Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG: Người tu sĩ nên là thầy thuốc.

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG: Người tu sĩ nên là thầy thuốc.
LTS: Tốt nghiệp y khoa Sài Gòn năm 1978, sau đó định cư và hành nghề y tại CHLB Đức nhưng từ năm 2003, bác sĩ Lương Lễ Hoàng quyết định về làm việc tại Việt Nam. Ông dần trở nên quen thuộc với độc giả trong và ngoài nước qua hàng trăm bài viết về chuyên môn ngành y trên nhiều báo và tạp chí. Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lương Lễ Hoàng về những vấn đề quan tâm đối với PG (ảnh).  

-Điều gì thúc đẩy bác sĩ xây dựng chương trình "Y học Đông Tây thường thức”?

Trong bối cảnh của một nền y tế chưa kịp hoàn chỉnh về cấu trúc và chức năng của mạng lưới cơ sở hạ tầng, vào thời điểm mà hai tiếng y đức đang nhạt nhòa trước mãnh lực của đồng tiền, phương án phòng bệnh thay vì chỉ chữa bệnh theo kiểu đau đâu chữa đó tất nhiên chưa thể triển khai như mong muốn của người dân. Chương trình “Y học Đông Tây thường thức” ra đời với mong muốn mang kiến thức y học thật gọn, thật thực tiễn đến người dân để người đã bệnh cũng như người chưa bệnh trở thành trợ thủ đắc lực cho thầy thuốc. Không thể có hàng nhái, cũng không thể có tình trạng thao túng lũng đoạn thị trường nếu người tiêu dùng hiểu cách kiểm soát chất lượng của sản phẩm.

-Theo bác sĩ, quý Tăng Ni là đối tượng thích hợp nhất tham gia khóa học này?

Chương trình “Y học Đông Tây thường thức” không chỉ nhằm vào giới tu sĩ Phật giáo mà còn thích hợp cho mọi người. Trong bối cảnh người dân vẫn còn thiếu thốn thông tin về y học, đối tượng lý tưởng để quảng bá kiến thức phòng bệnh chính là những người đang được đồng bào quý mến tin tưởng. Thế thì còn ai phù hợp cho công việc này hơn là quý Tăng Ni - những người đã đến với đời bằng cái Tâm, được đời yêu mến nhờ chữ Tín. Nếu nay lại thêm tiếng Trí đi kèm thì còn gì tốt hơn. Tôi sở dĩ chọn giới tu sĩ Phật giáo vì đạo Phật là tôn giáo chiếm đa số ở nước ta. Hơn nữa, cho dù được thực hiện ở bất kỳ nơi nào thì chương trình “Y học Đông Tây thường thức” vẫn hoan hỷ đón tiếp mọi giới đồng bào không có sự phân biệt trên tinh thần “cửa Phật từ bi bao giờ cũng rộng mở”.

-Làm sao để quý Tăng Ni tham gia chương trình tập huấn có thể tiếp thu tốt bài giảng khi không phải là giới chuyên môn?

Điều này tất nhiên không đơn giản nhưng hoàn toàn khả thi. Chúng tôi cố gắng thiết kế chương trình giảng dạy với nội dung và hình thức nhằm đảm bảo các tiêu chí: đề tài phổ quát trong đời thường, hình thức giảng dạy dễ tiếp thu, phương pháp phòng và chữa bệnh tiện dụng trên thực tế, hiệu quả tối ưu về tác dụng y học lẫn tính chất kinh tế, an toàn cho người áp dụng cũng như cho đối tượng được áp dụng. Đây chính là các tiêu chí đảm bảo cho người học nhanh chóng đạt kết quả.

-So với một chương trình giáo dục và truyền thông y học thông thường thì mô hình tập huấn này có điểm gì khác biệt không, thưa bác sĩ?

Bài giảng trong chương trình “Y học Đông Tây thường thức” tất nhiên không thể nặng phần chuyên môn như cho sinh viên y khoa hay bác sĩ hậu đại học. Trong phạm vi giới hạn của hai giờ giảng dạy, mỗi bài giảng được xây dựng trên một cấu trúc đồng nhất và tập trung vào tính thực tiễn như sau: Cơ chế bệnh lý theo quan điểm y học hiện đại, nguyên tắc phòng bệnh trên cơ sở sinh học, cách ứng dụng châm cứu, ấn huyệt và vật lý trị liệu theo Đông y, cách ứng dụng cây thuốc, cách ứng dụng thể dục dưỡng sinh và dinh dưỡng liệu pháp…

-Các kiến thức nào sẽ được bác sĩ chuyển tải cho học viên trong chương trình "Y học Đông Tây thường thức”?

Trước mắt, 30 chủ đề chọn lọc đầu tiên liên quan đến các căn bệnh thông thường sẽ được giảng dạy như: cao huyết áp, hen suyễn, bệnh xoang, sỏi thận, thấp khớp, tiểu đường v.v… Ai thích bài nào thì ghi tên học bài đó. Ai học chưa xong có thể dịp khác học lại. Học sao để có thể ứng dụng ngay điều gì đó trong cuộc sống đời thường cho chính mình và cho đồng bào Phật tử thập phương. Đây cũng là cách “Đưa đạo vào đời để đời thành đạo” như slogan của chương trình này mà tôi rất tâm đắc.

-Được biết, bác sĩ hiện đang viết bài cộng tác, nắm giữ chuyên trang "Sức khỏe” định kỳ cho nhiều tờ báo. Bác sĩ nghĩ sao nếu được mời cộng tác cho Giác Ngộ cũng với nội dung này?

Với tôi, đó sẽ là một vinh hạnh lớn. Tôi thường chọn cho mỗi tờ báo một thể loại phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của độc giả, thí dụ “Sức khỏe doanh nhân” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, “Mỗi tuần một chuyện” trên Doanh nhân Sài Gòn, “Y khoa vui vẻ” trên Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy, “Mẹo vặt phòng thân” trên Nông Thôn Ngày Nay, “Y thuật trong gia chánh” trên Thế Giới Ẩm Thực… Nếu được phép cộng tác với Giác Ngô, tôi sẽ chọn chủ đề “Đông Y thế kỷ XXI” với hy vọng mang kiến thức quý báu của nền y học cổ truyền nhưng với ngôn ngữ của khoa học thực nghiệm đến thật gần độc giả.

-Chân thành cảm ơn bác sĩ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày