6 con số dọc hành trình người

GN - Nhìn cơ ngơi và nụ cười thanh thản hiện giờ, không ai nghĩ anh từng là một thầy giáo ở cương vị Phó Hiệu trưởng, rồi rong ruổi khắp Sài Gòn bán kem ký, chìa từng tờ vé số dọc nơi bến phà Thủ Thiêm ngày nào…

Rời bục giảng…

Anh sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, với bản tính ham học, cần cù, yêu cái chữ và thích giảng đường. Ước mơ được đứng trên bục giảng dạy chữ cho học sinh quê nhà đã thành hiện thực. Khoảng thời gian 1983 - 1993, thầy giáo Nguyễn Minh Nhựt đã trải qua công tác nhiều trường trong huyện nhà và từng ở cương vị Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (những năm học 1986-1989).

ANh so T (2).jpg
Anh Nguyễn Minh Nhựt

Vì những chuyện buồn ở quê, vì kinh tế gia đình suy sụp, lương giáo viên thời điểm những năm 1993 không thể gánh nổi ba người con gái với người vợ.

Nhiều lần trù trừ, nhiều đêm không ngủ, cuối cùng anh với người vợ chí tình chí nghĩa đã thống nhất rời quê lên phố, kiếm cơ hội phát triển.

… tính kế dài lâu

Kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, bến phà Thủ Thiêm là nơi gắn bó lâu nhất của quãng thời gian đầu gia đình anh Nhựt rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đầu loay hoay chưa biết phải làm gì trong những ngày cuối năm 1993, anh chợt nghĩ ở đất Sài Gòn món giải khát nhanh gọn là kem. Anh tìm hiểu rồi lấy công làm lời, đường dọc hẻm ngang, góc chợ, xóm cầu,… nơi nào cũng có dáng anh qua. “Bán kem ký mỗi ngày kiếm lời cũng được ba chục tới bốn chục ngàn, nhưng phải tranh thủ lắm, sợ kem chảy” - anh Nhựt tâm sự.

Bến phà Thủ Thiêm “xôm tụ” người qua quận Nhất, kẻ về quận Hai; có nhà hàng trên tàu, sông Sài Gòn uốn quanh ôm thành phố vào lòng. Vì vậy, vợ chồng anh Nhựt quyết định chọn xẻo đất dưới dạ cầu Thủ Thiêm bờ Bình Thạnh bây giờ (nơi đó giờ trở thành khu giải tỏa, không lâu nơi đây sẽ thành khu đô thị mới của thành phố năng động này!) làm nơi trú ngụ.

Cơ duyên đến với vé số từ năm 1995, anh Nhựt xúc động kể: “Nhớ lại dạo đó, mỗi chiều sau khi bán kem ký có bữa hết, có bữa còn chút đỉnh, tôi nán lại nơi bến phà Thủ Thiêm, mải ngắm tượng Hưng Đạo vương, rồi thấy mình cần phải làm cái gì khác hơn nữa mới có cơ may thay đổi cuộc sống. Tôi thấy nhiều người bán vé số dạo, lúc đó giấy dò số hơi hiếm. Vậy là tôi lân la dò hỏi, biết được giấy dò là đại lý bán lẻ và cả những người vé số kiến thiết đều mua giấy dò từ đại lý cấp.

Được ông bạn ở quê bày vẽ, vậy là chiều chiều nghe điện thoại từ ông bạn rồi tôi ghi lại kết quả xổ số kiến thiết của các đài có trong ngày. Sau đó ghi nắn nót, chính xác lại rồi đi photo và bán cho mấy người bán vé số dạo. Mỗi tờ kết quả là 500 đồng. Vậy chớ thu nhập kết quả giấy dò số mỗi ngày (thực ra là trong buổi chiều khoảng thời gian xổ số) cũng được 80.000 đồng. Riết rồi mê lúc nào cũng không rõ!”. 

Bán vé số một thời gian, anh Nhựt được đại lý vé số kiến thiết thành phố Hồ Chí Minh nhận làm đại lý “con”. Có lần anh bị một vài bạn hàng quỵt nợ, coi như trắng tay. Anh Nhựt đã nén lòng lấy số nữ trang của vợ cầm làm tin để lấy vé số bán.

