GN - Mỗi dịp cuối năm, không khí ở nhà dưỡng lão lại rộn ràng hơn hẳn khi có sự xuất hiện của các nhà hảo tâm đến chúc Tết, thăm hỏi, tặng quà. Đây là niềm an ủi, động viên rất lớn dành cho 137 người cao niên có hoàn cảnh đặc biệt đang sinh sống tại mái chùa này. Những ngày Tết đến xuân về, họ vui và cảm nhận được sự ấm áp tình thân…
Những “mùa xuân cuối”
Ẩn sâu trong niềm vui được quan tâm, sẻ chia đó là những nốt trầm buồn mà các cụ chất chứa trong lòng mình, sự thương nhớ người thân, thiếu vắng không khí Tết ở một không gian của đời người là mái nhà. Bởi thế, các sư cô ở chùa Lâm Quang (Q.8, TP.HCM) trở thành người thân và mái ấm nhỏ ở đây chính là gia đình của các cụ. Hiểu và thương nhiều hoàn cảnh nên suốt 23 năm qua, nhà dưỡng lão của chùa đã cho các cụ không khí Tết ấm tình thân như ở gia đình. Ở đó, các cụ được đón Tết, được chở che và cùng nương tựa nhau sống trong những ngày nắng ấm.
137 cụ già, có người còn khỏe mạnh, người thì bệnh tật, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Có người neo đơn không chồng, không con, không gia đình, sống vất vưởng lề đường, nên khi vào đây sống, lòng ngập tràn hạnh phúc.
Ngày Tết các cụ ở đây được sum vầy với nhau, có bánh mứt Tết như ở nhà
Cụ Tuyết, 86 tuổi, quê tỉnh Bình Phước, được người quen giới thiệu đến mái ấm này chia sẻ rằng: “Tôi có mình ên thôi, người bệnh tật mà được sư phụ nhận cưu mang, lo từ chỗ ngủ, đến cái ăn, cái mặc, đó là cái hậu lớn nhất đời tui. Quà và tiền mạnh thường quân đến thăm, cho chúng tôi, sư phụ cho giữ, thèm ăn đồ mặn thì mua ăn. Chúng tôi ở mái ấm, dù không có thân bằng quyến thuộc nhưng được các sư cô chăm sóc, bạn cùng hoàn cảnh hỏi han, nói chuyện, động viên nhau. Ngày Tết là những ngày vui nhất ở đây, chúng tôi vui vầy bên nhau, hạnh phúc và ấm áp lắm”.
Nhưng cũng có những hoàn cảnh thương tâm, đến đây nương nhờ lúc cuối đời vì con hất hủi, xài xể, nước mắt tràn mi phải bỏ nhà ra đi. Bà Nguyễn Thị Gái, 63 tuổi, nhà ở Q.5 nghẹn ngào nói: “Tết đến chúng tôi cùng nhau đón giao thừa, mừng tuổi sư phụ, chúc nhau tuổi mới nhiều an vui và an ủi nhau ở tuổi xế chiều. Nghĩ đến những mảnh đời giống chúng tôi trước đây, bất hạnh, phải sống vất vưởng chạnh lòng lắm.
Nếu được cho một điều ước, tôi ước ai cũng được may mắn, có được nơi tá túc như chúng tôi. Có con cháu mà bị lãng quên, đó là nỗi buồn trong thâm tâm của mỗi người rồi. Vậy nên, Tết chúng tôi thường mong được nhiều người đến thăm, cho vơi bớt nỗi cô đơn và cảm giác được hạnh phúc của sự sum vầy là vậy”.
Tại mái ấm này, nơi nuôi dưỡng những “mùa xuân cuối” với những cụ già tuổi ngoài 80, trong đó có nhiều trường hợp họ đến đây sinh sống vì lý do thương tâm: “Cho con cháu bớt gánh nặng”. Đó là những hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cả đại gia đình phải sống chen chúc trong căn phòng thuê bé tí.
Cụ Nguyễn Thị Chín, 87 tuổi, cho biết: “Tui có hai đứa con, một đứa bỏ xứ ra đi, đứa còn lại rất khổ, không nhà cửa gì cả. Nó chạy xe thuê để nuôi vợ, con. Mười năm vào mái ấm ở, chưa ngày nào tui mong nó vào thăm tui, để thời gian đi làm nuôi vợ con, đến đây đường xa, tốn tiền xăng tội nghiệp”.
Những người ở cạnh giường với cụ Chín kể, nghe mà xót xa: “Ở đây mạnh thường quân cho bánh hay cái gì ngon, bà dùng tối giản lắm, phần còn lại gói ghém để dành, gửi về cho con cháu. Đêm nào bà cũng niệm Phật hồi hướng cho con bình an, sớm mua được căn nhà để có chỗ nương thân”. Nước mắt chảy xuôi là vậy, dù đau ốm bệnh tật nhưng nơi đây vẫn có rất nhiều cụ già một lòng hướng về các con, dù con có nghèo khó hay hất hủi mình thế nào đi chăng nữa.
