57 năm ngày diễn ra sự kiện trọng đại của PG Ấn Độ

GN - Ngày 14-10 là ngày kỷ niệm lần thứ 57 của một sự kiện lịch sử trọng đại đã diễn ra tại Ấn Độ khi Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar tổ chức lễ cải đạo sang Phật giáo.

Cũng ngày ấy, tại Deekshabhoomi ở Nagpur, bang Maharashtra, Ấn Độ, noi gương Tiến sĩ Ambedkar, có khoảng 380.000 người đã cải sang đạo Phật. Ngài Hòa thượng Tiến sĩ Hammalawa Saddhatissa Maha Thera, một vị tu sĩ có uy tín người Sri Lanka, đã chủ trì buổi lễ cải đạo, quy y mang ý nghĩa lịch sử trọng đại này.

Tien si 1.jpg

Tiến sĩ Ambedkar trong lòng Phật tử Ấn và Sri Lanka.
Trong ảnh là đoàn Phật tử cung rước Đức Phật và tiến sĩ Ambedkar

Tiến sĩ Ambedkar và vợ là bà Savita Ambedkar đã phát nguyện quy y Tam bảo, thọ trì năm giới cấm với ngài Mahasthavir Chandramani người Myanmar.

Sau đó Tiến sĩ Ambedkar đã khuyến khích hàng ngàn người ái mộ ông cũng phát tâm quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm, bên cạnh đó họ còn lập 22 lời nguyện.

Sư Devapriya Valisinha, Tổng Thư ký Hội Đại Bồ Đề (Mahabodhi Society) cũng đã có mặt tại sự kiện trọng đại này. Sư đã thiết lập mối liên hệ với Tiến sĩ Ambedkar trong nhiều năm trước đó. Điều này được chứng minh bằng việc xuất bản nhiều bài viết của Tiến sĩ Ambedkar trong tạp chí Maha Bodhi trong giai đoạn này. Khi Tiến sĩ Ambedkar quyết định trở thành một Phật tử và kêu gọi những người ái mộ ông cùng tham gia với mình, sư Devapriya Valisinha đã tham dự buổi quy y cải đạo tập thể tại Nagpur này cùng với một số vị Tỳ-kheo trong Hội Đại Bồ Đề, và hỗ trợ trong việc sắp xếp, tổ chức nghi thức tôn giáo. Sư Devapriya Valisinha cũng đã phát biểu tại buổi lễ và thay mặt cho Hội Đại Bồ Đề tặng Tiến sĩ Ambedkar một bức tượng Phật.

Vào năm 1935, Tiến sĩ Ambedkar đã tuyên bố rằng, mặc dù ông được sinh ra là một người Ấn Độ giáo, nhưng ông sẽ không chết với tư cách của một người Ấn Độ giáo. Sau tuyên bố này, ông nghiên cứu rộng rãi giáo lý của tất cả các tôn giáo lớn, và quyết định chọn Phật giáo để ông cùng với những người ái mộ ông tu tập theo.

Ông đã chọn Nagpur để tổ chức lễ cải đạo, bởi vì như ông giải thích trong bài phát biểu, rằng Nagpur là quê hương của những người Naga đã theo Phật giáo và đã ủng hộ Phật giáo trên nhiều phương diện trong giai đoạn đầu của Phật giáo ở Ấn Độ. Một khu đất trống gần khu vực Ramdaspeth ở Nagpur đã được lựa chọn để tổ chức buổi lễ.

Đôi nét về tiểu sử của Tiến sĩ Ambedkar

Tiến sĩ Ambedkar có tên đầy đủ là Bhimrao Ramji Ambedkar (14-4-1891 - 6-12-1956). Ông thường được gọi là Babasaheb, là một luật sư, chính trị gia, nhà triết học, nhà nhân chủng học, lịch sử và kinh tế học ở Ấn Độ. 

Tien si 2.jpg

Trong một nghi thức tưởng niệm, di ảnh tiến sĩ Ambedkar được đặt trang trọng

Ông là một người đã góp phần quan trọng làm cho Phật giáo hồi sinh tại Ấn Độ, tạo cảm hứng cho phong trào Phật giáo hiện đại ở Ấn Độ. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Ấn Độ sau khi giành lại độc lập, ông là nhà “kiến trúc sư” chính xây dựng nên Hiến pháp Ấn Độ. Tổng thống Barack Obama gọi Ambedkar là “người cha sáng lập” của Ấn Độ hiện đại trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Ấn Độ.

Tiến sĩ Ambedkar học Phật trong suốt quãng đời của mình. Trong năm 1950, ông đến Sri Lanka tham dự buổi lễ ra mắt của Hội Ái hữu Phật tử Thế giới do Tiến sĩ GP Malalasekera, người Sri Lanka, sáng lập. Trong chuyến viếng thăm này, Tiến sĩ Ambedkar đã có một bài thuyết trình tại Hiệp hội Thanh niên Phật tử Colombo (Colombo YMBA) về chủ đề “Sự thăng trầm của Phật giáo ở Ấn Độ”.

Tiến sĩ Ambedkar qua đời vào ngày 6 tháng 12 năm 1956, chỉ một tháng rưỡi sau buổi lễ cải đạo trọng đại do ông tổ chức tại Nagpur. Một dòng người dài hai dặm đã đến tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là một trong những đám tang có đông người tham dự nhất ở Ấn Độ vào thời bấy giờ.

Minh Nguyên (Theo Sri Express)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày