Giọt sương lóng lánh

GNO - Quán bún nhà chị rất đông khách. Người ta cứ lũ lượt đến đây ăn sáng khiến cho quán trở nên nổi tiếng. Nếu như nói quán nhà chị nằm ở vị trí đắc địa thì cũng không hẳn vì nó nằm khá sâu trong một con ngõ.

Nhưng một phần cũng đúng, bởi lẽ nơi đây có không khí mát mẻ nhờ hàng cây lâu năm, lại không ồn ào khói bụi của xe cộ qua lại. Bây giờ mà có được những điều ấy thì thật lý tưởng để ngồi ăn sáng, dù phải đi sâu vào ngõ một chút thì cũng có sao đâu.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1219 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1219 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Quán nhà chị không rộng lắm, cũng chỉ tầm 25 mét vuông, nơi đây vốn là phòng khách, sau đó được sửa sang lại để bán hàng. Ngoài những bàn ăn trong phòng, chị còn tận dụng một phần diện tích vỉa hè để kê thêm 5 bộ bàn ghế nhựa nữa. Chị vẫn luôn thầm cảm ơn mẹ chị đã truyền cho mình cái công thức nấu nước dùng thơm ngon để cho ra những tô bún thơm ngon nổi tiếng như bây giờ. Mà hầu như những vị khách lớn tuổi đến đây vốn là khách của mẹ chị ngày xưa, cộng thêm con cháu họ, thế rồi bạn bè của những vị khách ấy nữa đã làm nên sự đông đúc, nhộn nhịp vào mỗi buổi sáng.

Hôm nào chị cũng phải dậy từ hai giờ sáng để đi lấy nguyên liệu về. Từ đời mẹ chị, bà đã rất cẩn trọng trong việc lựa chọn nguyên liệu làm bún. Chị cũng theo nếp đó mà thành thói quen. Những miếng thịt hồng tươi vừa từ tay người thợ mổ còn ấm nóng được chị đem về một mình thoăn thoắt làm. Là mẹ đơn thân nên chị phải một mình làm mọi việc. Hồi mẹ chị mới mất, thời gian đầu khi phải làm tất cả mọi việc một mình chị cuống cuồng đến chóng mặt và mệt phờ. Nhưng rồi thì mọi thứ cũng quen dần, cứ cố gắng là mọi việc đều tươm tất cả. Khách đông, tuy mệt mà chị vẫn thấy vui.

Bây giờ thằng Thuần, con của chị đã 12 tuổi, nó lanh lợi và thương mẹ nên cũng phụ giúp chị nhiều việc, chị đỡ vất vả phần nào. Quán đông khách nhưng được cái khách cũng hiểu hoàn cảnh của bà chủ là chị nên nhiều người tự đến tận quầy bưng giúp bát bún ra bàn. Từ khi có thằng Thuần phụ giúp thì chị an tâm và bớt ngại với khách. Nhưng nó còn ít tuổi, nhiều khi làm việc khiến chị không hài lòng, thế là quát tháo, mắng mỏ con.

Những lúc bình tâm lại cũng thấy thương, ở tuổi nó, con người ta có phải động tay việc gì đâu, thằng Thuần được như thế đã là đáng khen rồi. Thế rồi cái vòng quay cuộc sống cứ cuốn chị đi không cho chị nghĩ nhiều. Thằng Thuần hôm nào cũng phụ giúp chị vào mỗi buổi sáng cho tới giờ đi học. Chị thấy mình hạnh phúc vì có một đứa con ngoan.

*

Thằng Thuần thường đòi chị dạy cho cách làm một bát bún rồi lại tự tay bưng ra cho khách. Ban đầu chị cũng không đồng ý nhưng rồi lại nghĩ, thôi thì cứ hướng dẫn cho con những lúc chưa đông khách, như ngày xưa mẹ chị đã từng làm thế. Thằng Thuần học cũng khá, chị luôn mong cho con sau này có nghề nghiệp đàng hoàng, chứ ai lại nối nghiệp mẹ bán bún làm gì cho khổ. Nhưng mà cái nghề của gia đình, chị đã muốn gìn giữ và đó là cả tình yêu và tâm huyết của chị, không truyền lại được cho ai thì thấy tiếc.

