Vụ việc chùa Bồ Đề: Nhiều báo quy chụp, suy diễn

GN - Ngày 19-8-2014, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo trả lời những vấn đề liên quan đến vụ việc chùa Bồ Đề, tiếp tục khẳng định: Chưa tìm thấy bằng chứng Ni sư Đàm Lan, trụ trì chùa liên quan đến việc mua bán trẻ em. Cơ quan Công an tiếp tục khẳng định đã xác minh cụ thể những trường hợp nghi trẻ em mất tích ở chùa Bồ Đề.

1 hop bao.jpg
Buổi họp báo thường kỳ của Thành ủy Hà Nội (5-8) - thông tin về vụ chùa Bồ Đề - Ảnh: Việt Dũng

Theo cáo của UBND quận Long Biên được ông Đỗ Mạnh Hải - Phó Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận trình bày, UBND quận Long Biên đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) tại chùa Bồ Đề. Tổng số người có mặt tại chùa Bồ Đề tại thời điểm kiểm tra là 194 người. Trong đó, đối tượng trẻ em và người tàn tật, người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng BTXH có 135 người; đối tượng là người giúp việc và trẻ em là con, cháu người giúp việc có 59 người.

Chùa Bồ Đề có sổ sách theo dõi người đang cư trú, có sổ đăng ký tạm trú với chính quyền cơ sở, đã phân công người chịu trách nhiệm theo dõi, thực hiện, nhưng có 80/92 trẻ chưa được đăng ký khai sinh. Đối chiếu tổng số người có mặt tại thời điểm kiểm tra với hồ sơ do phía nhà chùa cung cấp và qua hồ sơ của cơ quan quản lý nhà nước cho thấy, có 24 người có tên trong hồ sơ nhưng không có mặt. Cơ quan chức năng đã đi xác minh, kết quả cho thấy, đã có 3 người già và 5 trẻ em đã được đưa vào Trung tâm BTXH; 13 trẻ em hiện được gia đình nuôi dưỡng; 1 trẻ em được nhận làm con nuôi và 2 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại chùa khác.

Ngày 18-8, UBND quận nhận được văn bản của chùa Bồ Đề đề nghị đưa toàn bộ số đối tượng đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.

Ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội bày tỏ: Những ngày qua nhiều báo chí khi đề cập đến chùa Bồ Đề đã viết theo lối quy chụp, suy diễn, gây bức xúc cho xã hội và tạo hoang mang cho những cơ sở từ thiện của các tôn giáo (…).

Từ khi báo chí viết quá nhiều về sự việc này, hầu hết các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi khác cũng đang thấy rất nặng nề, tỏ ra nghi ngại, không muốn tham gia nuôi trẻ em nữa.

Vụ việc đã gây ảnh hưởng làm đảo lộn cuộc sống của các cháu bé ở chùa Bồ Đề. Trước đây  người dân gần chùa thường xuyên đến thăm nom các cháu, nay dân làng nhìn các cháu như những người xa lạ. Nay chùa Bồ Đề có đơn xin chuyển tất cả các cháu bé về các Trung tâm BTXH. Thành phố đang giao Sở Lao động nghiên cứu giao 3 trung tâm bảo trợ xã hội đón các cháu. Nhưng các trung tâm BTXH của Nhà nước hiện nay cũng còn thiếu thốn, không đủ chỗ để chăm sóc các cháu, nên  các cơ sở này cũng đã yêu cầu thành phố phải hỗ trợ thêm các trang thiết bị, cho thêm biên chế người chăm sóc trẻ.

- Phóng viên Báo Dân Trí: Chùa Bồ Đề là cơ sở từ thiện chui nếu chiếu theo Nghị định 68 của Chính phủ. Cơ quan quản lý đã xử lý xử phạt hành chính cơ sở này lần nào chưa? 

