10 năm sau khi tượng Phật bị phá hủy ở Afghanistan

GNO - Cách đây hơn 10 năm, vào ngày 26-2-2001, lãnh đạo Taliban Mullah Omar cho lệnh phá hủy hai tượng Phật cổ khổng lồ ở Bamiyan, Afghanistan.

bam-10.jpg

Di tích chỉ còn lại đường nét bên ngoài của tượng Phật

Những tu sĩ theo đoàn người hành hương đến đây theo tuyến đường xuyên Ấn Độ-Trung Quốc, đã khắc hai bức tượng khổng lồ này vào mặt vách đá sa thạch khoảng 1.500 năm về trước. Ratbit Shamel, thuộc báo Deutsche Welle Afghanistan , đã trả lời về tình trạng hai bức tượng này hiện nay.

Ông có thể nói một vài điều về vùng Bamiyan không? Thiểu số người Hindu và Hazara ở đó mang ý nghĩa gì? Họ đóng vai trò gì trong xã hội đó?

Ratbil Shamel: Vùng Bamiyan kết nối những tuyến đường hành hương giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nên trở thành một khu vực thực sự quan trọng. Đó là trung tâm kinh tế quan trọng đáng được quan tâm. Điều này khiến các tu sĩ thường xuyên đến vùng này. Cũng vậy, vùng Bamiyan có nhiều nước và đất đai mầu mỡ, thuận lợi cho nông nghiệp. Vì thế người ta mới khắc những tượng Phật vào vách đá sa thạch dọc theo nơi dân chúng cư ngụ. Theo một số nguồn tin, đã có khoảng 900 gia đình sống ở đây.

Những bộ lạc Mông Cổ định cư tại vùng đất này, cuối cùng cũng theo Hồi giáo. Đó là những người chúng ta gọi là dân Hazara ngày nay. Theo năm tháng vùng đất này bị bỏ hoang, đất đai bị xói mòn, nhưng người dân vẫn sống trong những ngôi nhà vách đá. Từ khi chính quyền Taliban sụp đổ, vùng Bamiyan có cơ hồi để hồi sinh.

Sắc lệnh phá hủy hai bức tượng Phật của Mullah Omar có ý nghĩa gì?

Đối với Taliban, Mullah Omar là “vua”, do đó ông lãnh đạo tất cả những người tin theo Hồi giáo. Nếu người lãnh đạo ra bất cứ sắc lệnh gì, tất cả những người Hồi giáo có nghĩa vụ phải tuân theo. Dĩ nhiên, dân chúng Afghanistan đã không làm như thế, vì các tượng Phật là một phần văn hóa của họ. Chiến binh Taliban đã làm điều đó. Họ đã phá hủy một di sản văn hóa có từ hơn 1.000 năm trước đây.

Tư tưởng này có ảnh hưởng gì đối với người dân Afghanistan ?

Ngay cả ngày nay, những người tin theo Mullah Omar vẫn tin tưởng vào lời nói của ông là bất di bất dịch và cao cả hơn tất cả. Nếu Omar ra lệnh đánh bom cảm tử hay phá hủy một ngôi trường, thì chỉ có dân chúng là thiệt hại, mất mát nhiều nhất. Đây là một vấn đề rất lớn.

Có bao nhiêu tôn giáo hợp pháp ở xã hội Afghanistan ngày nay?

Trước hết, không người dân Afghanistan nào đứng về phe Taliban. Cho đến bây giờ, chưa hề có một cuộc biểu tình ủng hộ phe Taliban hay al Qaeda, như ở Pakistan .

Người Hindu thật ra là cư dân nguyên gốc ở vùng này. Họ không bao giờ từ bỏ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) của mình. Điều này không hợp pháp ở Afghanistan . Trẻ em Hindu gặp khó khăn ở trường học, gia đình chúng gặp trở ngại với chính quyền, và chính phủ Afghanistan không muốn và không thể bảo vệ họ. Đạo Hindu ngày càng trở nên suy yếu dần trong 30 năm chiến tranh. Nhiều người Hindu phải bỏ xứ mà đi, giống như dân Do Thái trước kia.

Dân chúng đang rời bỏ nước Afghanistan . Vậy mối liên hệ giữa Tổ quốc và cộng đồng người di cư như thế nào?

Tất cả những người tị nạn chạy trốn khỏi Afghanistan vẫn duy trì liên lạc với Tổ quốc mình, bởi họ thường xuyên cung cấp tiền bạc về cho gia đình. Nếu không có họ, nhiều gia đình sẽ hoàn toàn không có phương tiện sinh sống. Hầu như không có một người Afghanistan tha hương nào mà không giữ liên lạc với gia đình. Ít nhất họ cũng thường hỗ trợ tiền bạc cho gia đình hoặc cho láng giềng của họ trước kia.

Điều này gây ảnh hưởng gì trong xã hội Afghanistan ?

Sự hỗ trợ tài chánh này đã giúp hàng ngàn trẻ em được đi học lại. Những người thân lưu vong gửi sách vở về cho gia đình, và cố gắng nói chuyện với gia đình qua Internet. Bản chất điều này có ảnh hưởng rất tích cực, vì nó có nghĩa là: sẽ có ít người còn tin vào lời tuyên truyền cực đoan rằng người phương Tây là kẻ thù vô đạo đối với Hồi giáo, muốn hủy hoại niềm kiêu hãnh của Afghanistan .

Quan niệm của người dân Afghanistan về đạo Hồi đã thay đổi như thế nào?

Sự thay đổi lớn nhất là dân chúng đã nhận ra rằng Taliban và al Qaeda không liên quan gì đến thực tế của đạo Hồi. Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình, và chúng tôi đã sống hòa đồng hàng trăm năm với các láng giềng, dù cho họ theo đạo Hindu hay đạo nào khác.

Một người Afghanistan bình thường theo đạo Sufi (một giáo phái thần bí của đạo Hồi) đều biết rằng “ta hãy sống và để người khác sống”. Ngày nay người dân ít bị ảnh hưởng nhiều bởi lời truyên truyền của Taliban - họ không còn tin tưởng ở Taliban, bởi vì họ đã nhìn thấy viễn cảnh tương lai của Afghanistan . Nhưng điều đó có thể thay đổi nếu đất nước này không vực dậy nỗi chính mình.

Nhưng chắc chắn họ muốn hòa bình, bởi không ai trong số họ đã được nếm hương vị hòa bình là thế nào. Tuyệt đại đa số dân Afghanistan   không biết sống trong hòa bình nghĩa là gì; họ chỉ biết rằng hòa bình là điều mà họ vô cùng ao ước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày