GN - Bố thí là một trong những pháp hành phổ biến của người đệ tử Phật. Hãy cho đi một phần những gì mình có để tạo phước cho hiện tại và mai sau. Dĩ nhiên, người con Phật bố thí luôn hướng đến mục tiêu lợi mình, lợi người, lợi cả hai. Cho đi để mình và người đều lợi ích, an lạc mới được gọi là bố thí đúng nghĩa.
Thực tế ở đời có nhiều sự cho đi nhưng không phải trường hợp nào cũng được ngợi khen và có phước đức. Như cho người phương tiện làm ác, cho người sự chết chóc, cho người sự bất an, cho người sự say đắm sắc dục, cho người sự mê tín và lệ thuộc thần linh thì chẳng những không được phước mà còn mang tội. Hãy nghe lời Phật dạy về những điều nên và không nên trong hạnh thí xả hàng ngày.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có năm sự bố thí không được phước. Thế nào là năm? Lấy dao thí cho người, lấy độc thí cho người, lấy bò hoang thí cho người, lấy dâm nữ thí cho người, tạo các miễu thần.
Ðó là, này Tỳ-kheo! Có năm việc bố thí không được phước. Tỳ-kheo nên biết, lại có năm việc bố thí khiến được phước lớn. Thế nào là năm? Tạo vườn cảnh, tạo rừng cây, tạo cầu đò, tạo thuyền lớn, tạo phòng xá trụ xứ cho người qua lại.
Ðó là, Tỳ-kheo! Có năm việc này khiến được phước.
Thế Tôn liền nói kệ:
Vườn cảnh thí mát mẻ/ Và tạo cầu đò tốt/ Bến sông đưa mọi người/ Và làm phòng nhà tốt/ Người đó trong ngày đêm/ Hằng sẽ nhận được phước/ Giới định đã thành tựu/ Người này ắt sanh thiên.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy nhớ tu hành năm đức thí này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tà tư,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.360)
Thật rõ ràng, đem hung khí hay vũ khí nói chung cho người thì không được phước. Đối với người hung hăng, thiếu kiềm chế hay chưa đủ chín chắn mà có được hung khí thì nguy to. Nhà nước kiểm soát vũ khí và các hung khí sát thương rất chặt chẽ cũng không ngoài lý do này.
Đem chất độc cho người, dù gián tiếp hay trực tiếp cũng tạo ra sự tổn hại. Chỉ riêng việc vì lợi nhuận mà cố tình gây ô nhiễm thực phẩm ngày nay cũng đã gây tổn hại nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội. Ngoài các chất độc đúng như nghĩa đen của nó, còn có những độc tố về tinh thần, về quan niệm sống, về cách ứng xử đã và đang đầu độc con em chúng ta khiến đời sống đạo đức càng thêm xuống cấp.
Bò hoang trong văn hóa Ấn Độ là sinh vật linh thiêng, được tôn thờ như vị thần, là biểu tượng bất khả xâm phạm. Ai đụng đến bò hoang là xúc phạm thánh thần, cận kề với tai họa. Thế nên, “thí bò hoang cho người” cũng chẳng khác nào đem lửa bỏ vào tay họ, khó tránh khỏi thảm họa cháy tay.
Đem mỹ nữ cho người sẽ khiến cho tham ái và phóng dật tăng thêm. Người say đắm sắc dục quá độ khí huyết sẽ suy hao, sức khỏe và trí lực sa sút, bị sắc đẹp mê hoặc nên dễ làm điều phi pháp.
Đáng suy ngẫm nhất là tạo dựng các am miễu thờ cúng quỷ thần, việc làm này không có phước. Vì sao? Việc thờ phụng này sẽ khiến cho người ta có khuynh hướng ỷ lại, cầu cạnh quỷ thần ban phúc giáng họa, sa đà vào mê tín dị đoan mà không lo chuyển hóa nghiệp lực của chính mình.
Thế Tôn khẳng định, năm sự bố thí kể trên vốn không được phước. Ngược lại, Ngài khuyến khích mọi người hướng tâm vào những việc phúc lợi cho cộng đồng như “Tạo vườn cảnh, tạo rừng cây, tạo cầu đò, tạo thuyền lớn, tạo phòng xá trụ xứ cho người qua lại” để được phước báo lớn.