- Ông Phan Đăng Long: Báo Dân Trí nói là cơ sở chui, tôi cho câu nói này rất vô cảm trước hoạt động từ thiện. Từ khi chùa Bồ Đề nuôi trẻ em, chính quyền địa phương đến, nhiều cơ quan, cấp ngành đến, tức là việc nuôi trẻ ở đây được Nhà nước biết rõ, không thể gọi là chui.

Trước tiên phải nói chùa Bồ Đề nuôi trẻ bị bỏ rơi và người lang thang cơ nhỡ với mục đích từ thiện. Các bà mẹ có con ngoài ý muốn của mình, đem trẻ đến vứt bỏ ở cổng chùa, trách nhiệm của nhà chùa chỉ có mở lòng từ bi đón nhận mà thôi, chứ nếu không nuôi thì xã hội lại sẽ lên án là vô cảm, thiếu trách nhiệm. Số lượng người đến chùa theo cách như  trên ngày càng nhiều, khiến nhà chùa hoàn toàn bị động.

Nghị định 68 đưa ra quy định các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em từ 10 người trở lên phải đăng ký cơ sở BTXH, có những quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực đối với cơ sở BTXH. Chùa Bồ Đề không đáp ứng được các quy định này, nên chưa được cấp phép.

Trên thực tế, các trung tâm BTXH của TP.Hà Nội cũng đang quá tải, nên việc tiếp nhận các cháu bé chưa đáp ứng được.

Các văn bản nhà nước liên quan cũng ghi rằng khuyến khích các cơ sở tôn giáo nuôi dưỡng trẻ em. Nếu cấm chùa nuôi trẻ em, thì tức là đi ngược lại chủ trương đó, càng không thể tùy tiện xử phạt trong khi hiện nay các cơ sở này đang góp phần giảm gánh nặng cho xã hội trong việc nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh éo le. Có rất nhiều người đã được chùa Bồ Đề nuôi nấng, đến nay đã trưởng thành đi các nơi này nơi khác lập nghiệp.

- Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM và rất nhiều phóng viên khác: Tuần trước ông Phan Đăng Long nói rằng đã xác minh được đầy đủ 11 trẻ em nghi mất tích. Chúng tôi đã về tận huyện Xuân Trường (Nam Định) là nơi sinh của mẹ đẻ cháu Tùng Anh, không thấy cháu bé ở đó. Lãnh đạo xã đó nói chưa có cơ quan nào đến xác minh về cháu bé này. Công an có thực sự điều tra không, hay có sự gian dối ở đây?

- Ông Phan Đăng Long: Thông tin đã được cơ quan công an báo cáo Thành ủy Hà Nội, tôi có trách nhiệm cung cấp cho báo chí những thông tin mà cơ quan công an đã báo cáo.

Cháu Tùng Anh sinh năm 2007, mẹ là Phạm Thị Thuận (sinh năm 1984) ở Xuân Trường, Nam Định. Hai mẹ con ở chùa từ tháng 6-2007. Năm 2008 thì chị Thuận xin lại con từ nhà chùa và gửi cho bác tên là Vũ Thị Hậu nuôi. Bà Hậu nuôi cháu đến năm 2012 , thì đưa cháu Tùng Anh cho chồng sống ở TP.HCM nuôi. Hiện nay đã gửi cháu Tùng Anh vào một cơ sở tôn giáo khác ở tỉnh Đồng Nai, có số điện thoại và địa chỉ rất cụ thể của cháu và những người liên quan.

Cán bộ công an đã vào TP.HCM và Đồng Nai để xác minh, vì cháu Tùng Anh không ở Xuân Trường nên cơ quan công an không đến nơi đó. Mặt khác, mẹ cháu bé hiện đã có chồng và có con, không muốn những người họ hàng, làng xóm và nhà chồng biết việc mình trước đây đã từng có con, nên cơ quan công an không thể tìm đến hỏi chính quyền xã đó để làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

- Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam: Nếu cơ quan công an bảo rằng đã xác minh, tại sao không cung cấp địa chỉ rõ ràng tận xóm, tận xã? Báo chí có quyền xác minh lại thông tin công an cung cấp xem có đúng hay không. Vụ chùa Bồ Đề có liên quan đến tiêu cực ở Trung tâm Bảo trợ 4 (Ba Vì) hay không, vì ở đó cũng có vụ việc mua bán trẻ em?

