Ăn gì để chống suy giảm thị lực?

GNO - Bệnh đục nhân mắt (cataracts) và chứng thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) là các vấn đề nhãn khoa phổ biến nhất ở người trưởng thành, dẫn đến suy giảm thị lực hoặc mù.

Hai loại bệnh này xảy ra ở người từ 55 tuổi trở lên và AMD là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù ở người trong nhóm tuổi này. Trên thế giới, có đến 25 triệu người bị tác động bởi AMD.

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp ngăn ngừa béo phì, tiểu đường tuýp 2, ung thư. Ngoài ra, chế độ ăn cũng mang lại lợi ích cho nhãn lực, giúp duy trì khả năng nhìn thấy của mắt suốt đời. Một số nghiên cứu cho thấy nếu bổ sung cho cơ thể các dưỡng chất nhất định, sẽ cải thiện được sự suy giảm thị lực và các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác.

a sk 1.jpg


Đôi mắt rất quan trọng, nên bạn cần chăm sóc chu đáo, cẩn thận - Ảnh minh họa

Dưới đây, là các dưỡng chất có tác dụng tốt cho sức khỏe của mắt - theo khuyến nghị của các chuyên gia:

1 - Các chất chống oxy hóa

Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa được xem là một trong những cách hiệu quả nhất giúp vượt qua sự lão hóa do các gốc tự do vốn tồn tại khắp mọi nơi, từ thực phẩm đến không khí. Các gốc tự do còn bắt nguồn từ sự sản sinh của cơ thể khi chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, trong da và trong mắt khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Các chất chống oxy hóa như vitamin C, E, beta carotene, selenium và sắt giúp loại trừ các gốc tự do. Vitamin C có trong hầu hết các loại trái cây, rau củ; trong khi các loại đậu hạt, khoai lang, bơ đậu phộng và ngũ cốc lại rất giàu vitamin E, giúp giảm sự hình thành bệnh đục nhân mắt và AMD.

Các loại trái cây và rau củ có màu vàng, đỏ hay cam, như cà-rốt, đu đủ, xoài chứa nhiều beta carotene hoặc có thể bổ sung chất này từ trứng và sữa. Cơ thể sẽ chuyển hóa beta carotene thành vitamin A, giúp mắt điều tiết ánh sáng, giữ cho mắt được ẩm ướt và ngăn ngừa hai bệnh về mắt kể trên.

Các loại rau củ quả có màu xanh sậm hoặc sậm màu chứa nhiều các chất chống oxy hóa tự nhiên. Ngoài ra, sô-cô-la đen và dâu tằm cũng có tác dụng bảo vệ các mao mạch trong mắt và các mạch máu khác trong cơ thể. 

2 - Ngũ cốc nguyên hạt

Các thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao không chỉ giúp cơ thể no lâu mà còn giúp giảm nguy cơ AMD khi lớn tuổi. Đường tinh luyện và tinh bột trong các thực phẩm sản xuất công nghiệp làm tăng nguy cơ phát triển AMD, theo một nghiên cứu về chỉ số đường trong chế độ ăn (dGI) tiến hành trên 4.000 bệnh nhân kéo dài trong 6 năm.

Ngoài việc làm tăng nguy cơ suy giảm thị lực, carbohydrate được hấp thu vào cơ thể nhanh nên gây ra tình trạng ăn nhiều (mới cảm thấy no). Chế độ ăn có hàm lượng chất xơ cao làm chậm sự hấp thu tinh bột và đường, làm tiêu hóa diễn ra từ từ để hấp thu dưỡng chất từ thức ăn tốt hơn.

Ngũ cốc nguyên hạt và bột ngũ cốc có chỉ số dGI thấp hơn tinh bột và đường. Người cao tuổi nên giảm tiêu thụ carbohydrate và chuyển sang chế độ ăn nhiều chất xơ.

3 - Axit béo omega-3

Các axit béo omega-3 trong các phân tử chất béo cần thiết cho mắt, trong số đó có docosahexaenoic acid (DHA) và eicosapentaenoic acid (EPA). Hai loại ait béo này là phương tiện giúp bảo vệ mắt khỏi AMD, nhất là ở người có nguy cơ cao với chứng bệnh này.

Mức omega-3 thấp có thể gây ra chứng khô mắt, AMD, võng mạc đái tháo đường (diabetic retinopathy). Các axit này cũng quan trọng trong việc phát triển thị lực và chức năng của mắt ở trẻ sơ sinh.

Omega-3 có mặt trong các loại đậu hạt, các loại hạt, dầu thực vật, rau cải có lá xanh và các nguồn vitamin bổ sung.

4 - Lutein và zeaxanthin

Các carotenoid này là những chất chống oxy hóa tự nhiên có trong mắt và bổ sung các chất này từ thực phẩm sẽ giúp giảm sự oxy hóa của tế bào mắt, ngăn ngừa thoái hóa võng mạc và tròng mắt, giúp giảm sự phát triển bệnh đục nhân mắt và AMD.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm vitamin B12, axit folic và vitamin B6 từ ăn uống hàng ngày để giúp mắt khỏe mạnh hơn.

Huệ Trần
(theo Medical Daily)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày