GN - HỎI: Kinh điển Phật giáo (cả Nam truyền và Bắc truyền) đều có ghi sự kiện Phật đản sinh đi 7 bước trên 7 đóa sen. Tuy vậy, hiện có quá nhiều cách giải thích về ý nghĩa của 7 bước chân này. Xin hỏi, cách giải thích nào đúng?
(Tịnh Giới, Sơn Trà, Đà Nẵng;
Nam Đông, Q.7, TP.HCM)
ĐÁP:
Bạn Tịnh Giới và Nam Đông thân mến!
Hiện có nhiều lối giải thích về 7 bước chân Phật sơ sinh. Con số 7: Biểu trưng cho bảy vị Phật, Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, Phật Ca-diếp, thứ bảy là Phật Thích Ca. Biểu trưng cho 7 Thánh quả, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát và Phật. Biểu trưng cho 7 phần giác ngộ (thất Bồ-đề phần, thất giác chi) trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định và xả (có một số kinh sắp xếp theo niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả). Biểu trưng cho 7 phương vị Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới và Tại đây, tuyên ngôn “duy ngã độc tôn” nhằm xác quyết tính hằng hữu trong thời gian vô cùng không gian vô tận bên trong mỗi chúng sinh. Ngoài ra, con số 7 theo quan niệm của Ấn Độ cổ đại là con số thành, biểu trưng cho sự hoàn hảo, nhiếp thâu cả vũ trụ… Còn rất nhiều pháp số 7 liên quan đến Đức Phật và giáo pháp của Ngài.
Trong những luận giải về ý nghĩa 7 bước sen này thì thất giác chi (7 chi phần giác ngộ) có kinh điển làm y cứ. Kinh Ưu-bà-di tịnh hạnh pháp môn (Đại Chánh tân tu, kinh số 579), phẩm Điềm lành, xác định: “Này Tỳ-xá-khư! Khi Bồ-tát sinh thì đi 7 bước, vì Bồ-tát đắc 7 đạo Bồ-đề”. “Này Tỳ-xá-khư! Bồ-tát đi rồi chỉ về phương Ðông, vì làm người dẫn đường cho các chúng sanh. Bồ-tát chỉ phương Nam vì làm ruộng phước lành cho chúng sanh. Bồ-tát chỉ phương Tây vì đây là thân cuối cùng. Chỉ về phương Bắc, vì với tất cả chúng sanh thì Bồ-tát đã đắc Vô thượng Bồ-đề. Chỉ phương Dưới vì muốn phá tan binh ma. Chỉ phương Trên vì làm chỗ quy y cho trời, người. Này Tỳ-xá-khư! Rống tiếng sư tử vì là bậc tối thượng, tối tôn trong trời người tất cả chúng sanh không ai sánh bằng” (Việt dịch: Thích nữ Diệu Châu; Chứng nghĩa: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh, Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh).
Thiết nghĩ chúng ta nên y cứ vào những luận giải về ý nghĩa của 7 bước chân Phật sơ sinh theo kinh, luận. Còn những diễn giải về 7 bước chân Phật mà không y cứ vào kinh luận, mang tính chủ quan thì chỉ có giá trị tham khảo mà thôi.