GNO - Theo phân tích và kết luận của Hội Ung thư Hoa Kỳ, một nửa nguy cơ tử vong do ung thư có thể tránh khỏi bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt và có lối sống lành mạnh.
Một trong những loại "vũ khí" hiệu dụng trong phòng chống ung thư là thể dục. Ngoài ra, chế độ luyện tập thể dục hợp lý có thể giúp giảm cân, cải thiện huyết áp, thể hình và các loại bệnh khác.
Tập thể dục đều đặn giúp phòng chống ung thư
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các hoạt động thể chất có tác dụng làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư ruột kết.
TS.Priscilla Furth - GS.Ung thư học trường Đại học Georgetown khẳng định: “Không bao giờ quá muộn để thực hiện các chế độ tập luyện thể dục và ở bất kỳ độ tuổi nào, khi bạn bắt đầu tập thể dục, đều có lợi cho sức khỏe”.
Theo đó, thể dục có tác dụng tốt đối với 7 loại ung thư. Đó là ung thư màng dạ con, ung thư kết trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư buồng trứng và ung thư dạ dày.
Ung thư màng dạ con (tử cung)
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu Trường Y học cộng đồng Yale, những phụ nữ tập thể dục 150 phút mỗi tuần hoặc nhiều hơn sẽ giảm được 34% nguy cơ mắc ung thư màng dạ con.
Cũng theo báo cáo, chỉ số khối cơ thể của phụ nữ (BMI) dưới 25 có nguy cơ mắc bệnh này thấp hơn 73% so với các phụ nữ có chỉ số BMI trên 25 (với chỉ số BMI trên 25 có nghĩa là thừa cân).
Ung thư kết trực tràng
Những người có sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục 30 phút mỗi ngày sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh này, theo nghiên cứu công bố trên tờ Y khoa Anh quốc (The British Medical Journal).
Nghiên cứu của Viện Dịch tễ học Ung thư (the Institute of Cancer Epidemiology) tại Copenhagen thì chỉ ra, trên thực tế, 23% ung thư kết trực tràng có thể được trị khỏi.
Ung thư tiền liệt tuyến
Tập thể dục giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nam giới có hoạt động thể dục giải trí thường xuyên sẽ có nguy cơ thấp đối với sự phát triển tế bào ung thư và tử vong. Đây là kết luận của Tạp chí Quốc tế về Ung thư (The International Journal of Cancer).
Và, một nghiên cứu năm 2005 đăng trên tờ Dịch tễ học Châu Âu (The European Journal of Epidemiology) được tiến hành ở Trung Quốc cũng chứng minh rằng, nếu thể dục nhiều thì có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này.
TS.Furth khuyên rằng mỗi người nên thiết lập một chế độ thể dục cho riêng mình, đều đặn và sau đó tăng cường độ. “Không cần làm gì lớn lao và căng thẳng, các hoạt động như làm vườn, đào đất, chạy bộ chầm chậm (với nhịp tim ổn định) cũng đều giúp chống chọi với nguy cơ và bệnh ung thư”.
Ung thư vú
Theo tờ Nghiên cứu Ung thư vú (Breast Cancer Research Journal), phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú nếu tập thể dục hoặc có hoạt động thể chất 20 phút ít nhất 5 lần mỗi tuần và lối sống lành mạnh có thể giảm ¼ nguy cơ mắc bệnh.
Thậm chí với những phụ nữ từng nghiện ti vi (ít vận động) cũng có thể có được hiệu quả tốt nếu bắt đầu thể dục. Nghiên cứu trên những phụ nữ sau mãn kinh bỏ thói quen ngồi một chỗ và tham gia chế độ tập luyện thể dục tích cực cho thấy sự thay đổi về mức độ hormone và protein - thay đổi tốt cho việc giảm ung thư vú, theo tờ Ung thư học (The Journal of Clinical Oncology).
Các kết quả khác cho thấy nếu bắt đầu tập thể dục từ tuổi thanh thiếu niên có thể làm chậm thời gian phát bệnh ung thư vú đối với những phụ nữ có mang đột biến trong gen BRCA (làm tăng nguy cơ mắc bệnh này) nhưng không thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh, TS.Furth nói.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ung thư phổi
Tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi đối với người đang hút thuốc lá lẫn người từng hút thuốc lá.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Minnesota đã phát bản câu hỏi đến 36.929 phụ nữ không mắc ung thư ở Iowa và theo dõi các đối tượng tham gia nghiên cứu này trong 16 năm, kết quả là những phụ nữ có cường độ và tần suất thể dục cao có ít nguy cơ mắc ung thư phổi hơn những người không tập thể dục hoặc tập thể dục ít hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2003, báo cáo trên tờ Dịch tễ học Hoa Kỳ (The American Journal of Epidemiology), cả nam và nữ có chế độ luyện tập thể dục với cường độ và tần suất cao có thể giảm được nguy cơ mắc ung thư phổi, nhất là người có chỉ số khối BMI trung bình hoặc thấp và người hút thuốc lá.
Ung thư buồng trứng
Thêm bằng chứng từ nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ giữa tập thể dục và nguy cơ giảm đối với ung thư biểu mô buồng trứng (một loại ung thư tìm thấy trên tế bào bề mặt buồng trứng). Các phụ nữ có hoạt động thể chất cường độ cao sẽ có nguy cơ mắc bệnh này thấp hơn so với các phụ nữ không hoạt động thể chất. Đây là báo cáo của tờ Ung thư - Nguyên nhân và Kiểm soát (The Cancer Causes and Control Journal).
TS.Furth chia sẻ: “Hãy bắt đầu thể dục với cường độ thấp, sau đó tăng dần. Sẽ có lợi nếu tim mạch hoạt động tích cực và làm người đổ mồ hôi”.
Ung thư dạ dày
Theo nghiên cứu năm 2008 của tờ Dịch tễ học Ung thư Biomarkers and Prevention, hoạt động thể chất tích cực giúp giảm 50% nguy cơ ung thư dạ dày.
Những người có tập thể dục đều đặn trong suốt cuộc đời cũng sẽ ít có nguy cơ bị ung thư dạ dày (theo Tạp chí về Ung thư Châu Âu). Các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Chăm sóc Sức khỏe Ung thư (Cancer Care) Ontario cho biết, người có tập thể dục tích cực trên 3 lần mỗi tuần có thể giảm 20-40% nguy cơ mắc ung thư dạ dày so với người chỉ tập thể dục 1 lần hoặc không tập thể dục trong 1 tháng.
Ngoài thể dục, kết quả phòng chống ung thư dạ dày cũng khác nhau đối với người có chế độ ăn kiêng, chỉ số khối cơ thể và chiều cao khác nhau.
Trần Trọng Hiếu (Theo The Live Science)