Chư tôn đức chứng minh |
Quang lâm chứng minh, tham dự đại hội có Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; chư tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh: Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Dũng, Trưởng lão Hòa thượng Chau Sưng; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, Trưởng ban Tổ chức đại hội; Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội; Hòa thượng Thích Huệ Trí, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Kiểm soát Trung ương; cùng chư vị giáo phẩm chứng minh, thành viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang và chư Tăng Ni các thành phố, huyện, thị đồng tham dự.
Đại biểu chính quyền tham dự đại hội |
Về phía khách mời có ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang; ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Khánh Hội, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Nguyễn Phú, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh; bà Đặng Thị Thanh Thùy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.Long Xuyên cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh An Giang, TP.Long Xuyên và phường sở tại.
Hòa thượng Thích Thiện Thống phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Thống nói về ý nghĩa của đại hội, trong đó có việc suy cử nhân sự Ban Trị sự khóa mới. “Chúng tôi tin tưởng đại hội sẽ suy cử Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027 với nhân sự có năng lực làm việc, ngang tầm nhiệm vụ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội và phương hướng nhiệm vụ theo lời Đức Phật dạy: 'Thấy đúng, nghĩ đúng, nói đúng và làm đúng'; triển khai các hoạt động Phật sự theo định hướng ‘Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển’”, Hòa thượng Trưởng ban Tổ chức đại hội nhấn mạnh.
Tại đại hội, Thượng tọa Thích Viên Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết toàn diện thành tựu hoạt động Phật sự trong 5 năm qua.
Thượng tọa Thích Viên Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký trình bày báo cáo |
Theo đó, Phật giáo tỉnh An Giang luôn đặt lợi ích Tổ quốc và Giáo hội lên trên hết, nêu cao truyền thống đoàn kết hoà hợp nội bộ, đoàn kết đạo đời, đoàn kết tôn giáo.
Hiện nay toàn tỉnh có 322 cơ sở tự viện, 1.311 Tăng Ni (Tăng Ni Bắc tông có 610 vị, chư tăng Nam tông Khmer có 538 vị, Tăng Ni Khất sĩ có 163 vị).
Để tạo điều kiện cho Tăng Ni có đầy đủ giới phẩm tu học, trong nhiệm kỳ qua tỉnh đã tổ chức thành công 2 đại giới đàn: Đại giới đàn Thiện Trinh (2018) và Đại giới đàn Thiện Minh (2020) với hơn 200 giới tử.
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang trong nhiệm kỳ VI đã bổ nhiệm cho 66 Tăng Ni, Sư sãi trụ trì các tự viện; Duyệt cấp Chứng điệp An cư kiết hạ cho 55 Tăng Ni mới an cư lần đầu.
Quang cảnh đại hội |
Trong công tác giáo dục, Trường Trung cấp Phật học đã đào tạo được 3 khóa với 119 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, đang đào tạo khóa IV với 38 Tăng Ni sinh theo học. Các điểm học của Phân hiệu Phật giáo Nam tông Khmer cũng ổn định và phát triển với khoảng 200 sư sãi theo học. Ban Trị sự đã giới thiệu cho 23 Tăng Ni sinh thi trúng tuyển vào Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Các tự viện trong tỉnh thường xuyên tổ chức thuyết giảng Phật pháp và đạo tràng Bát quan trai. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh nhà hiện có 42 đạo tràng tu học, mỗi đạo tràng có từ 300 - 500 Phật tử tham dự.
Trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo tỉnh An Giang đã tích cực trong công tác an sinh xã hội, đóng góp hơn 147 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện.
Hòa thượng Thích Thiện Pháp tặng hoa chúc mừng đại hội |
Phật giáo Nam tông Khmer luôn được Giáo hội các cấp quan tâm. Hệ phái đã giữ gìn và duy trì tổ chức các lễ hội quan trọng đặc thù như: lễ Chol Chnăm Thmây, lễ Dol Ta, lễ Óoc Om Boóc... Ngoài ra, còn tổ chức lễ cầu an, lễ phước biển (Trui Rum Chêk), lễ Thăc Côn phục vụ nhu cầu về tinh thần, tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của đồng bào Khmer...
Một trong những đặc điểm văn hóa lâu đời của dân tộc Khmer là truyền thống tu trả hiếu, do đó thanh niên đến tuổi trưởng thành đa số đều vào chùa xuất gia ngắn hạn hoặc dài hạn. Phật giáo Nam tông Khmer đã giới thiệu nhiều Sư sãi theo học lớp Sơ cấp Pàli tại Trà Vinh, Trung cấp Pàli tại Sóc Trăng và Sư phạm Pàli tại Trà Vinh. Được biết hiện có khoảng 90 vị đang theo học Trung cấp Phật học với 3 điểm học theo Phân hiệu Phật giáo Nam tông Khmer.
Một số chùa Khmer được công nhận di tích, văn hóa: 1 chùa là di tích cấp quốc gia, 1 chùa di tích khảo cổ, 22 chùa là di tích văn hóa và 2 chùa tiêu biểu, 22 chùa văn hóa.
Công an tỉnh An Giang tặng hoa chúc mừng |
Bên cạnh những thành tựu vẫn còn một số tồn đọng chưa được giải quyết thỏa đáng như: tình trạng Tăng Ni cất mới nơi thờ tự tạo sự khó khăn trong việc quản lý của Ban Trị sự và chính quyền địa phương; có một vài trường hợp cá biệt xuất phát từ trụ trì không tuân thủ Luật Phật và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương; tệ nạn khất thực phi pháp là mối lo ngại, bận tâm của Ban Trị sự - Báo cáo cho biết.
Tặng Bằng tuyên dương công đức |
Ghi nhận đóng góp của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang nhiệm kỳ qua, Trung ương Giáo hội tặng Bằng tuyên dương công đức cho 1 tập thể, 36 cá nhân; UBND tỉnh An Giang trao Bằng khen, Kỷ niệm chương cho 7 tập thể, 16 cá nhân.
Trao Huân chương Đại đoàn kết dân tộc đến Hòa thượng Thích Huệ Tài |
Đặc biệt, tại đại hội, Hòa thượng Thích Huệ Tài, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh An Giang đón nhận Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc của Chủ tịch nước với thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Hòa thượng Thích Huệ Tài thay mặt Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang nhiệm kỳ VI tuyên bố mãn nhiệm |
Hòa thượng Thích Huệ Tài, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang thay mặt Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhiệm kỳ VI tuyên bố mãn nhiệm.
Thay mặt Tiểu ban nhân sự, Hòa thượng Thích Thiện Thống trình danh sách cung thỉnh 11 vị tôn đức giáo phẩm vào hàng chứng minh, giới thiệu thành phần nhân sự dự kiến tham gia Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2022-2027.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2022-2027 có 68 thành viên |
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã lấy ý kiến của toàn thể đại biểu, biểu quyết thống nhất suy cử Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2022-2027 với 68 thành viên, trong đó có 27 ủy viên thường trực. Tân Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đã ra mắt tại đại hội.
Tân Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2022-2027 do Hòa thượng Thích Thiện Thống làm Trưởng ban kiêm Trưởng ban Tăng sự; Hòa thượng Chau Sơn Hy, Phó ban kiêm Trưởng ban Kiểm soát; Hòa thượng Danh Thiệp, Phó ban kiêm Trưởng ban Thông tin - Truyền thông; Hòa thượng Chau Cắt, Hòa thượng Chau Prós, Hòa thượng Thích Thiện Bình - đồng Phó ban; Hòa thượng Thích Tôn Quảng, Phó ban kiêm Trưởng ban Từ thiện - Xã hội; Hòa thượng Thích Thiện Tài, Phó ban kiêm Trưởng ban Pháp chế; Thượng tọa Thích Viên Quang, Phó ban, Chánh Thư ký kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo; Ni trưởng Thích nữ Như Quang, Phó ban kiêm Trưởng Phân ban Ni giới; Ni sư Thích nữ Như Thơ, Ni sư Thích nữ Như Mai - đồng Phó ban; Đại đức Thích Viên Minh, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng; Thượng tọa Chau Hùng, Đại đức Thích Bửu Ngọc - đồng Phó Thư ký.
Ông Trần Anh Thư phát biểu |
Đại diện chính quyền, ông Trần Anh Thư bày tỏ hy vọng tân Ban Trị sự sẽ tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên trong Ban Trị sự, giữa Ban Trị sự các cấp và các hệ phái; đoàn kết, hoà hợp với các tôn giáo bạn để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; hướng dẫn Tăng Ni trang nghiêm tự thân và tín đồ Phật tử tu thiện, tích đức... góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, là tiền đề hướng đến mục tiêu xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ban đạo từ |
Ban đạo từ và chỉ đạo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết An Giang là một vùng đất thiên nhiên giàu đẹp, nghĩa tình. Phật giáo An Giang đa sắc thái, nhiều hệ phái nhưng với tinh thần đoàn kết, hòa hợp, quyết tâm thực hiện mục các công tác Phật sự đề ra, Tăng Ni và Phật tử đã góp phần giữ vững nền độc lập dân tộc và an ninh xã hội nơi vùng biên giới.
Hoà thượng đặt niềm tin và hy vọng vào kết quả tốt đẹp của tân Ban Trị sự trong thời gian tới. Đồng thời, ghi nhận sự giúp đỡ của lãnh đạo chính quyền các cấp cùng tất cả Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong thời gian qua và mong rằng trong tương lai vẫn sẽ luôn đồng hành hỗ trợ cho tân Ban Trị sự hoàn thành các công tác Phật sự dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Thiện Thống.
Hòa thượng Danh Thiệp cảm tạ, bế mạc |
Đại hội cũng đã thông qua danh sách dự kiến đoàn đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc và Nghị quyết Đại hội. Đại hội khép lại sau phát biểu bế mạc của Hòa thượng Danh Thiệp, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang.
Một số hình ảnh ghi nhận tại đại hội:
Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ VII diễn ra trong một buổi sáng 19-4-2022 |