Tết gần về, cụ Lê Thị Mít, 85 tuổi bộc bạch: “Chẳng có mơ ước gì lớn lao, ở đây, chỉ cần mỗi ngày chúng tôi được nhìn thấy mặt trời của ngày mới là đã mừng. Những ngày xuân về sợ nhất là có người ra đi, dẫu biết rằng đời là cõi tạm nhưng ngó qua giường, thấy vắng thì cũng chạnh lòng buồn lắm. Chúng tôi ở đây coi sư phụ (NS.TN Huệ Tuyến, trụ trì chùa) như cha mẹ tái sinh lần hai, thì những người bạn ở chung, coi như người thân của nhau vậy. Vì thế, những cái Tết ở chùa cũng là cái Tết ấm như ở gia đình”.
Tình thân ở mái ấm
Vì hiểu và thương các cụ nên Ni sư Huệ Tuyến, trụ trì chùa Lâm Quang luôn dành mọi điều tốt đẹp nhất, để mọi người ai cũng có niềm vui. Tết đến, ngoài bánh chưng, thực phẩm nấu sẵn các mạnh thường quân đem đến tặng, chùa nấu thêm bánh tét, làm thêm kẹo và mứt truyền thống để mang Tết ấm cúng, tươi vui nhất đến cho các cụ.
NS.Huệ Tuyến cho hay, 23 năm nay, kể từ ngày nhận các cụ về nuôi, năm nào chùa cũng tổ chức Tết truyền thống cho các cụ. Có những năm chùa còn khó khăn, cái Tết tuy không đủ đầy, sung túc nhưng các cụ luôn cảm nhận được sự ấm áp, cảm nhận được niềm hạnh phúc ăn Tết ở đây như hương vị của Tết nhà.
Năm 1995, khi tôi tiếp quản ngôi chùa này, đã có 4 cụ già, ban ngày đi bán nhang, đi nhặt nhạnh ve chai, ban đêm về xin tá túc. Tôi thấy các cụ có cảnh đời bất hạnh, mà tuổi của các cụ đáng tuổi ông bà, cha mẹ nên tôi đã đem các cụ vào chùa chăm sóc. Rồi từ ngày đó, số lượng người đến xin nương tựa tăng dần. Hiện tại, mái ấm có 137 cụ đang sinh sống, cứ một cụ mất đi thì hoàn cảnh khác được lấp vào”, Ni sư trụ trì cho biết.
NS.TN Huệ Tuyến được các cụ gọi thân thương là "Sư phụ"
Dẫn chúng tôi xuống thăm khu chăm sóc 34 cụ già không chủ động được vệ sinh, Ni sư Huệ Tuyến trải lòng: “Các cụ từ ăn uống, thuốc thang, đến tắm giặt, thay tã đều do các sư cô và Phật tử chăm sóc. Nuôi các cụ tuy cực nhưng có rất nhiều hạnh phúc, niềm an vui, hiện các cụ không khác gì những đứa trẻ”.
NS.TN Huệ Tuyến khẳng định, có lúc chùa cũng khó khăn nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc đóng cửa mái ấm. Những Phật tử ở gần chùa, gắn bó với mái ấm cũng kể cho chúng tôi nghe, Ni sư thương các cụ già bất hạnh, lúc nào cũng cố gắng xem có thể kê thêm cái giường nào, cho thêm người ở hay không. Phật tử Thiện Từ chia sẻ: “20 năm về trước, để có kinh phí chăm sóc tốt cho các cụ, Ni sư đã làm nhang, nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình Phật tử khi có ma chay, đám giỗ… Rồi Phật tử truyền tai nhau, sau này các mạnh thường quân chia sẻ nhiều hơn, nhiều nhà hảo tâm và người dân đã tự nguyện đến phụ giúp nhà chùa. Người góp chút dầu, chút gạo muối, người không có tiền thì góp công, góp sức chung tay phụ Ni sư”.
Trước tấm lòng của NS.Huệ Tuyến, khi hỏi bất kỳ cụ già nào đang tá túc nơi đây, họ cũng đều dành cho Ni sư tình cảm thân thương, sự biết ơn sâu sắc. Cụ Từ Dược Hùng, 67 tuổi, bảo rằng: “Thương sư phụ lắm. Tôi ăn không được, hay lúc trở trời người bị mệt, sư phụ hỏi thăm, kêu uống sữa đúng cữ để có sức đề kháng mà lướt bệnh. Già rồi, nhà cửa không, gia đình coi như không có, chỉ có sư phụ là nơi mình nương tựa. Không riêng gì tui mà những người ở đây, ai cũng xem sư phụ như mẹ mình vậy, rất thương quý người đã tái sanh mình ở cuối đời”.
Không khí Tết đang lan tỏa tại mái ấm, nhưng chúng tôi ám ảnh mãi lời cụ Nguyễn Thị Gái dặn dò: “Có nhiều hoàn cảnh con rất khá nhưng lại muốn gửi mẹ vào mái ấm và sư phụ từ chối tất cả. Tôi muốn chia sẻ vầy, khi có điều kiện và đủ sức để lo cho mẹ, xin hãy yêu thương, trân quý. Hạnh phúc với người lớn tuổi như tụi tui không có gì xa hoa, chỉ cần gia đình yêu thương nhau, nghĩ về nhau và cùng người mình thương sum vầy với nhau thì ngày nào cũng là Tết”.