Anh nói: “Gia đình tôi mãi còn mang ơn chị Lê Thị Lộc. Lần đó, chị đã không cần cầm lấy số nữ trang của vợ tôi làm tin, mà giao thẳng vé số như mọi khi để tôi kịp giờ về giao lại cho các “nhân viên” của mình. Giấy tờ xe của tôi còn mang tên chị nữa đây. Vì lúc đó làm gì có hộ khẩu, tha phương mà…”.

Điều làm nên thành công trong kinh tế hay bất cứ ngành nghề nào cũng vậy là phải giữ chữ tín, đeo đuổi mục đích tới cùng. Bởi, một lần thất tín vạn lần bất tin mà, anh Nhựt bày tỏ quan niệm sống của mình.

Niềm vui lớn dần khi gia đình ấy có thêm một thành viên mới, út trai ra đời năm 1998. Cái vui kéo theo sự phấn đấu cật lực vực dậy kinh tế gia đình, điều đó làm anh Nhựt và vợ suy nghĩ không thôi. Từ lúc bán vé số mệnh giá 2.000đồng/tờ doanh số mỗi ngày được 200 tờ (400.000đồng), đến nay mệnh giá vé số 10.000đồng/tờ doanh số mỗi ngày có trên hai tỷ tiền vé số, tính tới thời điểm hiện tại thì doanh số đạt mỗi ngày còn cao hơn nhiều lần con số hai tỷ lúc trước.

Uy tín cộng thêm sự năng động trong làm ăn, anh Nhựt đã được các công ty xổ số kiến thiết nhận làm đại lý cấp 1. Đa số công ty xổ số kiến thiết các tỉnh miền Nam từ Lâm Đồng tới Cà Mau chọn Đại lý vé số Minh Nhựt là nơi tin cậy để phân phối vé số đến tận người tìm vận may đổi đời sau những con số.

Số nhà 603/33/11 đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh là nơi mà trước đây (năm 2005) vợ chồng anh Nhựt thuê nhà, sau đó mua hẳn. Cơ ngơi ổn định, tấm bảng Đại lý vé số Minh Nhựt như chễm chệ cùng mưa nắng trước sân nhà. Thành quả của gia đình anh được chính quyền địa phương của 13 tỉnh, thành đánh giá cao.

Thiện nguyện tùy tâm

Anh Nhựt trải lòng: “Thật ra, có nhiều người bán vé số bị khuyết tật lắm, có nhiều người gặp hoàn cảnh trong đời không may, nhưng do sức khỏe yếu họ đành cầm xấp vé số mỏng. Nhưng xin lỗi, thử đi bán mới biết, mỏi chân lắm, đi phải dẻo dai lắm mới bán cả trăm tờ chớ đâu dễ gì”.

Rồi anh Nhựt cho biết dự định sắp thành hiện thực của anh trong ngày 18-4-2014 này. Vừa qua, anh khởi ý tưởng và làm bản đề nghị lãnh đạo Công ty TNHH XSKT Bình Thuận về việc hỗ trợ tiền mua 10 chiếc xe lắc tay cho người vé số bị khuyết tật.

Vặn hỏi mãi, anh mới nói cũng từng làm từ thiện nhưng thi thoảng tặng nhà tình thương ở xã Long Kiến (An Giang), cùng các anh em đại lý khác xây dựng nhà đại đoàn kết ở Vũng Tàu. Còn nhiều trường hợp khác nữa, vì mỗi đại lý cùng đồng lòng phối hợp với các công ty trong việc góp vốn làm những công tác xã hội mang tính chất thiện nguyện.

Hàng năm, kể từ năm 2009, anh Nguyễn Minh Nhựt gửi tặng 6.000 quyển vở cho học sinh nghèo ở những trường mà trước đây anh từng công tác ở tỉnh nhà. Thời gian tới, có thể anh Nhựt sẽ tăng cường thiện nguyện hơn. “Mình từng qua vất vả trong mưu sinh, từng biết cái khó trong nghề nên hiểu và thương lắm những đồng nghiệp. Đúng là những con số gắn với đời mình rồi…”, anh trải lòng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày