Xe cứu thương từ thiện tịnh xá An Huệ

GN - Từ lời tâm huyết của một Phật tử, rằng: “Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, ban vui mà thấy người ta đau khổ nằm đó mình không có cái gì giúp đỡ thì đâu có đúng với tinh thần của đạo Phật…”, rồi sau đó thiện duyên, tịnh xá An Huệ (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đã mua xe, thực hiện chức năng “xe cứu thương từ thiện”.

Tài xế lái xe cấp cứu cần nhiệt tình, thân thiện

SC.Trân Liên, phó trụ trì tịnh xá kể lại như vậy khi được hỏi về việc tổ chức xe cứu thương tại chùa. Sư cô cho biết từ những chia sẻ của Phật tử, các sư cô trong tịnh xá cũng có nhiều trăn trở, suy nghĩ và từ quan sát thực tế có nhiều trường hợp bị tai nạn, mỗi khi kêu xe phải chờ đợi khá lâu, xe tới có khi bệnh nhẹ thành bệnh nặng, nhiều khi quá muộn. Vì lý do đó, các sư cô quyết định kêu gọi Phật tử, các mạnh thường quân cùng góp tiền mua xe, chuyên làm nhiệm vụ cấp cứu từ thiện. Xe bắt đầu hoạt động từ tháng 7-2014.

Để mua được xe và chuyên làm từ thiện, hoạt động giúp đỡ bà con nghèo, khó khăn ban đầu không phải là tiền bạc, “vì nếu việc làm tốt đẹp thì sẽ lan tỏa và mọi người sẽ cùng chung tay”, mà khó nhất là tài xế. Tài xế lái xe cấp cứu cần trung thực, nhiệt tình, thân thiện”, SC.Trân Liên cho biết.

Anh XH .jpg

Tài xế và tình nguyện viên phục vụ cho xe cứu thương tịnh xá An Huệ

Sau khi tịnh xá thông báo, có một số bác tài đến xin làm từ thiện, tuy nhiên vì các bác tài còn phải mưu sinh nên nên “cầm lái” thường không ổn định. Chức năng của xe cấp cứu là phải lúc nào cũng có tài xế trực liên tục 24/24 nên các sư cô quyết định thuê tài xế mỗi tháng (25 ngày trả lương), 5 ngày còn lại thì để cho các bác tài chạy từ thiện.

Dù khó khăn về khâu tài xế, nhưng để được nhận vô lái xe cũng không phải dễ, các sư cô cũng tìm hiểu rất rõ về hoàn cảnh, quan sát về tính cách và tập huấn kỹ năng liên quan đến sơ cứu ban đầu, thường xuyên sinh hoạt hướng dẫn về cách nói chuyện khi giúp đỡ người bị nạn và gia đình người bị nạn. Bác tài nào không tuân thủ những quy định đó thì sẽ không được nhận lái xe từ thiện. “Tài xế không được xin tiền người bệnh, phải biết kính trên nhường dưới, khi giúp người phải tạo cho họ cảm giác thoải mái”, SC.Trân Liên cho biết.

Để công việc được bền chắc, các sư cô còn phân công người ghi sổ trực của xe cứu thương, ngày nào chở ai, bác tài nào chở, chở đến bệnh viện nào. “Nếu bà con có phản ảnh là tôi giở lịch ngày đó ra, biết tài xế nào chở, để tôi có cách nhắc nhở. Nếu có người tái phạm thì sẽ không chấp nhận cho lái xe từ thiện nữa”, SC.Trân Liên cho biết.

Là một tài xế lái xe tuyến Đồng Tháp, ông Phan Văn Hòa hàng tháng đều tranh thủ những ngày nghỉ xin các sư cô được chạy xe từ thiện. Từ những nhân duyên đó, ông phát tâm quy y trở thành Phật tử. “Tôi cũng lớn tuổi rồi nên nghiêm chỉnh quyết tâm đi theo Phật pháp, với tâm nguyện hướng về Phật pháp ‘cứu một mạng sống bằng một đống vàng’, mình chết rồi thì chỉ có nắm hai tay, cũng hết”, ông Hòa tâm sự.

Khó khăn và những chuyện cảm động

SC.Trân Liên cho biết, khi có ý định mua xe, các sư cô ở tịnh xá lập một bản kế hoạch và trình lên chính quyền nêu rõ nguyện vọng “muốn mua một chiếc xe cấp cứu để giúp đỡ từ thiện cho người nghèo”. Khi chính quyền ký duyệt, các sư cô làm giấy giới thiệu đến các cơ sở xí nghiệp, mạnh thường quân, phát cho Phật tử và liên hệ với các bệnh viện, trạm y tế trên các trục đường xin dán số điện thoại, “để bà con ai bị tai nạn thì biết mà gọi”.

Khi tịnh xá vận động mua xe, còn khoảng 100 triệu nữa mới đủ, lúc đó các sư cô quyết định mua vì “đợi cho đủ thì khi nào mới đủ”. Sau khi mua xe, sư cô công khai mọi khoản chi phí trên bảng thông tin của tịnh xá, bà con, Phật tử cứ thế tới ủng hộ thêm.

Sư cô đặc biệt nhấn mạnh về thông tin liên quan đến tiền ủng hộ phải công khai hết cho mọi người biết, như vậy mới bền. Vì thế, “hàng tháng tịnh xá đều thống kê giúp đỡ bao nhiêu ca, tháng đó được ủng hộ bao nhiêu tiền, trừ chi phí tiền xăng thì còn được bao nhiêu, hụt bao nhiêu, đều công khai hết danh sách ủng hộ trong bảng thông tin của tịnh xá”, SC.Trân Liên nhấn mạnh.

Những ngày đầu do nhiều người chưa biết nên rất khó khăn về kinh phí mua xăng cho xe cấp cứu. Vì tiền xăng hàng tháng đến gần chục triệu đồng nên trong tịnh xá có Phật tử tình nguyện đi vận động kinh phí. Sau đó có nhiều Phật tử, bà con thấy được lợi ích của xe cứu thương nên đăng ký ủng hộ xăng dầu hàng tháng.

Để xe cứu thương giúp đúng đối tượng cần giúp, khi có người gọi tới nhờ cấp cứu, thì người phụ trách trực điện thoại sẽ hỏi nhanh: bị cái gì, đi bệnh viện nào, nếu tai nạn thì sẽ cấp thời cho xe đi liền, hoặc bệnh nặng thì cũng điều xe khẩn cấp. Cũng có trường hợp, yêu cầu chở đi khám bệnh thì tịnh xá không nhận, mà ưu tiên cho người bị tai nạn, người bị bệnh nặng cần cấp cứu gấp.

SC.Trân Liên cho biết: “Từ ngày tịnh xá có xe cấp cứu từ thiện, rất nhiều trường hợp ngặt nghèo được cứu, vượt qua cảnh thập tử nhất sinh. Có nhiều người đã quay lại tịnh xá hỗ trợ một ít kinh phí để xe cứu thương tiếp tục hoạt động, giúp đỡ cho những người khác. Nhiều người còn đến tịnh xá ăn chay, tham gia khóa tu và cùng đi từ thiện, tặng quà cho bà con nghèo... Đó là hiệu quả thiết thực nhất của những chuyến xe cấp cứu”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày