Ấn Độ thoáng qua

GN - Tôi chưa hề “mơ” có ngày nào đó sẽ có dịp đến đất nước của kinh VedaRigveda, của trường ca MahabharataRamayana, của Tulsidas và Tagore. Và, nhất là của Gautama Buddha, bậc đạo sư vĩ đại của nhân loại… Nhưng làm sao ghi chép được chút gì gọi - là “có ý nghĩa”, chỉ với 17 ngày vội vàng trên một xứ sở thăm thẳm những chiều sâu huyền nhiệm (!?).

Những tiếng hát

Đêm đầu tiên trên đất Ấn, chứng kiến một nhóm thanh niên đốt lửa múa hát. Bằng tất cả tâm hồn... Và ở bất cứ nơi đâu trên hành trình đi qua, cũng nghe tiếng hát. Và chỉ có nhạc Ấn, không có giai điệu âm nhạc nước ngoài. Âm nhạc cổ điển Ấn Độ có hai hình thức chính là Carnatic (Nam Ấn) và Hindustani (Bắc Ấn).

Mỗi địa phương đều có truyền thống khác nhau về âm nhạc dân gian. Những điệu nhảy múa cổ điển Kathak, Bharatanatyam và Manipuri thường ở hình thức tường thuật xen lẫn với những yếu tố ca ngợi tôn giáo - tinh thần. 

Ảnh 2-phế tích Đại hoc Nalanda.JPG

Tác giả bên Phật tích ở Ấn Độ

Chợt nhớ đến nhà vật lý F. Capra một buổi chiều nhìn những con sóng giạt vào bờ, cảm nhận được sự rung động của những nguyên tử như một phần của năng lượng vũ trụ và “biết rằng, đó là vũ điệu  của thần Shiva trong Ấn Độ giáo”. Để thêm một lần hiểu rằng, khoa học và tôn giáo không giống nhau nhưng cũng không hoàn toàn khác nhau. Rồi lại lan man: hơn 2.000 năm trước, khi đến một xứ sở nào, để hiểu thực trạng xã hội nơi ấy, Tuân Tử đều muốn nghe nhạc. Và triết gia đã từng phán: Đời suy thì lễ phiền mà âm nhạc dâm.

Trong những ngày đi qua trên đất Ấn, đâu đâu cũng thấy khoảng cách thật lớn giữa xa hoa - đói nghèo; và biết rằng, còn lâu lắm, sự cách biệt ấy mới có thể dần nhích lại. Nhưng dường như chính những con người cơ cực kia, trong các khu ổ chuột tồi tàn, lại không quan tâm lắm về chính bản thân; và, họ vẫn sống bình thường từ một truyền thống văn hóa lâu đời. Và, từ những tiếng hát.

Gặp gỡ hạnh phúc

Bên cạnh Tứ động tâm là mục tiêu của cuộc hành hương Ấn Độ, đoàn chúng tôi lại có thêm một may mắn lớn trong đời: được gặp Đức Dalai Lama thứ 14.

Sau buổi giảng trong pháp hội quy tụ cả vạn người, đoàn Việt Nam được gặp riêng Người. Lòng chúng tôi rưng rưng khi Người bày tỏ: Hoàn cảnh Việt Nam và Tây Tạng có những điểm giống nhau... Với riêng tôi, thì được vài người trong đoàn bảo: Anh có phước lớn lắm, nên Ngài mới đến cầm tay. Quả tình, tôi cũng cảm nhận, đấy là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời mình…

Và thêm một ân phước khác: sau hai ngày dự pháp hội do Đức Dalai Lama thuyết giảng, đoàn chúng tôi được gặp Ngài Karmapa thứ 17 (Ugyen Trinley Dorjee), vị tu sĩ trọng yếu duy nhất tái sanh được sự xác nhận của Đức Dalai Lama. Hơn mười năm sau khi rời Tây Tạng, Ngài Karmapa sống tại tu viện Gyuto Tantric ở Sidhbari, gần Dharamsala, nơi tu - học của các Lạt-ma Tây Tạng. Ngài Karmapa bày tỏ, rằng những xúc cảm căn bản của mọi người đều giống nhau và, tín tâm là một thái độ tích cực, tạo cơ hội để tâm được an trụ trong trạng thái tự nhiên của pháp tánh (dharmata). Như thế, cõi Tịnh độ không phải là nơi chốn nào huyền bí - xa xôi mà chính là trạng thái tâm thức khi thoát khỏi sự mê lầm: sự rời bỏ những tập quán, những định thức…

Cuối buổi gặp, Ngài Karmapa choàng dải lụa trắng nhỏ qua vai mỗi người chúng tôi và tặng bao thư chứa những viên thuốc nhỏ cùng tấm card ghi câu mật chú do chính tay mình viết.

Trong gió sớm sông Hằng

Sau hai cuộc gặp gỡ hạnh phúc ấy, chúng tôi về Varanasi để ngắm bình minh trên sông Hằng.

Varanasi có nhiều tên gọi, quen thuộc nhất là Benares, ngày nay thuộc bang Uttar Pradesh, dân số khoảng 800.000 người. Thành phố hiện còn hơn 2.000 đền tháp; hàng năm có khoảng 400 lễ hội; là nơi đã sản sinh ra nhiều triết gia, nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc lỗi lạc; là nơi có Đại học Banaras Hindu lâu đời.

Năm giờ sáng, chúng tôi ra sông Hằng. Con sông được xem là hóa thân của nữ thần Ganga (vợ của thần Shiva) bắt nguồn từ chân núi Hymalaya, dài khoảng 2.580km, ngày xưa chảy xiết. Thần Shiva đã đến chân núi, xõa tóc xuống mặt đất, khiến dòng thác lũ hóa ra bảy con nước chảy chậm, đem đến sự bình an cho người dân.

Nơi đây, những lò hỏa táng người chết cháy suốt ngày đêm. Người không đủ tiền để thực hiện nghi lễ này, thì được thả thẳng xuống sông. Đối với tín đồ đạo Hindu, ở đời có bốn niềm vui lớn: kính thờ thần Shiva; đến sông Hằng tắm và uống nước thánh của dòng sông; kết bạn với thánh nhân; cư trú ở thánh địa Varanasi. Quả thật, có rất nhiều người tắm, trên 64 bến tắm được xây thành bậc cấp, kéo dài khoảng hai cây số dọc theo bờ sông.

Bình minh lên. Rực rỡ mà êm đềm. Rộng rãi mà sâu xa. Cùng với tiếng nhạc lễ tiễn đưa người qua đời lan rộng trên mặt sông, chúng tôi tụng kinh vãng sanh cho những con người xa lạ vừa ra đi ấy, vì hiểu rằng, đấy là sự chấm dứt một giai đoạn trong dòng sống miên viễn.

Ảnh 1-Với Đức DLLM14.JPG

Đoàn Việt Nam chụp hình với Đức Dalai Lama

Quanh cội cây thiêng

Buổi sáng khi xe vừa lăn bánh rời Varanasi, tự dưng cổ họng thắt lại: tôi đang đến nơi mà hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên, cũng là khải thị cho nhân loại về nguyên nhân và con đường thoát khỏi sự đau khổ.

Ở Vườn Nai, trụ đá vua A Dục cho dựng vào khoảng thế kỷ thứ III (tr.TL) chỉ còn một nửa: Không có gì mãi mãi, như lời dạy cuối của Thế Tôn. Nơi đây, lòng lại thấy rung động. Đấy là sự mù lòa của tâm thức: vẫn biết không có gì bền vững, mà lòng riêng vẫn cứ muốn bám víu những gì mình yêu thương! Đó là cái Tôi tham chấp, kể cả sự tham chấp thanh cao. (Mà, làm gì có thanh cao hay bần tiện?). Bát Nhã tâm kinh đã chẳng phủ định đến mức vô trí diệc vô đắc đó sao, mà bao nhiêu tụng niệm hàng ngày lại cứ lướt qua?

Trước chuyến hành hương, tôi có hứa sẽ tìm vài chiếc lá bồ đề; và trong buổi sáng dưới cội cây thiêng này ở Bodhgaya tôi đã có được ba chiếc lá để tặng ba người bạn thân. Suốt buổi chiều, tôi đi thẩn thơ, có ý ngóng trông chiếc lá của mình. Rồi, khi chiều xuống, có một nhánh lá rơi trước mặt. Tôi cầm lên, rồi đặt xuống, biết đó không phải. Và, lúc bóng tối đã hoàn toàn chìm ngập, tôi buồn bã rời cội cây. Phải đến bốn ngày sau, dưới cội bồ-đề của Ngài Anan, trong Kỳ Viên tinh xá, sau khi ngồi yên tĩnh một mình rồi khép mắt tập trung trì tụng, lúc nhìn ra, trên nền gạch đất, duy nhất rung rung một chiếc xanh hơi phớt vàng: chiếc lá của tôi…

Cũng trong cái nóng nung người tại Bodhgaya, mới hiểu vì sao sau khi chứng ngộ, Đức Phật đã dành bảy ngày hướng về cội bồ-đề. Cây, như thế, không hề là vật vô tri, mà là một sinh mệnh sống động mà thi hào Tagore từng ca ngợi: Trong sân chầu vũ trụ / chiếc lá cỏ bình thường / cũng ngồi chung một thảm / với ánh mặt trời và sao sáng trong đêm. Điều ngỡ như bình thường hoặc nhuốm màu sắc thơ ca ấy, thực ra, có nguồn gốc từ quan niệm sâu thẳm của Ấn Độ giáo, cũng như mọi nền minh triết phương Đông: thế giới này là sự phô bày của một thực thể khác mà tự tánh của nó là MỘT, cao hơn mọi dạng thức của những hiện tượng. Đó là Brahman của đạo Hindu, là đạo của Lão Tử, là Pháp thân của Phật Thích-ca Mâu-ni…

*

Những cảm xúc ấy dần dần cứ như một trái cây chín mõm, trở thành điều tưởng như sờ thấy được. Thực như tiếng gió trên sông Hằng lẫn trong mùi khói lò hỏa táng buổi sớm, trong tiếng nhạc kinh tiễn đưa người về cõi khác trên lưng bò thần Nadin. Như ánh mờ mờ trên những vùng đất mênh mông đã đi qua, cái mờ ảo thẳm sâu như một phần tâm thức người dân Ấn.

Tự dưng, câu nói của nhà bác học lớn A. Einstein trở về trong trí, không khác chân lý mà các thánh nhân đã hiển bày từ bao ngàn năm trước: Nhân loại có thể đạt được cuộc sống hài hòa và quý giá khi thoát khỏi những giới hạn của những ham muốn về vật chất…

Và tự dưng lại nhớ lại. Buổi chiều trên Linh Thứu sơn. Không ngắn hơn chẳng dài hơn. Một con đường đất thẫm. Lan chìm gió đêm.

Dưới kia, trong ánh ngày sắp tắt, Cuộc đời bỗng dưng Nhỏ lại - Rộng ra.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày