An cư mạng mạch Phật pháp

GN - Một trong những đặc trưng làm nên đạo Phật là Duyên khởi tính. Pháp An cư kiết hạ ra đời là nhằm hướng đến tự thân mỗi hành giả xuất gia có điều kiện, môi trường tu tập lý tưởng nhất để thành tựu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Giới Phật tử tại gia nương theo đoàn thể Tăng-già thực thi đời sống hướng nội, hạt giống thiện lành đâm chồi nảy lộc, đi đến giác ngộ. Và như thế, tứ chúng đồng tu trong mùa An cư kiết hạ là mạng mạch, cơ sở, nền tảng vững chắc làm cho Phật pháp hưng long, Tăng-già thanh tịnh, tín đồ an lạc.

an cu.jpg

Hành giả an cư

Như đã nói, chính vì Duyên khởi tính mà sau khi Phật thành đạo, trong 12 năm đầu đoàn thể Tăng-già chỉ hành trì giới luật căn bản được thâu tóm qua nội dung như Tứ phần luật ghi: “Khéo phòng hộ lời nói/ Tâm tịnh ý lắng trong/ Thân không làm điều ác/ Ba nghiệp đạo thanh tịnh/ Thực hành đúng như thế/ Là đạo đấng Đại tiên”. Tuy nhiên, sau đó do số lượng đoàn thể Tăng-già phát triển nhanh, phát sinh ra những vấn đề hệ lụy.

Theo Tứ phần luật 37 (An cư kiền độ) thì đã có sự than phiền của quần chúng về việc nhóm Tỷ-kheo 6 người luôn du hành khắp nơi, bất luận là mùa nào, giẫm chết côn trùng. Ngay cả những loài vật còn trú ẩn vào mùa mưa, huống hồ là dòng họ Thích, sao không có đời sống ẩn tu 3 tháng. Do nhân duyên như vậy, Phật chế pháp An cư kiết hạ cho Tăng đoàn và duy trì cho đến ngày nay.

Điểm đáng nói, pháp An cư mà Phật thiết lập không phải vì có hiện tượng quần chúng phản ánh đối với một số Tỷ-kheo đi lại làm thương tổn đối với một số côn trùng mà chính là mục đích hướng thượng, quyết định tối hậu trong việc giải thoát tự thân, duy trì mạng mạch Phật pháp trường tồn.

Theo Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma (q.4), giải thích nghĩa lý an cư như sau: “Thân và tâm tĩnh lặng gọi là an. Quy định thời gian ở một chỗ gọi là cư”. Hay nói cách khác, khái niệm an cư cần được hiểu “an” là an tịnh nội tâm, “cư” là kỳ hạn cư trú tu tập, chuyển hóa tâm thức trong suốt thời gian nhất định nào đó. Vì vậy, mùa An cư kiết hạ của chư Tăng Ni thực chất chính là thời kỳ thuận lợi nhất trong việc thực thi đời sống hướng thượng, quyết định sự chuyển hóa tâm thức, là cơ sở thành tựu phạm hạnh, khai sáng trí tuệ cho mỗi hành giả.

Hơn nữa, bản chất của Tăng-già là hòa hợp, thanh tịnh. Do đó, từ thời Đức Phật cho đến nay, cứ đến mùa sen nở, các đạo tràng an cư kiết hạ chính là nơi chư Tăng Ni và Phật tử vân tập tu tập trong 3 tháng, không phân biệt xuất xứ, nguồn gốc; bình đẳng về tính giải thoát, giải thoát tri kiến. Là nhân duyên thiện lành, để mọi người có điều kiện chung sống với nhau, nuôi dưỡng đạo tâm, thực hành Tam vô lậu học trong tinh thần Lục hòa.

Đó là một hội chúng sống chung với tinh thần thân hòa đồng trú, hòa thuận, thương yêu, cùng nhau học pháp, hành pháp thăng tiến đạo hạnh, đoàn kết không chia rẽ. Hai là, hội chúng đó cùng nhau tu tập với tinh thần khẩu hòa vô tranh, giữ gìn lời nói ôn hòa, nói lời ái ngữ. Luận bàn Phật pháp trong sự tương kính, chia sẻ và bao dung, đối với các vấn đề siêu hình và không cần thiết thì im lặng như Chánh pháp. Ba là hội chúng đó luôn khởi tâm với ý nghĩ thiện lành, vui vẻ trong sáng, thanh tịnh, không cố ý tạo bất hòa, đố kỵ, ganh ghét; với một thái độ tôn trọng nhau và hòa giải trong tinh thần ý hòa đồng duyệt. Bốn là hội chúng đó thực thi nếp sống giới hòa đồng tu trong một tập thể lấy giới luật làm chuẩn, tự giác giữ mình trong kỷ luật và quy tắc, không xét việc người, tự soi mình, kính trên hòa dưới, tạo ra sự an bình trong môi trường tu tập đạo hạnh trang nghiêm và quy củ thiền môn. Năm là, hội chúng đó an trú trong tập thể, luôn sách tấn, cùng nhau học hỏi trong sự bình đẳng tu tập tâm, không phân cao thấp, hay khen chê, chỉ trích, dìu dắt cùng tu, cùng lợi lạc trong tinh thần kiến hòa đồng giải. Cuối cùng là tập thể đó chung sống với nhau theo tinh thần lợi hòa đồng quân, nghĩa là cùng nhau thực thi nếp sống tam thường bất túc, mọi sự cúng dường đều được phân chia bình đẳng theo luật định.

Trong kinh Maha Sakuludayi (Kinh Trung bộ II), kể rằng các vị cao tăng, có danh tiếng tập trung về Veluvana để an cư, có nhiều cư sĩ đến nghe pháp với Thế Tôn và đã nói: “Sa-môn Gotama này là bậc lãnh đạo hội chúng, đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư thanh danh, được quần chúng tôn trọng cúng dường. Và các đệ tử cung kính, tôn trọng, sống nương tựa Sa-môn Gotama. Thế Tôn đã yêu cầu Udayi trả lời bằng câu hỏi: Này Udayi, có bao nhiêu pháp ngươi thấy nơi Ta? Bạch Thế Tôn, con có thấy năm pháp nơi Thế Tôn. Do năm pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn và sau khi cung kính, tôn trọng sống nương tựa vào Thế Tôn. Thế nào là năm? Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ăn ít và tán thán hạnh ăn ít; Thế Tôn biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ bất cứ loại y nào; Thế Tôn biết đủ với bất cứ món ăn nào và tán thán hạnh biết đủ bất cứ món ăn được dâng cúng nào; Thế Tôn biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào; Thế Tôn sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn ly và thành tựu giới bổn”.

Rõ ràng đây là nguyên tắc, là nếp sống thanh tịnh, thực thi pháp an cư thành tựu, mẫu mực của đời Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, tịch tịch của Tỷ-kheo thọ pháp và hành pháp thiết thực. Cụ thể, trong thời gian thọ an cư, vị ấy hành trì đầy đủ các học giới đã lãnh thọ, nghiêm trì các quy tắc chuẩn mực đời sống Tăng-già mà luật đã định. Thậm chí, ngay cả những học giới nhỏ nhặt cũng được nghiêm trì. Nhờ vậy, các hành giả được sự hộ trì các căn, giữ tâm thanh tịnh, không cho sáu căn chạy theo sáu trần.

Chính Đức Phật từng dạy cho Magandiya (Kinh Trung bộ II): “Con mắt ưa thích sắc, ái lạc sắc, hoan hỷ sắc và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì con mắt và thuyết pháp để phòng hộ con mắt; Tai ưa thích tiếng; Mũi thích mùi hương; Lưỡi ưa thích vị; Thân ưa thích xúc…; Ý ưa thích pháp, ái lạc pháp, hoan hỷ pháp và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì ý và thuyết pháp để phòng hộ ý”. Chính sự phòng hộ các căn, giúp hành giả đoạn trừ các dục, vị ngọt của dục, sự nguy hiểm các dục, sự xuất ly các dục và trên hết là an trú trong nội tâm thanh tịnh.

Cũng theo bản kinh trên, trong thời gian tập trung an cư, các hành giả có một môi trường tu tập lý tưởng nhất, hàng ngày thực tập và hành trì con đường tu tập Tứ niệm xứ: “Ở đây, các Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các cảm thọ… như trên… quán tâm trên các tâm; quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời. Và ở đây các đệ tử của Ta, phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu kính viên mãn”.

Có thể nói, an cư kiết hạ có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với bất cứ hành giả nào mà nó còn thiết lập nền tảng cho cả tập thể Tăng-già, làm cho Chánh pháp được trường tồn, chúng sanh an nhờ đó mà được an lạc.

Thực tế cho thấy, ngày nay các đạo tràng an cư kiết hạ được thiết lập và sinh hoạt vô cùng phong phú với một chương trình tu học không chỉ dành cho giới xuất gia mà cả giới tại gia theo sự chỉ đạo thống nhất từ Giáo hội Trung ương cho đến địa phương. Và như thế, đây là thời gian thuận lợi nhất để tứ chúng cùng nhau học pháp và hành pháp trong tinh thần an tịnh và hướng tâm đến mục đích giải thoát.

Có thể nói, đây cũng là nhân duyên thiện lành, thời điểm mà mỗi hành giả xây dựng lòng tin bất động đối với ba ngôi Tam bảo, đối với người con Phật. Trong đó, sự tin tưởng vào Tăng-già như là chủ thể nòng cốt trong thời mạt pháp. Đây là cơ sở thành tựu tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn trong cuộc hành trình giải thoát tự thân của mỗi người con Phật.

Sự nhiệt tâm, tinh cần thực hành nếp sống thiền môn, tụng kinh bái sám, hành thiền, niệm Phật, nghe pháp theo một chương trình hoạch định cụ thể của chư Tăng là những bài pháp sinh động làm thẩm thấu tâm thức người đang tu học. Tăng Ni và Phật tử theo đó mà trải nghiệm quá trình tu tập những lời Phật dạy, đi đến sự thành tựu văn tuệ (nhờ nghe pháp mà thành tựu trí tuệ), tư tuệ (suy tư về pháp mà thành tựu trí tuệ) và tu tuệ (nhờ hành trì pháp mà thành tựu trí tuệ).

Ngoài ra, Phật tử khi được an trú trong môi trường tu tập như thế sẽ phát tâm cúng dường ba ngôi Tam bảo, trở thành những người hộ trì Chánh pháp đắc lực, ứng dụng giáo lý nhà Phật vào trong đời sống thực tiễn. Bước đầu đi ra khỏi vùng tâm lý tham lam, sân hận, si mê, thay vào đó là sự phát tâm bố thí, sẻ chia khó khăn với cộng đồng qua việc thực hành bố thí, từ thiện nuôi dưỡng lòng từ, sinh khởi trí tuệ. Tất cả sự nhiệt tâm, tinh cần tu học, thọ pháp, hành pháp tích cực đã làm cho cuộc hành trình tâm linh hướng tâm tự độ và độ tha trong ba tháng an cư trở nên sống động và giá trị thiết thực hiện tại trong đời sống hiện đại, đầy biến động.

Cho nên, kinh Tăng chi nhấn mạnh: “Nơi nào có hội chúng tu học trang nghiêm thanh tịnh, nơi đó dân chúng được hạnh phúc, nhờ vậy mà quốc gia được hưng thịnh”. Và như thế, pháp An cư thực chất trở thành mạng mạch Phật pháp từ xưa đến nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày