Xuân vô thường

Bài trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão - 2023 - Thiết kế: Tống Viết Diễn
Bài trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão - 2023 - Thiết kế: Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đầu năm là dịp các chùa tổ chức lễ cầu an, mọi người trở về chùa để cầu nguyện một năm mới an lành, vạn sự hanh thông, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Cầu an là nghi thức nghi lễ thuộc hình thức bên ngoài mang tính trợ duyên và nhắc nhở chúng ta. Đối với người Phật tử, điều thiết yếu là học hiểu giáo pháp, hành trì đúng lời Phật dạy, đó là cách thiết thực nhất để chúng ta tự an cho chính mình và an cho mọi người.

Giữa một thế giới nhiều biến động và tiềm ẩn những mối nguy hại như: ô nhiễm môi trường, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh hoành hành… khiến cho cuộc sống con người bị vây quanh bởi những mối lo sợ, bất an. Những lúc như vậy tự nhiên chúng ta lại càng nhớ về ba điểm tựa tâm linh, đó là Phật-Pháp-Tăng và quy hướng Phật pháp mạnh mẽ hơn. Phật pháp như một chiếc phao cứu hộ, giúp chúng ta không bị chìm ngập giữa biển khổ mênh mông. Cũng như giữa dòng đời đầy nhiễu nhương sóng gió, người nào biết an trú trong thực tại đang là, trở về sống với tự tánh bất nhiễm, người đó liền được hạnh phúc.

Trong Tứ diệu đế, điều chắc thật đầu tiên mà Đức Phật tuyên bố tại vườn Nai là Khổ đế (Dukkha). Và Khổ cũng chính là một trong Bốn pháp ấn để chứng thực giáo pháp của Phật (Vô thường-Khổ-Không-Vô ngã). Như vậy, chúng ta phải biết một cách thâm nhập rằng cuộc đời này là khổ. Nếu không có ý thức sâu sắc về cái khổ thì chúng ta không thể tu, không thể chuyển hóa, không thể làm mới con người mình. Chính nhờ cái khổ giúp chúng ta hiểu ra bản chất vô thường, duyên sinh, giả tạm của cuộc đời, thấy mạng sống của mình như hoa sớm nở tối tàn. Chính cái khó khăn, nghịch cảnh, chướng duyên mới làm cho chúng ta thức tỉnh, mạnh mẽ vươn lên. Cuộc đời nếu chỉ toàn êm đềm, sung sướng, thuận lợi thì chắc chúng ta vẫn còn chìm ngập trong mê tối, còn tham đắm thụ hưởng, chứ chưa chịu thức tỉnh giữa đêm trường mộng mị.

Trong bài Đăng Bảo đài sơn, Phật hoàng Trần Nhân Tông viết: “Vạn sự thủy lưu thủy, bách niên tâm ngữ tâm”. (Muôn việc nước xuôi nước, trăm năm lòng nhủ lòng). Nhìn lại tất cả sự vật, sự việc trên cuộc đời này trôi chảy liên tục như từng con nước xô đẩy, tiếp nối nhau trên dòng sông. Đời sống là sự biến dịch, chuyển dời, vận động, vận hành... Nói cách khác, đó là vô thường. Một kiếp người dầu được trăm năm cũng phải luôn ghi nhớ điều đó. Tất cả thân-tâm-cảnh giới đều là vô thường biến dịch.

Đời người một thoáng gió lay

Trăm năm trăm tuổi là giây phút này

Buồn vui thương ghét đong đầy

Vô thường hóa cũng chơn thường xưa nay.

(Chơn thường - Thiên Chân)

