Đủ duyên thì thọ dụng, thiếu duyên thì hoan hỷ xả buông vì tài sản rất dễ bị phá tán do lửa cháy, nước trôi, giặc cướp, bị sung công, con cái quậy phá. Thay vào đó, Đức Phật dạy chúng ta cần tích lũy những loại tài sản khác, không bị những tác nhân bên ngoài làm hư hao, có thể làm vốn liếng cho đời này và đời sau.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:
Ai nên giữ tư lương?
Vật gì giặc không cướp?
Kẻ nào cướp thì ngăn,
Người nào cướp không ngăn?
Người nào thường đi đến
Người trí tuệ hỷ lạc?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Người tín giữ tư lương
Phước đức giặc không cướp
Giặc cướp đoạt thì ngăn
Sa-môn đạt hoan hỷ
Sa-môn thường đi đến
Người trí tuệ mừng vui.
Bấy giờ thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn
Mau đạt Bát-niết-bàn
Qua rồi mọi sợ hãi
Vượt hẳn đời ái ân.
Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 48, kinh số 1292)
Xây dựng niềm tin kiên cố vào Tam bảo là ngọn đuốc soi đường, là tài sản quý giá nhất. Đức tin trong sạch, tịnh tín Phật-Pháp-Tăng sẽ đưa chúng ta đi vào nẻo thiện. Đây là vốn liếng, là hành trang, là tư lương cần thiết để mang theo làm nền tảng cho mọi sự ổn định ở hiện tại và tương lai.
Phước đức và trí tuệ là hai mục tiêu quan trọng của người tu Phật. Phước đức làm nền tảng cho mọi sự thành tựu hữu vi ở tương lai. Sức khỏe, thọ mạng, sự nghiệp, danh tiếng v.v… có được trong hiện đời và cả đời sau đều nhờ vào phước đức. Muốn có trí tuệ thì phải học đạo bằng cách thân cận các vị Sa-môn, vấn đạo với những bậc hiền trí. Những vị này đã kinh qua sự nghiệp tu hành và năng lực quán chiếu thâm sâu, có thể giúp chúng ta khai mở nhận thức và khơi nguồn tuệ giác để nhận ra sự thật mà nhẹ nhàng buông bỏ.
Kế đến là cần vun bồi phước đức. Khi mọi thứ đều khó nắm giữ thì hãy sống hỷ xả để tạo phước. Trong cuộc sống đầy rẫy những biến động, mọi thứ tài sản đều có nguy cơ vuột khỏi tầm tay do nhiều loại giặc cướp thì phước đức không ai có thể cướp phá được. Thế nên thay vì cố nắm giữ tài vật, người có tâm và có trí hãy tùy duyên thí xả, mang niềm vui đến cho người. Cho đi một phần những gì mình có với tâm nguyện sẻ chia liền thành tựu phước đức. Phước đức này là của riêng mình, luôn đi theo để hỗ trợ cho bản thân và gia đình, không ai có thể cướp phá được.
Phước đức và trí tuệ là hai mục tiêu quan trọng của người tu Phật. Phước đức làm nền tảng cho mọi sự thành tựu hữu vi ở tương lai. Sức khỏe, thọ mạng, sự nghiệp, danh tiếng v.v… có được trong hiện đời và cả đời sau đều nhờ vào phước đức. Muốn có trí tuệ thì phải học đạo bằng cách thân cận các vị Sa-môn, vấn đạo với những bậc hiền trí. Những vị này đã kinh qua sự nghiệp tu hành và năng lực quán chiếu thâm sâu, có thể giúp chúng ta khai mở nhận thức và khơi nguồn tuệ giác để nhận ra sự thật mà nhẹ nhàng buông bỏ.
Ngày nay, con người có thể tìm hiểu, nghiên cứu tinh hoa trí tuệ của Thánh hiền bằng nhiều cách thức khác nhau. Dù vậy, thân cận các bậc hiền trí để tiếp thêm năng lượng bình an và khả năng quán chiếu là điều vô cùng cần thiết. Nhất là khi cần trao đổi về các vấn đề đang vướng mắc, giải đáp những uẩn khúc trong việc tìm hiểu giáo pháp thì nên gặp các bậc Sa-môn. Vì thế, hữu duyên gặp được các bậc tu hành có giới định tuệ là may mắn, cần phát tâm hộ trì và hoan hỷ với thiện duyên này.