GNO - Đầy hơi là một bất ổn sức khỏe tiêu hóa gây khó chịu cho hầu hết mọi người ở các lứa tuổi khác nhau.
Thực hiện theo 9 lời khuyên từ chuyên gia dưới đây có thể giúp giảm biểu hiện của chứng đầy hơi một cách hiệu quả, trước khi cần có sự can thiệp khác.
Uống nhiều sữa đậu nành có thể gây đầy hơi
1. Tránh bia rượu
Đa số chúng ta đều có thể bị đầy hơi khi uống bia và một số thức uống có cồn khác. Cồn làm mất đi các lợi khuẩn trong đường ruột, ngoài việc gây ra chứng đầy hơi còn phá hủy gan nghiêm trọng.
2. Cắt giảm caffeine
Caffeine là chất lợi tiểu nên sẽ đẩy muối và nước ra khỏi cơ thể chúng ta, gây ra chứng đầy hơi.
Caffeine gây mất nước, làm cho hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Do đó, khi bị đầy hơi, điều đầu tiên bạn cần làm là uống cà phê ít lại.
3. Tránh thức uống năng lượng
Thức uống năng lượng dành cho người chơi thể thao hay các loại soda đều chứa nhiều chất làm ngọt nhân tạo hoặc đường, muối,... nên sẽ gây đầy hơi. Một số loại nước tăng lực còn chứa nhiều calori.
Sau khi vận động, rèn luyện cơ thể, bạn chỉ nên uống nước lọc hoặc các thức uống không có đường để bổ sung nước cho cơ thể.
4. Lưu ý các loại đậu hạt
Các loại đậu hạt thường gây đầy hơi. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý các loại thực vật khác như cải xoăn, bông cải trắng và bông cải xanh đều có chứa hợp chất raffinose dẫn đến chứng đầy hơi.
Vì cơ thể chúng ta không thể tiêu hóa hoàn toàn các raffinose, vi khuẩn trong ruột kết sẽ làm chúng lên men và tạo ra methane, gây đầy hơi.
Tuy vậy, bạn không nên loại bỏ các loại thực vật này ra khỏi chế độ ăn vì chúng chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể.
5. Tránh các sản phẩm đậu nành chế biến sẵn
Đậu nành chứa nhiều hợp chất hóa học tương tự như estrogen và có tác dụng như estrogen; trong đó có đầy hơi và gây tăng cân. Do đó, bạn nên giảm tiêu thụ đậu nành chế biến công nghiệp chưa được lên men như sữa đậu nành hộp và phô mai đậu nành.
Trái lại, bổ sung một lượng ít đậu nành lên men tự nhiên từ tương miso, natto sẽ không gây đầy hơi. Nếu bạn không dung nạp lactose và quen uống sữa đậu nành thì hãy thay thế bằng sữa hạt hạnh nhân, nước dừa hay sữa gạo.
6. Không ăn nhiều vào cuối ngày
Cũng giống như não bộ, dạ dày của chúng ta hoạt động tích cực hơn vào ban ngày và kém đi vào ban đêm. Điều này có nghĩa là nếu bạn ăn bữa tối thịnh soạn với hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, dễ làm đầy hơi.
Bạn nên ăn bữa lớn vào buổi sáng và buổi trưa. Điều này cũng giúp chúng ta tiết kiệm vì một bữa tối thịnh soạn thường tốn kém hơn, theo các chuyên gia.
7. Lưu ý trong hấp thu chất xơ
Chế độ ăn có hàm lượng chất xơ cao tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều chất xơ lại gây đầy hơi và làm ảnh hưởng khả năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày.
Điều này xảy ra khi dạ dày, đường ruột của bạn không quen với chế độ ăn có hàm lượng chất xơ cao hoặc bạn không cung cấp đủ nước để cơ thể hỗ trợ đường tiêu hóa.
Để tránh tình trạng đầy hơi, bạn nên uống nhiều nước một khoảng thời gian trước khi dùng bữa; bổ sung chất xơ vào thời gian đầu ngày khi dạ dày hoạt động mạnh nhất; không nên dồn hết thực phẩm chứa chất xơ vào trong một bữa ăn và đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn để giảm nhu động ruột.
8. Hạn chế thịt động vật
Thịt động vật làm cho hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian phân hủy hơn và gây đầy hơi. Ăn nhiều thịt làm tăng khả năng cơ thể tiếp xúc với mức cao kháng sinh không khỏe mạnh đi qua đường ruột.
Các bác sĩ khuyên không nên ăn quá 100 g protein động vật mỗi ngày.
9. Bỏ thuốc lá
Thuốc lá gây ra chứng đầy hơi. Khi kết thúc một hơi thuốc, bạn hít vào và nuốt nhiều không khí vào bụng. Các chất độc trong thuốc lá gây viêm nhiễm thành dạ dày và thành ruột, gây ra chứng đầy hơi và cảm giác khó chịu.
Hút thuốc lá cũng làm chết đi các lợi khuẩn trong đường tiêu hóa, làm tăng sự có mặt của các vi khuẩn gây đầy hơi.
Huệ Trần
(theo Live Science)