Trong chúng ta, có người đang độ tuổi xuân xanh, có người đã trải qua phân nửa cuộc đời, có người tuổi cũng đã xế chiều, nhưng vô thường không hẹn trước một ai, đâu thể biết mình ra đi lúc nào. Cho nên, sống viên mãn trong giây phút hiện tiền mới là người tỉnh thức. Ai ngờ đâu trăm năm trăm tuổi cũng chỉ là “giây phút này”. Giây phút này là thực tại hiện tiền tròn đầy, bất động, thuần tịnh, bất nhiễm, chứ không phải trăm năm trước cũng không phải trăm năm sau. Cái hiện thực mà chúng ta đang sống, thấy chỉ thấy, biết chỉ biết mà không thêm thắt bất cứ gì, thì chúng ta trở về với cái biết nguyên sơ sẵn có. Còn chúng ta sống với cái biết so đo, phân biệt, tính toán, hơn thua, phải quấy thì đã cách xa thực tại bình yên ấy. Trong kinh Lăng-già gọi là tự tâm hiện lượng. Tự tâm hiện lượng là trạng thái tâm chưa bị phân hóa, chưa bị cuốn hút theo. Tâm ấy sẵn có nơi mỗi chúng ta. Còn tự tâm tỷ lượng là đã có sự so sánh, phân biệt trên cảnh. Rồi tự tâm phi lượng là đã đi xa quá rồi, tâm khởi niệm trùng trùng điệp điệp, niệm này nối tiếp niệm kia, xa rời thực tại. Cho nên, thiền định là để gột rửa cái tâm tỷ lượng và phi lượng, trở về sống với tâm hiện lượng. Mà tâm hiện lượng là tâm hồn nhiên trong sáng, là bản chất tinh khôi của chính mình. Đó là điều chúng ta cần phải khám phá.

Buồn vui đắp đổi, thương ghét vơi đầy, rồi thì tất cả cũng đều như sương khói. Những ai thẩm thấu tột cùng lẽ vô thường của kiếp sống, mới hay ra “vô thường hóa cũng chơn thường xưa nay”. Vô thường của một trăm năm, một ngàn năm, muôn vạn năm cũng đâu khác giây phút này, ở đây bây giờ. Cho nên, chơn thường nằm ngay trong sát-na sinh diệt. Kinh Pháp hoa nói: “Vô thường thị thường”. Vô thường tức là thường chứ không có cái thường ở ngoài vô thường. Sự thật tròn đầy miên viễn nằm ngay trong sát-na sinh diệt và sát-na sinh diệt cũng là vĩnh cửu. Giống như hạt bụi mang đủ tính chất của vũ trụ, và vũ trụ nằm trong hạt bụi. Kinh Hoa nghiêm nói: “Sự sự vô ngại pháp giới” - từng sự vật, mọi hiện hữu trong pháp giới mênh mông này, từ cực bé đến cực đại cũng không bao giờ ngăn ngại nhau, mà dung thông vô ngại. Chính sự sự vô ngại pháp giới mới nói lên được rằng một hạt bụi chứa đựng hết cả tam thiên đại thiên thế giới trong nó. Hiểu được như vậy chúng ta không còn trốn tránh cái khổ, cũng không tìm kiếm chơn thường ở một cảnh giới nào khác ngoài cõi đời giả tạm này.

Trong Sơn phòng mạn hứng (cảm hứng làm thơ ở phòng trên núi), Sơ tổ Trần Nhân Tông viết:

Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,

Bất phàm hà tất mịch thần tiên.

Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,

Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

(Ai trói lại mong cầu giải thoát,

Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.

Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão,

Như cũ vân trang một chõng thiền).

Chúng ta vì thấy cuộc đời là khổ, thấy mình bị trói buộc, không được tự do tự tại nên mới bước chân vào đạo, dốc chí tu hành để được giác ngộ giải thoát. Nhưng ở đây Sơ tổ dạy: “Ai trói mà mong cầu giải thoát”. Thật vậy, nghiệm lại sâu sắc chúng ta sẽ thấy cái khổ đó là tự mình tròng vào cho mình, tự mình trói buộc mình chứ không ai áp đặt lên cho mình cả. Nếu tâm hồn nhiên, trong sáng, bình thản, không dính mắc vào đâu hết, thì những gì diễn ra thì cũng không làm tâm mình động, đó là người khéo tu. Còn đụng việc gì cũng dính, cũng khởi sanh phiền não thị phi, thì đó là tự trói buộc mình rồi. Người biết tu thì bình thản trước thị phi sóng gió, không dự vào những cuộc tranh chấp hơn thua, khen chê, được mất của cuộc đời. Tâm họ luôn nhớ nghĩ làm việc có ích cho mọi người, sống vì mọi người, cho nên họ sống rất hạnh phúc, mỹ mãn. Vì chỉ có mình mới biết bị khằn, bị nêm, bị gút chỗ nào nên phải tự mình tháo gỡ chứ không ai làm thay mình được. Cho nên nhà Thiền dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, nghĩa là soi lại tâm mình là phận sự chính, để nhận ra cái tâm dính mắc, bám chấp của chính mình mà tháo gỡ từ từ. Còn nếu cứ hướng ra ngoài đổ lỗi cho người, cho hoàn cảnh thì không thể bứng gốc đau khổ.

Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên”, chúng ta cứ nghĩ phải kiếm Phật, kiếm thần tiên ở trên núi cao hay ở một chốn nào xa xôi, nhưng ngài nói “chẳng phàm”, mình chẳng phải người phàm cần gì kiếm thần tiên. Ở đây, cách dụng ngôn của ngài rất là khéo. Chẳng phàm thì là người gì? Ngài không nói rõ, không xác định vì nếu có một danh xưng tức còn có cái ngã để bám víu. Nếu ngay nơi mình chẳng còn những thói phàm thì còn kiếm thần tiên làm gì nữa. Người sống được trong ấy tự thầm biết vậy.

Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão”, chỉ cho tâm đã được thuần thục, nhu nhuyến, con khỉ ý thức không còn lăng xăng nhảy nhót nữa. Đến đây phải là người dày dặn, lão luyện trong công phu. Và đến đây thì “như cũ vân trang”, nghĩa là vẫn là tâm xưa nay, cũng ngay tâm này, nhưng bây giờ một tâm thuần tịnh, lặng lẽ, sáng suốt, mà ngài biểu đạt qua hình ảnh “một chõng thiền”.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

(Thị phi niệm rụng theo hoa sớm,

Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm.

Mưa tạnh, hoa trơ, non vắng lặng,

Chim kêu một tiếng biết xuân tàn).

Ngài dùng những hình ảnh thật gần gũi, mộc mạc, sinh động nhưng chứa đựng lý thiền sâu sắc. Tất cả niệm thị phi, hơn thua, phải quấy thảy đều cho rơi rụng như hoa buổi sớm. Tâm danh lợi cũng chẳng còn vướng víu. Khi buông sạch đến tột cùng, tâm hoàn toàn yên lắng thì lúc ấy non cao vắng lặng hiện bày. Núi non hùng vĩ thinh lặng, sừng sững ở đó tự bao giờ. Và buông sạch không phải chẳng còn gì nữa, mà rõ ràng thường biết một cách sáng suốt, linh động. Cho nên nghe một tiếng chim hót ngài biết rằng đó là báo hiệu xuân tàn.

Qua đây chúng ta nghiệm lại chính mình, bao nhiêu phiền não thị phi trong cuộc sống này chúng ta đã cho rụng chưa hay còn nguyên gốc rễ? Nếu như tốt xấu, phải quấy, hơn thua chúng ta còn chứa chất đầy, rồi thắc mắc sao tu hoài, buông vọng hoài mà vọng không hết, hay tu mà lúc nào cũng cảm thấy bực bội, bất an. Chúng ta có chịu buông thật sự đâu mà tâm được an. Một mặt chúng ta muốn được bình yên an lạc, một mặt lại dung túng giặc phiền não, thì đó là chúng ta tự mâu thuẫn. Cho nên, phải cho tất cả niệm thị phi rụng sạch hết thì mới có cơ hội khám phá ra chân trời bình yên sẵn có nơi chính mình.

Muốn xây dựng đời sống an vui, chúng ta cố gắng học tu cho vững vàng. Hễ tu tới đâu thì chúng ta cảm nhận sự bình yên, an lạc tới đó; càng tu càng trở nên hiền lành, biết chia sẻ giúp đỡ mọi người. Nhờ tu tập, chúng ta có sự tươi mát, bình ổn nơi nội tâm của mình. Chính chúng ta sẽ là những nhân tố tốt, lành mạnh, từ đó lan tỏa đến những người xung quanh. Còn nếu không có năng lượng trong sự tu tập thì không thể giúp ai được. Mình nói tu mà bản thân vẫn còn đầy những phiền não, thị phi, hơn thua thì chúng ta cần phải kiểm nghiệm lại công phu tu tập của mình rồi.

Nhân dịp đầu xuân, ôn lại những bài thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông, như lời nhắc nhở, sách tấn chúng ta trên bước đường tu tập. Chư Tổ và các bậc chân Tăng, đời sống và công hạnh tu hành của các ngài luôn là tấm gương sáng ngời để chúng ta noi theo, tiếp thêm động lực và niềm tin cho chúng ta trên con đường tu hành giải thoát sinh tử. Và mọi công đức tu hành xin nguyện hồi hướng về khắp pháp giới chúng sanh, đồng phát Bồ-đề tâm, đồng tu Thánh đạo, đồng thành Chánh giác. Cầu mong quê hương đất nước được thái bình thịnh lạc, dịch bệnh sớm tiêu trừ, người người ấm no, nhà nhà hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày