Ánh sáng từ trái tim

Chi Quỳnh Loan trong giờ lên lớp.Ảnh VQ
Chi Quỳnh Loan trong giờ lên lớp.Ảnh VQ
Mười bảy năm gắn bó với học sinh khiếm thị, cũng là mười bảy năm chị gắn với hệ thống chữ Braille (chữ nổi). Không bục giảng, không bảng đen phấn trắng, chị Quỳnh Loan, giáo viên Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) đến với nghề bằng một tình yêu vô bờ bến, một trái tim từ ái của người thầy và người mẹ...

Người bình dị quanh ta

Có những người thầm lặng đến với những thân phận, góp nhặt một chút yêu thương giữa cuộc đời. Có những người hy sinh một đời cho những ước mơ bay cao, bay xa... Hành trình ấy cứ tiếp nối để rồi khi tiếp xúc với họ ta có thêm một niềm vui, có thêm niềm tin để sống và yêu đời. Bắt đầu từ số báo này, trên trang Phật giáo - Tuổi trẻ sẽ có những con người như thế xuất hiện trong chuyên mục “Người bình dị quanh ta”.  

Cơ duyên

Tốt nghiệp ngành sư phạm, ra trường với hơn 5 năm giảng dạy ở môi trường giáo dục nhưng chỉ khi gắn bó với các em học sinh của Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, chị mới cảm nhận nhiều nhất niềm vui và hạnh phúc nơi trái tim mình. Nhân duyên gắn bó với trường khi người bạn của chị là một giáo viên thể dục giới thiệu Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đang cần một giáo viên “yêu nghề”. Không suy nghĩ, không đắn đo và cũng không lường được những khó khăn trước mắt. Vì khi đó, chị chưa có một chút khái niệm nào về người khiếm thị chứ nói gì đến việc dạy cho học trò ở đây.

Việc gì đến đã đến, những ngày đầu làm quen với môi trường giáo dục chuyên biệt này là những ngày mà chị cảm thấy có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của mình. Môi trường hoàn toàn mới và xa lạ, học sinh thì mỗi em một tính cách, mỗi trình độ. Để hòa nhập, chị phải ngồi nghe giáo viên đứng lớp lúc bấy giờ như một… học sinh lớp 1. Về nhà, chị còn lấy khăn bịt mắt lại, để xem trong bóng tối mình phải thích nghi ra sao. Đến bây giờ, lời nhận xét của cô hiệu trưởng khi chị mới bước vào trường: “Nhìn em tiểu thư quá, không biết có theo đuổi được ở môi trường này không?” đã trở nên xa lạ.

Động lực gắn bó

Chân ướt chân ráo đến với trường, chỉ sau 2 tuần chị đã làm quen và thành thạo với hệ thống chữ nổi của học sinh khiếm thị. Ban đầu, chị chỉ được phân công làm giáo viên trợ giảng. Nhưng sau một thời gian ngắn, chị đã được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao cho trọng trách giáo viên chủ nhiệm. Mười bảy năm đứng lớp, nếu không có nhiệt huyết với nghề, không có một trái tim nhân ái và một tình yêu thương trẻ như con mình, chắc không ai làm được điều mà chị Quỳnh Loan đang theo đuổi. Chưa kể đến thu nhập của một giáo viên dạy học sinh khiếm thị thấp hơn rất nhiều lần so với giáo viên bình thường. Ấy vậy mà chị vẫn cần mẫn, chị chưa bao giờ có ý định sẽ chuyển sang một ngôi trường khác. Chị chia sẻ: “Hạnh phúc thật sự là khi chúng ta biết vừa đủ. Hiện tại, các em ở đây đang rất cần hơi ấm của tình người, vì vậy tôi sẽ không bao giờ từ chối để được gắn bó với các em. Mới hôm qua đây thôi, nhận được cuộc gọi của em Tài “bà xã”, một học sinh tôi gắn bó khi mới bước vào trường: “Cô ơi, con gọi điện là chỉ muốn nghe giọng nói thân thương của cô thôi” đã tiếp thêm sức mạnh và động lực cho tôi cùng các em học sinh khiếm thị đi hết cuộc sống này”.

Và hạnh phúc...

Mười bảy năm làm “mẹ” của các em học sinh khiếm thị, đến bây giờ chị mới thật sự được thực hiện thiên chức làm mẹ của 2 đứa con trai mình. Đang mang thai ở tháng thứ 19, Tết này niềm vui của chị sẽ được nhân lên gấp bội. Người bạn đời của chị, ngày ấy cũng là một nhân viên kế toán của Trường Nguyễn Đình Chiểu. Tình yêu của anh chị bắt nguồn từ những trái tim biết yêu thương và biết sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh.

Môi trường giáo dục chuyên biệt khó khăn là vậy, nhưng chưa bao giờ trong chị mất đi niềm nhiệt huyết đối với công việc. Ngay cả việc xa học trò để chờ đến ngày hạ sinh đối với chị cũng là một nỗi day dứt. Ánh sáng thật sự của các em học sinh khiếm thị không phải ở đâu xa, đó chính là thứ ánh sáng mà các thầy cô như chị Quỳnh Loan đang hết mình thắp sáng - ánh sáng từ trái tim.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày