Bà Hai

Ảnh minh họa: Nhuận Thường
Ảnh minh họa: Nhuận Thường
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hai bà già tóc bạc trắng - hai chị em cùng ngồi ngâm chân. Hai đôi bàn chân nhăn nheo một trắng xanh, một đen sạm. Trên hai khuôn mặt già nua đã chằng chịt những vết khắc thời gian là những nụ cười.

Tôi vừa dựng chiếc xe đạp xuống sân, tiếng bà Hai đã vọng lên từ gian bếp:

- Thằng Thiện đã về đó hả? Có nhận được chưa?

- Dạ, được rồi bà.

Tôi bước xuống bếp, đưa tiền cho bà Hai. Bà cầm tiền, cuộn lại, lấy sợi dây thun đeo ở cổ tay (bà thường đeo sẵn sợi dây thun ở cổ tay như vậy) buộc chặt rồi mở chiếc ghim băng ở túi áo, đút tiền vào trong. Xong bà lại gài ghim băng đính miệng áo vào vạt áo, miệng lẩm nhẩm “Thế này chả rơi đi đằng nào được”. Bà quay nhanh vào bếp với một nồi nước lá đang nấu dở. Bà vừa đút thêm cây củi vào vừa bảo tôi:

- Đem cất lại cuốn sổ vào chỗ cũ cho bà.

Tôi “vâng” rồi nhanh chóng đi lên nhà. Bà chẳng dặn tôi cũng biết điều đó. Tính bà cẩn thận, xếp đặt mọi việc gọn gàng, ngăn nắp nên có những lúc anh em tôi chỉ cần mải chơi mà cất đặt thứ này thứ kia sai chỗ là bà biết liền, bà sẽ có một bài giáo huấn cho chúng tôi về điều cần thiết phải sống ngăn nắp, gọn gàng. Có nhiều khi tôi đã cảm thấy bà thật phiền phức và nếu như không có bà, chúng tôi sẽ được tự do hơn, tôi nghĩ vậy.

Bà Hai là chị gái của bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi năm nay tám mươi hai tuổi, bà Hai thì đã tám mươi lăm. Từ ngày tôi ra đời, biết gọi dạ bảo vâng, có ý thức về mọi thứ xung quanh mình đã thấy bà Hai ở cùng với gia đình tôi. Đúng hơn là chúng tôi ở cùng với bà Hai. Tôi nghe ngoại kể nhiều, mẹ tôi cũng kể, lâu lâu bà Hai cũng nói dăm câu ba sợi kiểu như ngày trước…, đợt đó…, đận ấy… Những lúc ấy bố tôi hay ngồi nhâm nhi ly nước chè xanh vừa gật gù kiểu như xác nhận.

Lâu dần, tôi xâu chuỗi lại những lời kể thì cũng có một câu chuyện tươm tươm về việc tại sao chúng tôi không ở nhà nội mà lại ở cùng bà Hai.

Hơn tám chục năm về trước, tại mảnh đất này cụ ngoại tôi sinh liền ba năm hai đứa con gái, chính là bà Hai và ngoại tôi bây giờ. Cụ ông không nói nhưng rõ ràng là buồn. Thời đó không có con trai là lép vế, mất mặt lắm. Nhưng cụ bà sau khi sinh bà ngoại tôi thì xuống sức, hình như do băng huyết, sản hậu gì đó (Cái này tôi có nghe ngoại tôi và bà Hai nói nhưng không hiểu, có hỏi lại thì lại bị hai bà nói là con nít con nôi, hỏi làm gì, sau này lớn sẽ biết).

Mười mấy năm sau, cụ bà thấy trong người khang khác, rồi bụng ngày một lớn. Cả nhà vui mừng, mừng nhất là cụ ông tôi. Cụ ông hàng ngày trông mong cái bụng của cụ bà lần này sẽ “tòi” ra một thằng cu cho cụ mở mày mở mặt với thiên hạ. Thế mà cuối cùng cụ bà tôi sinh con trai thật. Một cậu ấm bụ bẫm, kháu khỉnh. Khỏi phải nói cả nhà cụ ngoại, từ trên xuống dưới mừng đến cỡ nào. Vậy là từ đó, cụ ngoại tôi có người nối dõi, tổ tiên có người thờ phụng.

Cụ mừng, làm hẳn mấy mâm cơm để ra mắt thằng con trai với bà con hàng xóm. Trong bữa tiệc, cụ liên tục cười lớn, chỉ có bà Hai và bà ngoại tôi là tất bật nấu nướng, bày biện; xong rồi lại tất bật dọn dẹp. Nhưng hai bà cũng vui. Sau này các bà đi lấy chồng cả thì còn có em trai ở bên chăm nom thầy u. Bà Hai vừa rửa bát vừa ngóng ra ngoài cổng, con ngõ mờ mờ dưới ánh trăng non đầu tháng. Năm đó bà Hai vừa tròn mười tám.

Bà Hai tên thật là Hoa, đẹp người, đẹp nết. Mười tám tuổi đã có bao chàng trai để ý. Nhưng bà chưa ưng ai. Thầy u có giục thì bà chỉ cười, thỏ thẻ nói:

- Thầy cho con ở với thầy u vài năm nữa, chừng em Được (tên của ông út nhà tôi) cứng cáp, thầy u đỡ vất vả thì con đi lấy chồng.

Hai năm sau em gái đi lấy chồng, em trai thì nhỏ dại, mẹ thì sau sinh em trai đã yếu lại càng yếu, bà Hoa chẳng đành gật đầu về làm dâu nhà người ta mà cứ lần lữa mãi. Rồi người ta cũng đi lấy vợ. Bà Hoa dùng dằng, hàng ngày, bà vẫn rửa dọn ở chỗ bờ giếng nhưng không ngóng ra cổng như xưa nữa. Hay tại giàn hoa sử quân tử trên cổng rủ xuống che khuất tầm nhìn?

Vài năm từ chối đến mấy đám đến khi nhìn lại đã là gái quá thì. Cụ ngoại vẫn giục bà lấy chồng. Không lấy trẻ thì lấy già, không lấy trai tân thì lấy người góa vợ. Vẫn cần có người nương tựa lúc về già con ạ. Là cụ bà tôi bảo với bà Hoa như vậy. Làng trên xóm dưới cũng có vài người gia cảnh gà trống nuôi con. Bà Hoa còn ngần ngừ nửa muốn đi lấy chồng nửa không, ba mươi rồi còn gì. Hai bên khóe mắt đã bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn.

Bị hối mãi, bà Hoa cũng gật đầu quen người ta. Là một người đàn ông chưa vợ nhưng lại nổi tiếng trăng hoa, kém bà hai tuổi. Cụ bà bấm đốt bảo gái hơn hai, trai hơn một. Được. Giăng hoa là thói thường của đàn ông, có vợ rồi sẽ sửa được, ăn nhau ở chỗ người đàn bà có biết kìm cương ông chồng không thôi. Hai bên đi lại tìm hiểu đâu chừng non nửa năm thì có chuyện.

Số là cụ nội và ông nội tôi đi biển trúng bão, thuyền bị sóng đánh cho tan xác còn người thì chẳng thấy đâu. Cụ bà nội không chịu nổi cú sốc lớn, ngày đêm thất thần hướng mặt về phía biển rầu rĩ gọi tên người. Rồi chừng đâu hơn tháng cụ đi. Bao đau đớn còn mình ngoại tôi gánh chịu. Trụ nổi không? Nỗi đau cứ theo nhau đổ ập xuống bủa vây.

Bà Hoa thấy em gái ngày một tiều tụy, lúc nào cũng như người mất hồn liền đón về nhà chăm sóc. Năm đó nghe đâu mẹ tôi mới bảy tuổi, đứa em nhỏ còn không chờ được đến chín tháng mười ngày mà đã đi theo ông ngoại tôi đến một nơi xa xôi khác. Bao biến cố, mất mát đổ ập xuống quá nhanh khiến bà ngoại tôi không trụ nổi. Từ một người đàn bà tháo vát, nhanh nhạy bán buôn bà trở nên như người mất hồn, lâu lâu tỉnh táo, lâu lâu lúc khóc lúc cười. Vậy là bà Hoa lại chăm em, chăm cháu.

- Cũng may ngày đó tao không đi lấy chồng chứ không không biết trông cậy vào đâu.

Có lần bà Hai vừa ngồi ngâm chân cho ngoại tôi vừa tỉ tê chuyện nọ chuyện kia rồi chép miệng bảo như vậy.

Đúng là có lúc tôi cũng thấy bà khắt khe, khó tính thật nhưng nếu không có bà, ngoại tôi, mẹ tôi ngày đó biết trông cậy vào đâu. Không khéo sẽ chẳng có anh em chúng tôi bây giờ. Còn bây giờ cũng vậy, chúng tôi vẫn không thể thiếu bà được. Bố mẹ tôi đi làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về, là anh em tôi ở với bà Hai. Bà Hai như mẹ, như bố. Bà vừa chăm ngoại tôi mấy năm nay đau nhức chẳng đi ra được đến đầu ngõ vừa bảo ban anh em tôi mọi thứ.

- Thiện ơi! Xuống bà dặn đây.

Tôi ngồi ở bàn học mà cứ nghĩ lung tung, nghe tiếng bà gọi vội chạy ngay xuống bếp.

- Trông nồi nước lá giúp bà, chừng hết đợt củi này thì thôi. Cứ để trên bếp đó, lát bà về làm sau.

Tôi “dạ”, dúi cây củi đang cháy dở sâu thêm vào bên trong. Nhìn theo chiếc lưng cong rạp của bà tự nhiên thấy thương. Tôi chẳng hỏi bà đi đâu, bởi đã quá quen với việc đó. Chiều nào tầm giờ này bà cũng cầm liềm, bê rổ ra cánh đồng tìm mấy loại cây như cỏ xước, đinh lăng gai, cân đằng, cây mắc cỡ,… Tôi không nhớ hết được, chỉ biết lần nào bà về chân tay cũng lấm lem bùn đất và bê theo một rổ đủ thứ cây lá. Bà giũ sạch đất cát ở cây, phơi sương từ chiều đến đêm, đến sáng hôm sau. Bà cất đi để chiều về sẽ đun nước ngâm chân cho ngoại tôi.

Có lần ngoại tôi bảo tôi lấy cái chậu lớn, hòa nước vào đó, rủ bà Hai cùng ngâm, lúc đầu bà Hai không chịu, sau ngoại tôi nói mãi bà mới kêu tôi kéo chiếc ghế sát chậu nước, đối diện chiếc ghế bà tôi đang ngồi. Hai bà già tóc bạc trắng - hai chị em cùng ngồi ngâm chân. Hai đôi bàn chân nhăn nheo một trắng xanh, một đen sạm. Trên hai khuôn mặt già nua đã chằng chịt những vết khắc thời gian là những nụ cười. Hai bà vừa nói chuyện vừa cười. Các bà nói về ba mẹ tôi, về anh em chúng tôi. Chợt bà ngoại tôi cầm tay bà Hai mà rưng rưng nước mắt:

- Em làm chị khổ nhiều quá. Vì mẹ con em mà chị dang dở…

- Dì đừng có nói dở thế. Giờ chẳng phải tôi cũng đã có một gia đình sao. Vợ chồng con Mân hạnh phúc, anh em thằng Thiện, Lành ngoan ngoãn khỏe mạnh, thế là được rồi. Dì là gia đình của tôi. Chúng nó là gia đình của tôi.

Ngoại nghe bà Hai nói vậy, giọt nước mắt càng lăn nhanh xuống má.

Mấy năm sau, bà ngoại tôi mất. Lúc ngoại chỉ còn chút hơi thở cuối cùng, bà Hai nắm tay ngoại thì thầm:

- Đi được rồi. Dì đi trước đi, mấy nữa tôi thu xếp xong cho dì cũng sẽ đến đoàn tụ cùng dì, cậu Được và thầy u. Nhà cửa này giao lại cho tụi nhỏ.

Mẹ tôi nghe bà nói vậy thì khóc nấc lên, bố tôi nín lặng ngồi bên cạnh như một pho tượng u buồn.

Ngoại tôi mất, bà Hai vẫn cứ đi kiếm cây lá mỗi chiều. Có khi vẫn bắc nồi nước lá. Rồi thẫn thờ khi nhận ra không còn em để cùng ngâm chân nữa. Bà ngồi một mình, bỏ đôi chân đen sạm vào chiếc chậu nước lớn, đối diện là chiếc ghế trống, vẫn thủ thỉ chuyện trò. Nhưng tôi không nghe được bà nói gì, chỉ thấy thầm thì những điều có vẻ thân thuộc. Trong câu chuyện hình như bà có nhắc bố mẹ tôi, nhắc đến cả anh em tôi nữa.

Một buổi chiều, bà Hai tắm rửa sớm lắm, rồi bà ngồi ngâm chân đến khi chậu nước nguội lạnh mới thôi. Tối đó, ăn cơm xong, bà Hai cầm ra một bọc vải đưa cho bố mẹ tôi, bà nói rằng đó là tiền bà dành dụm bấy lâu nay, tiền trợ cấp người già hàng tháng, tiền bố mẹ tôi biếu bà cũng không tiêu đến.

Bà dặn mẹ tôi đi mua chiếc xe đạp điện cho tôi đi học; bà dặn bố tôi cái bếp củi không dùng nữa thì sửa sang, dọn dẹp lại thành cái kho mà để đồ; bà bảo anh em chúng tôi cố gắng bảo ban nhau học hành cho đến nơi đến chốn,… Bà dặn nhiều lắm kiểu như chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Mẹ tôi đưa lại cho bà, kêu bà cứ giữ lấy, khi nào bọn con thiếu sẽ xin. Bà xua tay, cầm lấy rồi bà bảo tôi lấy nước súc miệng, đỡ bà lên giường nằm.

Đêm đó bà đi, bà đi nhẹ nhàng, lặng lẽ y như cuộc đời của bà vậy. Ngoài trời, sương đang buông, mớ cây lá được bà phơi ở góc sân vẫn cần mẫn ăn sương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày