GN - Trong một chiều nhá nhem,tôi đã tìm tới căn nhà nhỏ, nơi cô nương náu tuổi già, làm nghề lương y, giúp đời để cảm câu chuyện của người “mẹ hiền” này. Cô là Phan Thị Tư - Phật tử Quảng Niệm ở Chợ Đàn (huyện Quế Sơn, Quảng Nam).
Giúp người là chính!
Cô bảo “Tôi sinh ra để… làm từ thiện” và chọn cuộc sống không gia đình. Đó không chỉ vì nỗi ám ảnh mẹ mất sớm (lúc cô vừa lên 8) mà còn vì cô nhận ra, đời sống thế gian vô thường, rồi một mai nào đó mình sẽ chết, ngắn hay dài trong hành trình làm người này thì mình cũng không nên để tình cảm đặt nặng vào một vài người (chồng, con), để họ cứ phải đau đớn khi mình ra đi như cô đã từng đau khi mẹ mình từ giã cõi đời.
Cô Nguyễn Thị Tư
Lúc đó, cô chưa quy y Tam bảo, nhưng cha cô là Phật tử nên suy nghĩ mang tinh thần giải thoát ấy đã ngấm vào máu, vào tim cô. Đó là lý lẽ vô thường để làm kim chỉ nam cho lối sống của mình. Cũng từ cha, cô học được nghề thuốc, bén duyên với nghề, dẫu trước đó từng bôn ba dạy học ở tỉnh này tới thành phố kia trong cuộc mưu sinh từ Huế vào Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng rồi TP.HCM… Nơi nào cô đến, cũng đều trong vai cô giáo với câu hát quen thuộc “mẹ hiền là cô giáo mến thương”, dạy tiểu học; và dạy cả nữ công gia chánh ở “trường dòng”. Ở đó, cô được “vẽ” trở lại đạo, để sau đó được đưa sang Pháp đào tạo, nhưng cô lắc đầu “vì trong tim cô có Phật” và “vì đất nước, quê hương còn đó, với những gì thân thuộc ở quê nhà”.
Niềm tin ấy giữ cô lại quê nhà, để rồi sau đó cô nghỉ nghề giáo, tiếp tục đeo nghiệp lương y, làm một “mẹ hiền” tận tụy với công việc cứu người, hễ ai cần, dẫu xa, cô cũng tới tận nơi, bắt mạch, kê đơn, hốt thuốc. Những người có điều kiện thì cô nhận tiền công, tiền thuốc, còn người nghèo, cô sẵn lòng cho nợ, mà nếu họ không có tiền trả thì cô… quên luôn. Chính vì vậy, mà khi đã vào tuổi 60, biết nghề, giỏi nghề từ trước (do cha truyền dạy) cô cũng khăn gói đi học để được cấp chứng chỉ, để có thể giúp được nhiều người hơn một cách danh chánh ngôn thuận.
Cô kể, có nhiều ca khó, cô về suy nghĩ cả đêm, liệu kế này bày kế khác để bắt bệnh, cắt thuốc cho phù hợp, không ít người khỏi bệnh đã trở lại cảm ơn cô. Tất cả, cô đều từ chối bởi “đó là chức nghiệp của mình, Phật thương nên cho mình mát tay, giúp người bớt bệnh, khỏe mạnh là hạnh phúc rồi, không có chi để nói là ơn nghĩa cả”.
Sống thảnh thơi, yêu đời…
Bước qua tuổi 75, cô vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, vẫn thường đi Lào, Thái Lan… để chiêm bái Thánh tích, lễ Phật, học hỏi cái hay của người. Cô Tư tâm niệm, ở đâu cũng là nơi trọ, nên cô nhẹ nhàng chuyện tử sinh lắm.
Cô bảo, Phật pháp giúp mình nhiều lắm, từ việc thấy được vô thường lẫn chuyện sống chết là bình thường tới việc phải chuẩn bị cho sự chết bằng chính cách mình sống. “Hễ mình đã sống trọn vẹn rồi thì khi nào đi, đi ở nơi nào thì cũng chẳng có chi mà hối tiếc, luyến lưu cả”. Thế nên, đến tuổi về bên kia dốc núi, hỏi điều cô trăn trở, mong mỏi là gì, cô nói “không có chi”, chuyện gì tới sẽ tới - đó cũng chính là cách cô sống và nhìn đời, yêu đời.
Tôi biết, mỗi người chọn cho mình một cách sống, một lối sống, với cô Phan Thị Tư, đó là cách sống một mình, không chồng, không con, cống hiến cho xã hội, rồi học Phật, tu theo Phật để mình còn sống thì còn làm chi đó giúp người, giúp đời. Tâm niệm vậy, nên ở tuổi 75, cô vẫn miệt mài như “con tằm rút ruột nhả tơ” dệt nên một mảng tươi vui nơi cõi Ta-bà này…