GN - Giữa tháng 7-2018, được tháp tùng đoàn thăm và hỗ trợ đồng bào một số tỉnh Tây Bắc của Giáo hội, do HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM dẫn đầu, sự kiện đã qua hơn một tuần, nhưng vẫn đọng lại trong người viết những ám ảnh.
HT.Thích Trí Quảng thăm và tặng quà cho anh Lò Chính Cồ, người bị mất cả vợ con trong trận lũ quét
Với người viết, đây không phải là đầu tiên đến với các tỉnh Tây Bắc. Chúng tôi từng có dịp đi khảo sát các di chỉ văn hóa Phật giáo các tỉnh Tây Bắc và Tây Tây Bắc nhiều năm trước đây, trong đoàn công tác của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội, cũng như tham dự các tọa đàm về tình hình tôn giáo tại vùng phên giậu của Tổ quốc.
Tây Bắc có thiên nhiên hùng vĩ, nhưng đồng thời cũng là nơi phải hứng chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt. Vụ lũ ống, lũ quét được cho là chưa từng có trong lịch sử, đoạt đi nhiều sinh mạng của người dân, làm tổn thất nhà cửa, tài sản mà rất khó khăn người dân mới tích cóp được. Đó là chưa kể tới hậu quả hư hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, mùa màng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng chục ngàn người.
Ám ảnh đối với nhiều người, có lẽ là cảnh tượng những ngôi nhà bị dòng nước dữ cuốn phăng, xác các em bé bị vùi trong bùn, được báo chí truyền đến khắp nơi. Cảnh tượng ấy lại hiện về khi người viết đứng ngay trên nền nhà của anh Lò Chính Cồ, ở thôn Tùng Lùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Gần hai tuần sau cơn lũ dữ, anh vẫn chưa phục hồi tinh thần, nét bàng hoàng vẫn chưa tan trong ánh mắt của người chồng, người cha dùng tay bới đất tìm vợ, tìm con.
Mặc dù cảnh hoang tàn sau đợt lũ đã được dọn đi, đường sá đã thông, nhưng nhìn những đường xé núi, cảnh sạt lở loang lổ, những tảng đá khổng lồ chông chênh bên bờ vực thẳm…, nỗi ám ảnh về mối đe dọa lên sự sống của người dân nơi đây vẫn đeo đẳng trong đầu.
Cũng tại các tỉnh Tây Bắc, vẫn có chỗ bình yên, dẫu cách những thôn, xã bị lũ dữ hoành hành không xa, bởi có được rừng cây xanh che chở. Những vùng bị nặng nhất, thảm khốc nhất thường là dưới chân những dãy núi trọc, do người dân đốt rừng làm nương làm rẫy trồng lúa, trồng ngô - nguồn lương thực chính duy trì sự sống.
Đến Tây Bắc, ngoài các thắng cảnh không nơi nào có được, chắc chắn sẽ làm rung động bao người thưởng ngoạn, nhưng người viết cũng được nghe giới thiệu một số địa phương được xếp vào hàng nhất nước về… sự nghèo khó.
Và chỉ mới đầu mùa mưa, nhưng chỉ ít ngày sau khi rời Tây Bắc, lại được tin một số tỉnh của vùng đất này lại oằn mình dưới cơn lũ mới.
Nỗi ám ảnh lớn, nếu hiện nay, ai vào mạng internet, gõ chữ “tỉnh Hà Giang”, bản liệt kê đầu tiên không phải là những thông tin về thiên tai vừa rồi, mà thay vào đó là vụ việc gian lận nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi quốc gia 2018.
Điều đáng nói là không chỉ Hà Giang, mà vụ việc được đặt ra một số tỉnh khác. Điều đó làm tổn thất về niềm tin, gieo sự nghi ngờ vào lòng số đông về những tối kỵ, đó là gian dối trong giáo dục, môi trường đào tạo con người.
Không chỉ là thiên tai hoành hành, mà nhân tai chồng lên, càng khiến cho nỗi ám ảnh về mục tiêu ổn định và phát triển của Tây Bắc, vùng đất phên giậu trọng yếu càng nặng trĩu. Trong ý nghĩa duyên sinh, trách nhiệm không chỉ thuộc chính quyền tỉnh Hà Giang, không chỉ là Tây Bắc, mà chính là cả đất nước.