Chị lại nghĩ, cuộc sống rồi cũng chả biết thế nào, cho nên biết thêm một cái nghề cũng chẳng tốt lắm sao. Thằng Thuần nhanh trí nên cũng chẳng mất nhiều thời gian nó đã làm tương đối tốt. Nhưng đâu chỉ có thế, cái công đoạn chuẩn bị trước đó mới là điều quan trọng để làm nên danh tiếng của cái quán này. Nhưng thôi, thời gian còn dài, chị sẽ từ từ truyền hết bí quyết cho con. Nghĩ là một chuyện nhưng chị cũng chỉ dám cho con thực hành vai ba bát bún, rồi tự tay nó làm cho mình một bát mang ra bàn ăn nhanh còn kịp giờ đi học.

Một hôm chị chợt phát hiện ra hành động lạ lùng của thằng Thuần: nó không ngồi ăn bún ở bàn mà bưng bát bún vào phòng đóng chặt cửa. Không biết nó ăn uống ra sao mà loáng cái đã cắp ba-lô đi học, lại còn xách theo cái bọc gì trong túi nilon màu đen. Ban đầu chị cũng không để ý tới điều không bình thường ấy ở con mình. Nhưng có một lần vô tình chị bắt gặp ánh mắt lấm la lấm lét của thằng bé thì chị bắt đầu thấy nghi nghi và ngầm theo dõi.

- Thuần! Con làm cái gì mà đổ cả nước dùng ra ngoài thế hả?

- Con… Con… lỡ tay một xíu xíu. – Thằng bé vẫn thường có những câu nói ngồ ngộ như thế mỗi lần bị mẹ bắt lỗi.

- Lần sau làm cho cẩn thận nhé. Nhưng mà thôi, ăn nhanh nhanh một chút rồi còn đi học.

Chị đã định quát cho thằng Thuần một trận cho chừa cái thói lơ là đi. Nhưng chợt kìm lại được và làm ra vẻ tự nhiên như thế, bụng thầm nghĩ sẽ theo dõi xem cái thằng con trai của mình đang làm chuyện gì mờ ám.

Thằng Thuần ngoan ngoãn vội vàng vào phòng nhưng chị vẫn kịp nhận ra vẻ không bình thường trên vẻ mặt của nó. Vẫn như mọi ngày, mới vào phòng có một lúc nó đã ăn sạch nhẵn bát bún. Khi nó bỏ bát vào cái chậu đặt nơi góc quán chị vẫn bắt gặp vẻ lúng túng của con. Vẫn đi học sớm và vội vã, vẫn cái túi nilon đen xách theo.

Chị bắt đầu thấy tò mò, sự tò mò xen vào cả nỗi lo lắng và bực bội. Chị bắt đầu nghĩ lại mọi việc làm và hành động của thằng Thuần trong quá khứ, rồi đem so sánh với những hành động gần đây của thằng bé mà lo lắng thực sự. Bao nhiêu những giả thiết, tưởng tượng về những sự hư hỏng, dối trá đang bắt đầu ngấm vào con mình làm cho chị hoang mang, đầu óc chị không còn được tập trung cho công việc nữa. Có lần khách gọi hai bát bún, chị lại làm một bát bún bưng ra khiến cho vị khách ấy ngạc nhiên rồi tỏ ý không hài lòng.

Một lần khác, chị lại bưng bát bún ra bàn cho khách mà quên không cho nước dùng, đó là một người khách lâu năm. Việc ấy khiến cho người khách tròn mắt bất ngờ, nhìn chị rồi cười rũ rượi. Chị thấy mình có lỗi. Xưa nay chị vẫn tâm niệm là phải làm hài lòng khách, cho nên dù lúc quán đông khách đến mấy chị vẫn rất cẩn thận và tập trung. Bao nhiêu năm nay chưa bao giờ chị lại nghĩ mình có thể làm ra những điều như thế. Chỉ vì thằng Thuần, nó hư hỏng thật rồi, nó làm chị tức điên. Thằng Thuần con chị đang làm những việc gì? Chị không biết. Chị quyết tâm tìm ra cái sự không trung thực trong hành động của thằng bé.

*

Thằng Thuần vẫn tiếp tục với những hành động lạ lùng. Nó không hề biết những việc làm của mình đang có một ánh mắt âm thầm theo dõi. Chị nhận thấy những hành động ấy đã không còn lúng túng nữa mà nó đã rất tự nhiên. Thì ra trong bất cứ việc gì, nếu người ta làm đều đặn, cho dù đó là việc làm khuất tất thì nó cũng sẽ trở nên thuần thục và tự nhiên như bình thường.

- Thuần, con đứng lại ngay cho mẹ!

Chị quát to và lao ra nắm lấy tay con, giữ lại. Thằng Thuần bị bất ngờ, đứng khựng lại, hình như nó giật mình, cái túi nilon màu đen rơi xuống. Chị vội vàng chộp lấy và mở cái túi ấy ra. Bên trong là cái hộp nhựa mà chị dùng để bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh. Mở nắp hộp thì thấy những sợi bún và nước dùng vẫn còn nóng. Chị ngẩn người chưa hiểu, ngẩng lên hỏi thằng Thuần:

- Cái gì đây hả? Mày mang cái này đi đâu hả?

- Con mang đến lớp.

- Mang đến lớp. Tại sao mày lại làm thế? Mày…

Chị tức tối, đã định giơ tay tát cho thằng Thuần một cái thật đau vì sự vô lý của nó. Nhưng rồi chị đã kịp dừng lại bởi một ý nghĩ vừa mới vụt đến trong đầu. Nếu như bây giờ chị nóng giận thì sẽ không thể làm sáng tỏ mối nghi ngờ và làm cho thằng Thuần nói ra sự thật. Nghĩ thế chị vội nén cơn tức giận lại để tạm tha cho thằng bé.

Từ hôm ấy, thằng Thuần không còn có những hành động lạ thường nữa. Nó ngoan ngoãn ngồi ăn sáng ở cái bàn ngay gần chỗ chị đứng. Nó ngồi ăn mà vẻ mặt phủ lên một nỗi buồn, cái vẻ buồn của một đứa trẻ làm cho chị thấy bất an.

*

Hôm nay quán nhà chị đông khách quá. Chị phải tất bật phục vụ khách mà quên để mắt tới thằng Thuần. Chợt nhớ đến thì vừa lúc nhận ra bóng nó vụt qua mình, chị chỉ kịp nhìn thấy dáng đi như chạy của con ngoài vỉa hè. Không kịp nghĩ ngợi nhiều, mặc quán đang đông khách, chị lao theo thằng Thuần. Kia rồi, nó đang rất vội vã, một bên tay đang xách theo cái túi nilon màu đen. Chị cố đuổi theo mà lòng hồi hộp và lo lắng cứ như chính mình là người đang làm việc xấu.

Thằng Thuần đi tới một khúc cua và dừng lại ở một gốc cây. Nơi ấy có một ông già mù, tay cầm cái mũ huơ huơ ra phía trước xin tiền người qua đường. Buổi sáng ai cũng vội đi làm, đi học, xe chạy trên đường tấp nập. Không có ai dừng lại bên ông già, chỉ có Thuần đến bên, mắt vẫn nhìn ra xung quanh một cách lo sợ. Chị nép vào một gốc cây gần đó ghé mắt nhìn. Thằng Thuần giở túi nilon, mở hộp nhựa, hơi nóng bốc lên một làn khói mỏng rất thơm. Mắt chị nhòe đi. Chị chạy lại ôm chầm lấy con mà nức nở. Thằng Thuần bất ngờ vì sự xuất hiện của mẹ, ánh mắt sợ hãi của nó làm chị thấy ân hận, chị đã nghi ngờ và hiểu lầm con.

Bao lâu nay, vì mưu sinh, dường như tâm hồn chị đã chai cứng, chị không thể nghĩ ra những điều giản dị và đẹp đẽ như thế này. Chị ôm chặt con hơn và lòng ngập tràn niềm vui. Đang buổi sáng sớm, những tia nắng chưa thể làm khô những giọt sương đọng trên khóm cỏ, khóm cỏ nở lên từ một kẽ nứt trên vỉa hè. Ánh nắng chiếu vào giọt sương lóng lánh thật đẹp. Chị khẽ mỉm cười.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Tâm Thành hỗ trợ 11.000 bình nước tinh khiết đến vùng hạn mặn tại Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau

Chùa Tâm Thành hỗ trợ 11.000 bình nước tinh khiết đến vùng hạn mặn tại Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau

GNO - Từ 16-4 đến 2-5, Thượng tọa Thích Thiện Quý, trụ trì chùa Tâm Thành (H.Tam Nông, Đồng Tháp) cùng các Phật tử, mạnh thường quân đã tổ chức nhiều chuyến xe tải, sà lan vận chuyển nước ngọt đến vùng bị hạn mặn tại 3 tỉnh Tiền Giang, Cà Mau và Bến Tre để hỗ trợ bà con sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống…

Thông tin hàng ngày