GN - 39 năm qua, Tết nào HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư cũng hành trì lễ lạy Ngũ bách danh vào dịp đầu xuân tại động Hương Tích (chùa Hương).
Nhân duyên thuở nào...
Chia sẻ với phóng viên Giác Ngộ, Hòa thượng cho biết, khi mới về học tại chùa Quán Sứ vào năm 1975, có một Phật tử pháp danh Khánh Tường - Nguyễn Thị Thành (nhà ở Hàng Đào) là đệ tử của Đại lão HT.Thích Đức Nhuận - Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN có tâm nguyện muốn về động Hương Tích lễ lạy Ngũ bách danh. “Cụ Thành trình bày, tôi đã đồng ý việc này, từ đấy, mỗi năm vào dịp đầu xuân tôi thường hướng dẫn cụ và một số Phật tử hành hương chiêm ngưỡng, cũng như đảnh lễ những hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm”.
39 năm liên tục, HT.Thích Bảo Nghiêm đều lễ "Ngũ bách danh" tại động Hương Tích, chùa Hương
Nói về tín ngưỡng Quán Thế Âm đối với người Việt, HT.Thích Bảo Nghiêm cho hay, không phải mới đây, mà từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm đã có. Đồng thời, không phải cá nhân Hòa thượng mà nhiều bậc tôn đức đã đặt niềm tin nơi Bồ-tát vì những hạnh đức cao cả của Ngài.
“Ngài được xưng tôn là “thí vô úy giả” - là vị ban sự không sợ hãi cho mọi người. Khi chúng ta thực hành hạnh lắng nghe, cảm thông và chia sẻ những khó khăn với mọi người, soi sáng tâm thức của mình và xét những việc đã làm được, chưa làm được của bản thân, lắng nghe sự góp ý chân thành, phát huy những việc làm tốt, cố gắng khắc phục những việc làm chưa tốt, để hoàn thiện bản thân - là lúc chúng ta lĩnh hội đúng tinh thần bi, trí, dũng; từ đó luôn an nhiên trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời theo đúng hạnh nguyện “vô úy” mà Bồ-tát đã dạy”, Hòa thượng nói.
Với niềm tin và sự hành trì đó, HT.Thích Bảo Nghiêm còn suy nghiệm: “Ngài có ngàn mắt có nghĩa là “tri” (biết), có ngàn tay nghĩa là “hành” (hành động), để có thể đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người. Học theo Bồ-tát, bản thân chúng ta phải luôn có tâm nguyện dấn thân, đi để hiểu, hiểu để thương và cảm thông, từ đó mới có thể xoa dịu nỗi đau khổ của chúng sinh và vuông tròn hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai”.
Vuông tròn hạnh nguyện
Kể về quá trình 39 năm hành trì lễ lạy Ngũ bách danh, Hòa thượng nhớ lại: “Ngày xưa, đường về chùa Hương còn khó khăn, có khi đi 3 hôm hoặc 7 hôm mới về, đò đưa khách còn hiếm. Đò nọ gọi đò kia bằng tiếng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Có năm tôi đau chân, tưởng không thể đi được, thế mà đến lúc chuẩn bị đi lại hết đau, vì thế thực tập cho đến nay mà không hề gián đoạn”.
Nói rồi, Hòa thượng tâm đắc, khẳng định niềm tin đưa tới chuyển hóa từ việc hành trì của mình rằng, có lẽ đó chính là sự gia hộ của Bồ-tát để Hòa thượng vuông tròn hạnh nguyện mà không gián đoạn.
Động Hương Tích
“Bản thân tôi cũng không tổ chức cho Phật tử tháp tùng, nhưng số lượng mỗi năm cứ thế tăng lên, như mùa xuân năm nay có vài ngàn người tham gia lễ lạy” - Hòa thượng hoan hỷ cho biết.
Hỏi tại sao lại chọn động Hương Tích làm điểm đến lễ lạy trong 39 năm hành trì Ngũ bách danh, HT.Thích Bảo Nghiêm nói, duyên là từ thuở ban đầu với Phật tử Khánh Tường. Song, đối với địa điểm tâm linh này, Hòa thượng cũng đã biết, nơi đây được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” - chúa Trịnh Sâm viết khi đến đây vào năm 1770. Theo đó, nhân dân tin tưởng rằng, ở chùa Hương có ứng tích của Đức Quán Thế Âm được truyền thuyết kể lại.
Cụ thể, sách Dư địa chí của Phan Huy Chú chép: “... Núi Hương Tích ở phía Tây núi Tuyết Sơn theo khe suối đi ngược lên, leo nhiều tầng núi mới vào động. Cảnh thiên nhiên như quỷ thần tạc rất lạ và khéo, là động đẹp nhất miền Nam Hải… Tương truyền, Quan Âm Bồ-tát cầm tích trượng sang phương Nam trụ trì ở đây… Mỗi năm, ngày xuân về, thiện nam tín nữ ở muôn phương đến động dâng hương…”.
Để luôn được Bồ-tát soi sáng thì việc tu và học đúng Chánh pháp, hàng Phật tử tại gia cần phải thực hành những gì, thưa Hòa thượng? - HT.THÍCH BẢO NGHIÊM: Có câu đối: “Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt. Vạn lý vô vân vạn lý thiên” (nghĩa là Ngàn sông có nước, ngàn trăng hiện/ Muôn dặm không mây muôn dặm trời). Theo đó, chỗ nào cũng có Bồ-tát Quán Thế Âm chiếu soi cho chúng ta, chỉ vì chúng ta mê mờ nên không nhận ra. Bồ-tát Quán Thế Âm linh cảm với tất cả chúng ta khi đến với Ngài. Chúng ta phải học hạnh nguyện của Ngài: “Chân quán thanh tịnh quán, quảng đại trí tuệ quán”. Nghĩa là dùng trí để soi tỏ chân lý thấu rõ bản chất thanh tịnh và duyên sanh của các pháp, trí tuệ rộng lớn suốt thấu tất cả pháp, để từ đó khởi tâm đại bi vô biên, luôn xét nỗi khổ của mọi loài để cứu vớt, mang niềm vui dâng tặng. Được như thế mới gọi là thực hành trọn vẹn hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm. |
Quảng Hậu