Ngôi chùa nằm cận hoàng cung, và thực ra đây là một ngôi chùa dành cho hoàng gia Campuchia. Ngôi chùa này trước đây được gọi là Wat Uborsoth Rotannaram bởi vì nó là nơi vua hành lễ vào mỗi ngày Bố-tát. Hoàng gia và quan lại cũng tổ chức những nghi lễ Phật giáo ở đây. Đây cũng là nơi nhà vua gặp các sư Tăng để nghe thuyết giảng Phật pháp.
Ngôi chùa này không có Tăng nhân cư trú. Tuy nhiên, vua Norodom Sihanouk đã sống ở đây một năm khi ông tập sự xuất gia vào ngày 31-7-1947. Khi nhà vua tổ chức các nghi thức Phật giáo, chư Tăng từ những ngôi chùa khác như Wat Analoam và Wat Botumvattey được mời đến để tham gia các khoá lễ.
Chánh điện, thư viện và tường thành của ngôi chùa được xây vào giữa 1892 -1902 dưới thời vua Norodom, nhưng vào lúc đó nó được xây bằng gỗ và gạch. Thiết kế của nó được đặt trên loại kiến trúc Campuchia. Ngôi chùa sau đó bị hư hại, và hoàng hậu Kosamak Neary Rath đã yêu cầu trùng tu lại. Dưới sự chỉ đạo của con bà là Samdach Preah Norodom Sihanouk, người vào thời đó là vị đứng đầu nhà nước, ngôi chùa cũ được tháo dỡ và trùng tu lại vào năm 1962 trên khu đất cũ với kết cấu bê-tông. Tuy nhiên kiến trúc vẫn giữ lại kiến trúc cũ.
Có đến 1.650 tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ trong ngôi chùa này, và hầu hết đó là những bức tượng Phật. Chúng được làm bằng vàng, bạc, đồng và những chất liệu quý khác. Một số được trang trí bằng kim cương. Chúng được vua, những thành viên của hoàng gia, những người giàu có và những giới khác nhau hiến cúng. Ở chánh điện, có một bức tượng Phật bằng vàng nặng 90kg và được trang trí với hơn 2 ngàn viên kim cương. Viên kim cương lớn nhất được đặt trên đỉnh đầu. Bức tượng này do vua Sisowath hiến cúng vào năm 1904, theo đề xuất của vua Norodom. Bức tượng này được đặt tên là Preah Chin Raingsei Rachik Norodom.
Những vật thể quý giá khác nhau được tôn trí ở trong chùa Preah Keo Morakot bao gồm: tượng Phật ngọc lục bảo, bức tượng được an trí ở trên bệ chính giữa ngôi đền; xá-lợi được mang đến từ Sri Lanka vào năm 1956; bức tượng Phật bằng vàng do hoàng hậu Queen Kosamak Nearyrath, mẹ của vua Norodom Shihanouk, hiến cúng vào năm 1969...
Ngôi chùa được bao quanh bởi một dãy hành lang dài với tường thành cao. Trên bức tường thành này người ta vẽ những bích họa được dựa trên cốt truyện Reamker, một sử thi được phỏng tác theo sử thi Ramayana của Ấn Độ. Những bức tranh này được 40 nghệ sĩ Campuchia thực hiện giữa những năm 1903-1904 dưới sự hướng dẫn của Oknha Tep Nimit. Dãy tường này dài 643 mét và cao 3 mét. Và đây được xem là một tác phẩm nghệ thuật lớn tại chùa Preah Keo Morakot. Chư Tăng từ Phnom Penh và những tỉnh khác từng học ngôn ngữ Pāli trong những lớp học được tổ chức dọc dãy hành lang này trước khi trường Pāli được mở ở Phnom Penh vào 1930.
Trước Preah Keo Morakot có hai ngôi tháp. Ngôi tháp phía Nam thờ tro cốt của vua Ang Doung, cố nội của vua Shihanouk. Ngôi tháp phía Bắc thờ tro cốt của vua Norodom, ông nội của vua Shihanouk. Tượng của vua Norodom cưỡi một con ngựa được dựng vào năm 1875. Nó là vật kỷ niệm của vị vua Pháp Napoleon III. Bức tượng này được đặt trước Preah Keo Morakot vào năm 1892, những lúc đó không có điện thờ. Trong suốt cuộc vận động của Sihanouk để giành độc lập từ Pháp, ông đã luôn cầu nguyện trước bức tượng này. Sau khi Campuchia giành độc lập vào năm 1953, vua Sihanouk đã cho cho xây điện thờ để tưởng niệm vua Norodom.
Phía Nam của Preah Keo Morakot, bên cạnh Thamma Hall, một nơi dành cho hành lễ, là tháp của vua Norodom Soramrith. Phía Tây của Preah Keo Morakot là một tháp chuông. Cái chuông này được sử dụng vào những nghi lễ khác nhau, và để báo hiệu giờ mở và đóng cửa của chùa Bạc. Trong quá khứ, chiếc chuông này cũng được sử dụng để báo hiệu giờ giấc cho các Tăng sinh học tiếng Pāli trong hoàng cung. Ở phía Nam là nhà lưu trữ Tam tạng kinh Pāli của Phật giáo Theravāda.
Nằm bên cạnh hoàng cung, với khung cảnh thanh bình và lối kiến trúc đẹp, Preah Keo Morakot đã trở thành một địa điểm thu hút nhiều du khách tham quan khi họ đến Phnom Penh. Và sẽ là một thiếu sót nếu đến tham quan Phnom Penh mà bỏ qua địa danh này.