương cứu chữa, mong thầy từ bi có phương gì cứu giúp cho. 

Sư bảo: 

- Trưởng quan quyền cao chức trọng giết hại nhiều người, phải nương sức đại sám hối mới mong được an lành khỏi bệnh. 

Hoa Lễ Hầu nghe theo lời Sư, thiết lập đàn tràng bảy ngày bảy đêm, phổ độ oan khiên, bệnh dần dần được bớt, đến một tuần trăng thì thân thể khoẻ mạnh. Quyến thuộc lớn nhỏ trong toàn dinh đều quy y với Sư được hơn bảy mươi người. Sau đó Hoa Lễ Hầu về Thuận Hóa vào phủ chầu chúa. Lúc này Dũng Quốc Công Nguyễn Phúc Tần, tục gọi là chúa Hiền (1648-1687) đang trị vì, Chúa hỏi thăm: 

- Gặp thuốc nào, thầy nào, ai hay cứu khỏi cho ngươi? 

Hoa Lễ Hầu thưa: 

- Thần may mắn gặp bậc minh sư ở núi đảo tên Minh Châu, thỉnh về nhà trì tụng kinh chú, phổ độ oan khiên, nương nhờ sức Phật mới được mạnh khỏe như cũ. 

Khi ấy Dũng Quốc Công sai Hoa Lễ Hầu thỉnh gấp Sư về kinh giúp nước. Một hôm Sư vâng chiếu về triều. Vào phủ chúa Hiền hỏi thăm: 

- Nghe nói Sư ở núi khổ hạnh có sức tu hành, đến nhà người trừ được khỏi bệnh tật! 

 Chúa Hiền sai quan lập Thiền Tịnh Viện ở núi Quy Kính mời Sư ra ở đây chúc lành cho Vương gia, hộ trì quốc mạch. 

Sư ở núi Quy Kính giáo hóa thạnh hành, bà Quốc Thái phu nhân cùng ba công tử là Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ đều xin quy y học đạo, tu hành tại gia. Quan quân cũng đồng quy y học đạo rất nhiều, gồm bảy trăm vị chánh quan, hơn một trăm vị phó quan, quân lính trong ngoài hơn một ngàn hai trăm vị. 

Qua đoạn này có những điều cần nêu lên: Ngài tu có công đức nhiều, các quan nghe tiếng, thỉnh Ngài trị bệnh giùm. Trong phần trị bệnh, Ngài đề ra một pháp sám hối. Vì làm quan có khi đi đánh giặc, giết hại nhiều người bây giờ phải thành tâm sám hối, sám hối rồi thủng thẳng từ từ trị bệnh, thì mới được lành. Việc này chúng ta thấy cũng hợp pháp, bởi vì người có tội sám hối lần lần tội nhẹ, những nghiệp chướng cũng giảm, thì bệnh được trừ. Nhưng chúng ta đặt vấn đề: Phật tử hay ai đó muốn nhờ trị bệnh, chúng ta đều lãnh trị và nếu trị ai cũng lành hết, thì sao? Thì chắc thế gian này không ai chết, ai đau trị cũng lành hết thì đâu có chết. Như vậy đâu được, vì chính ông thầy cũng chết nữa kia mà. Quý vị có tin rằng tất cả bệnh nhân, chúng ta khuyên họ sám hối, rồi trì tụng kinh Phổ Môn… thì bệnh gì cũng lành không? Hay là chỉ nói được rằng: Nếu ai có bệnh gọi là nghiệp mà chưa hết duyên với trần thế thì có thể sám hối, trì kinh lần lần bệnh thuyên giảm. Đừng nói rằng: Ông thầy đó tu hay, ông thầy đó tu có phước nhiều, bệnh gì cầu ông trị cũng hết. Như vậy không có lẽ thật. Bởi vì người hết duyên rồi thì phải đi, dù thầy của ông, ông trị cũng không nổi, chớ đừng nói là cha, là mẹ, là bà con quyến thuộc, huống nữa là Phật tử. Chỗ này, chúng ta nên hiểu rằng Ngài sắp có duyên hóa độ, nên ai đó bệnh mời Ngài tới, Ngài tụng kinh cầu nguyện cho họ được thuyên giảm để Ngài tạo duyên hóa độ, không phải tất cả người tới Ngài tụng đều hết, đều lành, tôi khẳng định như vậy. Ở đây chúng ta thấy Ngài đi xa hơn đức Phật thời xưa một chút. Ngày xưa có người nào bệnh rồi nhờ Phật tụng kinh cầu nguyện cho hết bệnh không? Chắc Phật chưa từng làm việc đó. Chuyện rất đau khổ là một bà có đứa con duy nhất chết. Bà đi khắp nơi cầu cứu, dần đến chỗ Phật. Phật dạy: “Bà hãy đi khắp trong xóm tìm nhà nào mà không có người chết xin ít tro, tới đây ta sẽ cứu cho”. Bà bèn đi khắp cả làng xóm, hỏi nhà nào cũng có người chết, không có được chút tro để đem về. Phật bèn nói: “Đúng vậy! Tất cả thế gian ai rồi cũng phải chết và cái chết đó là cái lẽ thường, có gì mà ngươi phải đau khổ”. Ngài không nói ta có thần chú, ta có phép mầu trị hết. Như vậy, Phật trị bệnh cho bà ấy bằng cách dạy bà dùng trí tuệ nhận định sự việc đúng như thật mà thôi. Bởi vì đa số chúng ta ngày nay, sống với tình cảm nhiều hơn trí tuệ, cho nên khi cha mẹ, anh em đau bệnh chết, chúng ta khổ sở quá nhiều, cầu người này người kia cứu. Nhưng sự thực chết là một lẽ thường, ai cũng phải đến, kẻ đi trước, người đi sau. Chúng ta biết là việc thường thì tự nhiên phải lo tu, lo làm lành, làm lợi ích cho chúng sanh, chớ cầu cho khỏi chết làm sao được. Đó là chuyện đức Phật, nhưng đệ tử Phật sau này nói như vậy hơi khó chấp nhận. Dùng trí tuệ dạy người ta khó, thôi để lập đàn tụng kinh cầu nguyện cho. Lập đàn cầu nguyện cho thì được cũng tốt, không được cũng không sao. Nếu được thì nói: “Đó là nhờ phước tụng kinh”, nếu không được thì nói: “Nghiệp người đó đã mãn”. Đàng nào cũng đưa tới chết, nhưng như vậy có cảm tình hơn là mình từ chối. Vì vậy mà không mất lòng Phật tử, còn nói thẳng thắn như Phật thì mất lòng quá. Quý vị nên hiểu rõ, không nên bắt chước Ngài, nói: “Ai bệnh tới tôi tụng kinh cho” mà mất uy tín. Mười người hết bệnh năm người, còn năm người chết thì cũng như không. Cho nên chúng ta phải hiểu cho rõ ràng những điều này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày