Ăn Tết Sài Gòn

GN Xuân - Tôi có lý do để ở lại Sài Gòn ăn Tết. Đơn giản tôi nghĩ, quanh năm Sài Gòn cùng tôi trong hành trình mưu sinh, dù nắng dù mưa, dù ngày buồn hay ngày vui, thì Sài Gòn đều cùng tôi chia sẻ. Vậy mà, đến cuối năm, lẽ nào tôi lại rời xa Sài Gòn?

Tet sai gon.jpg


Người Sài Gòn du xuân Ất Mùi tại đường hoa Hàm Nghi

Nhiều năm rồi tôi thường ở lại Sài Gòn ăn Tết. Không phải tôi không yêu quê hương, mà vì giờ đây, việc đi lại giữa các tỉnh trong nước dễ dàng hơn xưa. Đường sá, phương tiện giao thông hiện đại hơn, máy bay giá rẻ chiêu thị suốt, muốn về quê lúc nào thì đặt vé lúc đó.

Tôi thích nhất hai thứ khi vào mùa Tết ở thành phố năng động, hoa lệ, khắc nghiệt mưu sinh mà cũng rất bình dị, bao dung, phóng khoáng này.

Thứ nhất là đêm giao thừa đi dọc các con đường sầm uất xem người ta bày bán đủ thứ món đồ cho ngày Tết, nào quần áo, nào mứt bánh, đồ trang trí, nào các lều trại dưa hấu, hoa trái đủ loại… Khách mua hàng vào những thời điểm này đa số là người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động chân tay, buôn gánh bán bưng, tuy nhiên không giới hạn đối tượng. Cũng có khi thấy những chiếc xe hơi đỗ xịch bên đường chỉ để mua mấy quả dưa hấu…

Tôi thích nhìn ngắm những gương mặt đầy lo toan pha lẫn niềm vui khi mua được một món đồ giá rẻ mà lại ưng ý. Có khi nhìn thấy một chị công nhân, đã hơn 9g tối, chở con gái của mình đi dọc đường bán quần áo, tìm tìm lựa lựa, rồi ánh mắt hai mẹ con sáng lên khi mẹ chọn cho con được chiếc đầm mới vừa ý cho ngày mai.

Và, chờ đến khoảng 10g đêm là có thể mua mọi thứ rẻ như bèo mà người bán và người mua đều vui vẻ hớn hở, đặc biệt là hoa và cây. Nhất là ở làng hoa Gò Vấp, một cặp chậu cúc to vật vã chỉ có giá khoảng 30-40 ngàn đồng. Giá này đứng nguyên 3 năm nay không đổi. Sắm sửa hoa cho cả nhà rực rỡ dăm ba ngày Tết chắc tốn hết 200 ngàn. Bởi vậy mà người ta chen nhau mua rất đông, tạo nên không khí rất đặc trưng vào đêm giao thừa chỉ có ở làng hoa Gò Vấp.

Thứ hai là cảm giác sáng hít thở không khí sáng mồng một ở Sài Gòn. Dậy sớm, xung quanh yên ắng trong trẻo chứ không đầy các loại âm thanh dội vào cửa sổ như thường ngày. Sau khi nhẹ nhàng thắp nhang trên bàn Phật, tôi vừa uống trà vừa ngắm vườn hoa be bé mùa xuân, và rồi ăn mặc đẹp và nghiêm túc để đi chùa. Ra khỏi nhà, cảm giác thư thái ùa đến bởi đường phố Sài Gòn yên ắng khác hẳn ngày thường. Những ngã tư ngã năm gần nhà quanh năm kẹt xe không thiếu một ngày, mà giờ thanh bình vắng vẻ. Xăng khói, xe cộ nhường chỗ cho những hàng cây bên đường thong dong trong gió.

Lúc này, những góc phố yên bình như giữ lấy những đôi bàn chân mỏi quanh năm lo mưu sinh. Tôi thích đi thật chậm qua những ngôi nhà hai bên đường hãy còn đóng cửa im lìm, trước hiên là những chậu cúc vàng ươm trong nắng.

Khi nhìn sâu vào những cảnh vật như vậy, rồi đến chùa thắp nhang kính Phật, tôi nhận ra một điều đơn giản học được từ hạnh Phật: Mọi sự tại tâm. Cũng đông đúc, chen lấn nhưng khi tâm vui ta lại cư xử với nhau rất dễ chịu. Thì năm hết Tết đến, xuân về khắp nơi, sao lòng người không vui cho được. Người Việt mình có một cái Tết để quẳng gánh lo đi, bao nhọc nhằn một năm, dù gì đi nữa, tạm cất vào tủ, đón cái Tết cho thong dong, cho đủ đầy rồi sang năm mới mọi sự sẽ tốt đẹp hơn.

Sài Gòn, có người bảo ôi Tết buồn lắm, người dư dả thì sang nước ngoài ăn Tết, lịch tour Tết ở các công ty du lịch lúc nào cũng cháy, người ít tiền thì thôi về quê bên bếp hồng cùng gia đình, đơn sơ mà ấm cúng. Kiểu gì rồi cũng xong một cái Tết. Nhưng nếu Tết là dịp để ta nhìn lại ta, để ta thấy bình yên hơn một chút, thì dù ở đâu, ta cũng nhìn thấy được bình yên.

Tôi ở lại Sài Gòn ăn Tết, đơn giản vì tôi thấy ở đó, thời khắc đó mình tìm được bình yên. Đó là lúc tôi có dịp nhìn lại, thấy biết ơn và yêu hơn thành phố đã cưu mang tôi bao nhiêu năm từ tuổi thanh xuân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày