* Tin yêu, gửi gắm…
Mỗi tuần, khi cầm tờ Giác Ngộ (GN) lòng tôi dâng lên một niềm vui lâng lâng khó tả! Từng trang, từng dòng chữ như đang chờ một tấm lòng tri kỷ, tri âm. Sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thời thị trường cũng không thể che khuất những cảm xúc của con người về đạo-đời, Phật pháp…
Đọc GN, tôi có nhiều niềm vui và tin hơn cuộc sống. Bao bon chen, bao tị hiềm, bao toan tính… đời thường dường như chỉ là những đám mây mờ, có đấy mà không có đấy, tôi ngộ ra từ những trang báo!
Và vì yêu, vì tin nên tôi xin góp ý cùng quý báo là: có thể tăng trang để bạn đọc xem được nhiều thông tin hơn. Hoặc tăng kỳ cho bạn đọc gặp GN nhiều lần hơn! Đồng thời tăng cường những câu chuyện, những bàn luận về kinh Phật để mọi người xem xét mình và suy ngẫm! Bởi cuộc sống hôm nay có nhiều khi tạo áp lực, gây căng thẳng cho tâm tính con người nên cần lắm những bài hướng dẫn cách xả stress; cách tìm niềm vui, niềm an ủi, sự chia sẻ cùng nhau…
Tôi tin GN sẽ làm được những điều đó! Mong rằng GN luôn là người bạn tâm tình, người bạn sẻ chia cho bạn đọc trên những nẻo đường cuộc sống…
* Phản hồi: Cảm ơn những "gã giang hồ"
Theo dõi 3 kỳ báo, từ số 568 đến 570, tôi đã rất xúc động và khâm phục những "gã giang hồ" trong loạt bài "Câu chuyện của những gã giang hồ phản tỉnh". Đó là những câu chuyện sống động về sự chuyển hóa tâm thức của con người khi tiệm cận với giáo lý Phật giáo. Chợt tôi nhớ đến mệnh đề "Phật pháp cứu đời tôi" mà mình đọc được ở đâu đó, rõ ràng, với giáo lý khơi gợi lòng từ và trí tuệ xuất thế gian mà Đức Thế Tôn tuyên thuyết đã làm phản tỉnh, cứu những con người một thời lầm đường lạc lối. Giáo lý ấy đã biến một "gã giang hồ" thành người Phật tử thuần thành, thậm chí thành một nhà sư biết làm ích đời lợi đạo như Giác Ngộ đã viết.
Tôi nghĩ, chẳng ai không có lúc sai quấy, nhưng nếu biết quay đầu, dù là trong giây phút cũng là một lần gieo nhân thiện lành. Huống hồ những người từng một thời là dân "anh chị" nay "phóng hạ đầu đao, lập địa thành Phật" thì càng đáng kính. Thiết nghĩ, Giác Ngộ cần phát huy những đề tài và những câu chuyện như thế để có thể góp tay chuyển hóa tâm thức con người vốn u mê trong hận thù, hơn thua, tham đắm… Nếu được, có thể giao lưu trực tuyến với những nhân vật hay để có những câu chuyện sinh động hơn!
(thanhphong03@gmail.com)
Giác Ngộ & Bạn đọc chào đón tin, bài của bạn đọc. Bài vở cộng tác vui lòng gửi về e-mail: bandocgiacngo@gmail.com hoặc thư tay về tòa soạn, địa chỉ 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM.