Di ảnh Tổ Như Hiển - Chí Thiền tại tổ đình Phi Lai |
Tại Giác linh đường, đối trước di ảnh của Tổ sư, Trưởng lão Hòa thượng Trưởng tông môn cùng chư tôn đức thành kính đảnh lễ, dâng hương tưởng niệm Giác linh; cử hành khóa trì tụng Bát-nhã tâm kinh cúng dường và truy tán công đức tổ Như Hiển - Chí Thiền. Đồng thời, phát nguyện kế thừa sứ mệnh của liệt vị Tổ sư, giữ gìn nguồn mạch đạo pháp, xây dựng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển.
Tổ sư thế danh là Nguyễn Văn Hiển, sinh tháng 2 năm Tân Dậu (1861) tại xã Diêm Sơn, H.Duy Xuyên (Quảng Nam). Vào năm 1881, ngài đến chùa Giác Viên xin xuất gia học đạo với Tổ Phương Minh, được Tổ thâu nhận làm đệ tử với pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối pháp đời thứ 39 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ. Theo đó, ngài học đạo và cầu pháp với tổ Minh Khiêm - Hoằng Ân.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cùng chư tôn đức dâng hương tưởng niệm Giác linh Tổ Như Hiển - Chí Thiền |
Tổ sư là một trong những bậc cao Tăng tại vùng Tây Nam Bộ nửa đầu thập kỷ XX, đóng góp với nhiều công đức to lớn trong việc xiển dương Phật pháp khắp vùng Nam kỳ.
Chùa Phi Lai là nơi Tổ dừng chân để hoằng pháp, độ sanh, giới đức của vị chân tu đạo hạnh được quần chúng khắp nơi mến mộ, quy hướng về nương tựa tu học.
Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm Giác linh Tổ Như Hiển - Chí Thiền |
Nhờ ân đức của Tổ Như Hiển - Chí Thiền, chốn Tổ Phi Lai có nhiều thế hệ cao Tăng thạc đức gánh vách vận mệnh Phật giáo nước nhà, như chư vị Hòa thượng: Hồng Pháp, Hồng Diệu, Hồng Nhẫn, Hồng Nhơn, Hồng Tôi, Hồng Xứng, Hồng Mão, Hồng Nở, Hồng Minh, Hồng Tông, Hồng Thông, Hồng Sáng, Hồng Chương, Hồng Trung; tiêu biểu là Hòa thượng Hồng Tòng - Đại Tăng trưởng (Tăng thống GHPGVN Lục Hòa Tăng, năm 1952), Hòa thượng Hồng Nở, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất (giai đoạn 1966-1973), Hòa thượng Nhựt Bình (cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh), Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN (giai đoạn 1984-2014), Hòa thượng Lệ Huy (Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn), Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đương nhiệm.
Tháp Tổ trong khuôn viên tổ đình Phi Lai |
Năm Quý Dậu (1933), Tổ thọ bệnh và trước khi viên tịch chắp tay niệm kệ: “Nhất niệm Viên Quang tội tánh không, đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh”, rồi an nhiên viên tịch vào ngày rằm tháng 2 năm Quý Dậu, trụ thế 73 năm, 52 hạ lạp. Nhục thân của ngài được nhập bảo tháp tại khuôn viên tổ đình Phi Lai.