- Ông Phan Đăng Long: Tôi có danh sách 11 cháu mà các báo và nhóm thiện nguyện nghi là bị mất tích ở đây, với số điện thoại và địa chỉ hiện tại rõ ràng. Hiện chỉ duy nhất cháu Hoàng Anh, sinh năm 2010, mẹ là Hiên, không rõ địa chỉ. Cháu ở chùa Bồ Đề một tháng thì hai mẹ con bỏ chùa đi, hiện nay cơ quan công an không thấy tung tích hai mẹ con cháu ở đâu. Có ảnh chụp cháu và mẹ, chúng tôi cũng muốn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng giúp tìm hai mẹ con cháu.

Công an TP.Hà Nội đã đi kiểm tra gặp tận mặt 10 cháu bé, với số điện thoại và địa chỉ hiện tại rõ ràng. Trong đó, 1 cháu được một gia đình ở Bồ Đề nhận làm con nuôi có đầy đủ giấy tờ cho nhận con nuôi hợp pháp; 2 trẻ đang được nuôi dưỡng tại chùa khác; 7 trẻ đã được gia đình đón về (trong đó 5 cháu đang sống cùng gia đình và 2 cháu được bố mẹ cho người khác làm con nuôi).

Công an và Thành ủy đều thống nhất không cung cấp danh tính và địa chỉ cho báo chí. Bởi vì, cả Công an và chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ gia đình các cháu bé, phàn nàn khiếu nại rằng, rất nhiều phóng viên tìm đến nơi để hỏi về các cháu bé.

Các cháu trước đây phải vào chùa vì mẹ các cháu có quá khứ không tốt đẹp, lầm lỡ, nên họ phải giấu gia đình, làng xóm. Bây giờ mẹ các cháu và gia đình đều không muốn tung tích các cháu tung lên báo chí, cũng không muốn phóng viên tìm đến để làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Nếu danh tính tung lên báo chí thì chính các cháu bé cũng phải chịu sức ép tâm lý, đi học bị bạn bè đàm tiếu, coi thường, cuộc sống sẽ bị rối loạn.

- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội:  Tới thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng chứng minh Ni sư Thích Đàm Lan liên quan tới việc mua bán trẻ em. Một số người nghi vấn trường hợp cháu Cù Nguyên Công đã thực sự chết, hay là bị bán tiếp đi đâu đó. Chúng tôi đã điều tra, cháu bị chết ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh lý và trường hợp mất của cháu thì bệnh viện đã ghi cụ thể.

Có phóng viên hỏi rằng, vụ án ở chùa Bồ Đề và vụ án buôn bán trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 (ở Ba Vì) có liên quan đến nhau hay không, thì  hiện nay kết quả điều tra của chúng tôi chưa thấy có liên quan. Về 11 trẻ em mất tích mà báo chí nêu, chúng tôi đã xác minh đầy đủ, chưa phát hiện trường hợp nào mất tích như một số báo phản ánh.

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi cứ xoáy vào yêu cầu nêu danh tính cụ thể. Tôi khẳng định, kết quả xác minh, các điều tra viên sẽ chịu trách nhiệm. Chúng tôi không thể cung cấp danh tính các cháu cho báo chí được, vì để đảm bảo an toàn và cuộc sống yên ổn cho các cháu và gia đình. Chúng ta phải mong cho các cháu được sống tốt hơn, chứ không thể đưa thông tin lên báo một cách vô trách nhiệm”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Điều xấu của một tu sĩ: Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày