10 sự kiện nổi bật của Phật giáo thế giới năm 2009

LTS: Năm 2009 từ từ khép lại, một năm đầy biến động đã trôi qua, người dân trên thế giới phải gánh chịu biết bao thiên tai, bão lụt, động đất, đại dịch cúm A/H1N1 đã cướp đi hàng ngàn mạng sống, hàng triệu người dân trở nên trắng tay. Bên cạnh đó, tình hình suy thoái kinh tế đang là mối đe doạ của nạn thất nghiệp, mâu thuẫn và xung đột…Tuy nhiên nhìn lại Phật giáo thế giới trong một năm qua, với những nỗ lực và phát triển trong tinh thần hoà hợp, Phật giáo thế giới đã cùng nhau xây dựng và phát triển một ngôi nhà hoà bình và để lại nhiều sự kiện nổi bật, đáng lưu tâm. Sau đây là 10 sự kiện của năm 2009 do Giác Ngộ Online bình chọn.

1. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2009

phatdan thai.jpg

Lễ khai mạc Phật đản Liên Hiệp Quốc 2009.

Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ VI đã diễn ra tại Trung tâm Phật giáo Buddhamonthon, Thái Lan từ ngày 04-06 tháng 5 năm 2009 quy tụ hơn 1.300 đại biểu, chư tôn lãnh đạo Phật giáo, học giả, nhà nghiên cứu, chư Tăng-ni và Phật tử đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới cùng với hơn 2.000 Tăng ni và Phật tử Thái Lan tham dự. Chủ đề chính của đại lễ là “Tiếp cận Phật giáo về khủng hoảng môi trường” và các chủ đề thảo luận như: giải pháp Phật giáo về khủng hoảng kinh tế; tiếp cận Phật giáo xung đột chính trị, hòa bình và phát triển; hội thảo của các trường đại học Phật giáo thành viên tổ chức IABU; các dự án của Phật giáo và các nguồn lực mạng lưới Internet.

2.  Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ II

sukien 2.gif

Các vị trưởng đoàn các nước đọc tham luận

“Thế giới hài hòa, chúng duyên  hòa hợp” là chủ đề chính của Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ II được tổ chức ngày 28- 3 tại thành phố Vô Tích tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tham dự diễn đàn có khoảng 1.700 tu sĩ thuộc hàng giáo phẩm cao cấp của các tổ chức Phật giáo, giới học giả, nhà nghiên cứu của gần 50 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Mục đích của diễn đàn là thảo luận về những đóng góp tích cực của Phật giáo trong công cuộc xây dựng một thế giới hoà bình và thịnh vượng.

3. Hội nghị thượng đỉnh liên tôn khu vực châu Á-châu Úc-Thái Bình Dương

sukien 3.jpg

Hội nghị thượng đỉnh liên tôn khu vực châu Á – châu Úc – Thái Bình Dương

Nhằm tạo điều kiện hiểu biết, cảm thông lẫn nhau giữa các tôn giáo và cùng góp phần làm nên sự hoà hợp, hoà bình và ổn định trong khu vực châu Á, châu Úc và Thái Bình Dương, Đại học Griffith và Tịnh Độ tông Phật giáo đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Liên tôn tại Brisbane, Queensland, Australia từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 02 năm 2009. Hội nghị đã quy tụ hơn 300 đại biểu trí thức, lãnh đạo các tôn giáo đến từ Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, HongKong, Đài Loan, Philippinnes, Australia, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Singapore và Fiji. Nội dung thảo luận chủ yếu tập trung vào các vấn đề giáo lý và đạo đức tôn giáo trong việc cổ xuý tinh thần hoà hợp và ổn định trong khu vực.

4. Phật giáo được trao giải thưởng Tôn giáo tốt nhất trên Thế giới

sukien 4.jpg

 Ảnh đức Phật thuyết Pháp cho Tăng chúng

Tổ chức Liên minh Quốc tế vì sự Tiến bộ của Tôn giáo và Tâm linh có trụ sở tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ đã trao giải thưởng “Tôn giáo Tốt nhất trên Thế giới” năm 2009 cho cộng đồng Phật giáo. Giải thưởng đặc biệt này do hơn 200 nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc 38 tôn giáo lớn nhất trên thế giới bình chọn trong một hội nghị bàn tròn quốc tế hồi cuối tháng 7 năm 2009.

5. Ngũ Đài Sơn được công nhận là di sản Văn hóa thế giới

ngudai1.jpg

                            Một phần của khu thánh địa Ngũ Đài Sơn  

Vào những ngày hạ tuần tháng 6 năm 2009, Ủy ban Di sản Thế giới đã liệt kê khu thánh địa Phật giáo Trung Quốc Ngũ Đài Sơn vào danh sách di sản thế giới của UNESCO  như là phong cảnh văn hóa. Quần thể Ngũ Đài Sơn có tới 53 tự viện. Trong đó có chùa Shuxiang là nơi tôn thờ 500 pho tượng Phật, Bồ Tát mô tả các câu chuyện Phật giáo đã kết thành những bức tranh sơn thuỷ rất hữu tình.

6. Khánh thành Quan Âm các cao nhất thế giới
 
sukien 5.jpg

Quan  Âm các cao nhất thế giới (ảnh chụp thu nhỏ)

Ngày 6-12-2009, tại chùa Kek Lok Si ở Air Itam, Penang, hơn 300 nhà lãnh đạo Phật giáo và tín đồ Phật tử thuộc các truyền thống Đại thừa, Tiểu thừa và Kim Cang thừa từ Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Thái Lan và Bhutan cùng với hơn 10.000 du khách và tín đồ Phật tử đã tham dự lễ khánh thành Quan Âm các 20 tầng cao 60,9 mét bên trong có tôn trí tượng Bồ tát Quan Âm cao 30,2 mét. Quan Âm các này đã được Phật giáo Malaysia đề nghị xác lập vào kỷ lục Guinness Thế giới.

7. Đại hội cầu nguyện hòa bình các Tôn giáo thế giới.

sukien 6.jpg

Đại diện các tôn giáo trong khoá lễ cầu nguyện hòa bình các Tôn giáo thế giới.

Từ ngày 6-8 tháng 9 năm 2009, Đại hội Cầu nguyện hòa bình các Tôn giáo thế giới được tổ chức tại tổng giáo phận thành phố Krakow, Ba Lan. Hơn 300 nhà lãnh đạo Tôn giáo khắp nơi trên thế giới là đại diện Phật giáo, Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Hồi giáo v.v đến tham dự hội nghị. Nội dung thảo luận về đối thoại các tôn giáo và đại chúng, đến phương diện chính trị, kinh tế, xã hội và các phạm vi tương đương rộng rãi. Đường lối chủ đạo của hội nghị là xoay quanh trục chính chủ đề kỷ niệm 70 năm ngày bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai.

8. Đại lão Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm viên tịch

sukien 7.jpg

Hàng ngàn người dự lễ tang cố Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm

Đại lão Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, một trong bốn Thiền sư được tôn kính nhất của Đài Loan, đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch ngày 3 tháng 2 năm 2009, hưởng thọ 80 tuổi. Hoà thượng, người sáng lập Pháp Cổ Sơn, được xem là một trong 50 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất của Đài Loan từ 400 năm qua. Lúc sinh thời, Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm đã quy y cho hàng ngàn đệ tử từ thường dân cho đến các chính trị gia và nhiều nhân vật nổi tiếng. Chính ngay đương kim Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và cựu Tổng thống Trần Thuỷ Biền cũng thường đến ngài để cầu xin chỉ giáo. Ngài ra đi để lại vô vàn thương tiếc cho hàng vạn người con Phật xứ đảo.

9. Khai mạc hội nghị Phật giáo tại Singapore

sukien 8.jpg

. Các đại biểu trong buổi lễ khai mạc hội nghị Phật giáo ở Singapore 

Hội nghị lớn nhất đầu tiên của các nhà nghiên cứu Phật giáo trong khu vực đã chính thức khai mạc hôm 16 tháng 2 ở Singapore . khoảng 150 nhà nghiên cứu, giáo sư, tu sĩ Phật giáo và các nhà thần học người Iran, Hoa Kỳ, Đức v.v…đến tham dự. Hội nghị này hoàn toàn mang tính nghiên cứu học thuật, và không có ngụ ý chính trị hay tôn giáo.

10. Hội Nghị Tâm linh và Sự sống lần thứ XVIII

sukien 9.gif

Đại  biểu tham dự Hội Nghị Tâm linh và Sự sống lần thứ XVIII

Hội nghị Tâm linh và Sự sống lần thứ XVIII đã diễn ra từ ngày 05-10 tháng 4 năm 2009 tại thị trấn Dharamsala, miền bắc Ấn Độ. Chủ đề của hội nghị là: “Quan sát, Ký ức và Tâm: Sự hợp nhất của các khía cạnh Tâm lý, Khoa học thần kinh và Thiền định”. Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo tâm linh tôn giáo và nhiều khoa học gia hàng đầu trên thế giới. Hội nghị chủ yếu thảo luận về Phật giáo và khoa học, đặc biệt tập trung vào Thiền Chánh niệm và khoa học thần kinh. Trong đó, sự quan sát, ký ức và tâm là lĩnh vực nghiên cứu hấp dẫn nhất, được các nhà khoa học thảo luận nhiều nhất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày