Yên Sơn thấp thoáng bóng thầy Quan Âm

GNO - Chùa Yên Sơn là một ngôi chùa nhỏ, nằm trên một hòn đảo không lớn lắm giữa hồ Phú Ninh. Chùa tọa lạc trên sườn dốc thuộc làng Bàu Tre, núi Rẫy Bông, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Trong ánh nắng vàng tươi buổi sáng sớm, khi những cơn gió nhẹ êm thổi thoang thoảng qua mặt hồ êm đềm, chúng tôi lên đò ngang đến với Yên Sơn tự, một ngôi chùa bình yên dựa lưng vào núi, mặt hướng ra một góc hồ Phú Ninh mênh mông và những rừng cây xanh ngắt. Bỏ lại những vương vấn ưu tư lại bên này bờ, nơi những xô bồ của cuộc sống thường nhật, chùa Yên Sơn hiện ra thấp thoáng trong bóng cây rừng uy nghiêm và huyền hoặc.

Picture 193.jpg

Chùa nhìn từ xa - Ảnh: B.H.Cường

Nghe người hướng đạo giới thiệu về chùa, chúng tôi không khỏi háo hức đến với một khung cảnh nơi chốn thiền môn yên ả ấy. Từ xa, tượng Bồ tát Quan Âm nổi lên với một màu trắng thanh thoát giữa nền xanh của cây rừng, thoai thoải trên triền đồi với phía trước là màu nước êm đềm. Thi thoảng mới có một chiếc đò nan chầm chậm qua, vô cùng yên bình. Khói sớm lãng đãng trên rặng cây từ mấy ngôi nhà xa xa càng như tô điểm cho cảnh chùa thêm huyền ảo.

Tọa lạc trên rìa đảo nhỏ, không quá xa cách với những ngôi nhà xung quanh, nên sự bình yên là điều rất dễ nhận biết khi đến với chùa Yên Sơn. Tượng Bồ tát Quan Âm cao 12,5m đứng sừng sững, mặt hướng về phía hồ như muốn cứu vớt lấy những linh hồn khổ ải của kiếp trầm luân. Về bức tượng này cũng có nhiều điều đáng nói, bởi âu đó cũng là một cái duyên với chùa.

Nguyên phần khuôn mặt tượng Quan Âm là một tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế, sau được thỉnh về nơi đây. Ban đầu các đạo hữu cũng như nhân dân nơi đây định đặt dáng tượng ngồi, nhưng bao nhiêu lần đặt lên khuôn mặt tượng Quan Âm đều đổ xuống. Chỉ đến khi tạo dáng tượng đứng mới thành công. Và đây cũng là khuôn mặt tượng Bồ tát Quan Âm đẹp nhất tại Quảng Nam . Bởi đó là khuôn mặt mang đậm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam , và có lẽ cũng phảng phất một nét nào đó của khuôn mặt phụ nữ Chăm.

Picture 195.jpg

Tôn tượng Đức Bồ tát Quan Thế Âm - Ảnh: H.C

Một điều đặc biệt nữa là chùa hiện chưa có trụ trì, cũng như không có các Tăng Ni, chỉ có một lương y, cư sĩ vốn là một thầy thuốc, một giáo viên nghỉ hưu ngày ngày đến làm thuốc, khám bệnh và hương khói trong chùa.

Lương y, cư sĩ Giang Thành Tiến, 71 tuổi cho biết: “Chùa được xây dựng cũng bởi cái duyên từ nhiều nơi tụ hội về, đó là tấm lòng thành của nhiều Tăng Ni, Phật tử từ khắp nơi đóng góp!”.

Lương y Giang Thành Tiến chia sẻ, nguyên thủy chùa chỉ là một miếu nhỏ, có thờ tượng Phật. Năm 1966 bom Mỹ bắn phá ngôi miếu tan hoang hết, chỉ duy có tượng Phật là vẫn nguyên vẹn và nằm dưới lòng một hố bom. Qua thời gian vùi lấp, chỉ đến khi người dân lên đây làm rẫy mới phát hiện ra, rồi dựng lại tượng Phật. Thời kỳ ấy đời sống còn vô vàn khó khăn nên không ai dám nghĩ đến việc dựng chùa. Rồi một lần cũng thật tình cờ, mà đó cũng là duyên, khi ấy có một bức thư đi lạc đã đến nơi đây. Bức thư ấy vốn chuyển đến chùa Tiên Sơn, Bắc Ninh, run rủi thế nào lại đi lạc vào vùng Yên Sơn, một đạo hữu vô tình bóc ra xem mới biết đó là một bức thư của bà Vũ Thị Hiền, một đạo hữu có pháp danh Diệu Đức gửi về từ Canada muốn cúng dường một số tiền để giúp đỡ những ngôi chùa khó khăn tại Việt Nam.

Lúc đó ông Giang Thành Tiến đã thay mặt các Phật tử chùa Yên Sơn gửi lại một bức thư khác đến địa chỉ trên tại Canada . Rồi một thời gian ngắn sau, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của bà Vũ Thị Hiền, chùa đã được dựng vào ngày 28 tháng 3 năm Ất Hợi (1995). Cũng từ đó, bà Diệu Đức cũng thường xuyên làm rất nhiều việc để đóng góp cho chùa.

Khi xây dựng chùa cũng vô cùng vất vả bởi cách trở sông nước, mọi vật liệu đều phải chở sang bằng đò, với sự đóng góp của rất nhiều thiện nam tín nữ, rất nhiều đạo hữu từ khắp nơi chùa mới được như ngày hôm nay.

Picture 199.jpg

Chánh điện chùa Yên Sơn - Ảnh: H.C

Bây giờ, chùa Yên Sơn đã có một khung cảnh khác. “Yên Sơn” nghĩa là “khói núi”, là bình yên và thoát tục. Bước chân lên đò để đến đây là lòng người đã cởi bỏ hết những muộn phiền, mong đến sự thanh thản của cõi tâm diệu vợi. Khuôn viên chùa mát lành với những cây bồ đề, nơi những tượng Phật, tượng La hán ngồi xếp bằng trầm tư mặc tưởng, hướng tâm linh con người đến cõi niết bàn vô lượng.

Điều đặc biệt nữa ở đây là các tượng Phật, tượng La hán, tượng Tiên đồng đều đặt dưới những bóng cây, bởi khuôn viên điện thờ không quá rộng để đặt tượng. Cũng chính vì thế đã tạo nên một khuôn viên chùa vô cùng khác so với những chùa khác. Xa xa trên phía đỉnh đồi, tượng Dược Sư tĩnh lặng dưới bóng cây bồ đề. Nguyên gốc thân mình tượng Dược Sư vốn định để làm tượng Bồ tát Quan Âm ngồi nhưng không được. Dưới chân tòa sen là những thùng nước mà người dân quan vùng tin là nước lành để chữa bệnh, mọi người vẫn thường xin về dùng…

Một ngày trải nghiệm nơi chốn cửa thiền, lòng người như thanh tịnh hơn, những phiền lụy được tách bạch con người bỏ lại phía bên kia bờ, để hướng đến cõi không huyền ảo diệu siêu linh.

Picture 205.jpg

Picture 228.jpg

Picture 231.jpg

Những pho tượng nơi chùa Yên Sơn - Ảnh: Hữu Cường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày