Bác sĩ trải nghiệm thiền cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma

May mắn được ngồi thiền cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma, bác sĩ Sanjay Gupta nhận ra ai cũng có thể gặp khó khăn khi thiền và quan trọng nhất là lựa chọn đúng phương pháp.

Thiền mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm stress, cải thiện tâm trạng, hỗ trợ tư duy, tăng cường chú ý và trí nhớ. Tuy vậy, thực hành thiền định không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt với những ai luôn căng thẳng như bác sĩ thần kinh Sanjay Gupta, Trưởng ban Y tế đài CNN. Thế nhưng, từ một con người hiếu động vội vã, ông đã thay đổi từ sau buổi thiền cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma.

"Thật khó giải thích đầy đủ. Chỉ biết tôi tích cực và kiên nhẫn hơn trước đây", bác sĩ Gupta nói. Chia sẻ trên CNN, ông cho biết mình nhận được lời mời tới thiền với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến đi đến Ấn Độ dự hội nghị Phật giáo do Ngài chủ trì. Tỏ ra lo lắng, vị thầy thuốc không nghĩ mình là đối tượng phù hợp để thiền cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông thừa nhận: "Tư thế của tôi rất kinh khủng. Lưng, đầu gối đều đau, hơi thở thì không đều. Tất cả những điều này khiến tâm trí tôi bất ổn thay vì bình tĩnh và chậm lại". Tuy nhiên, bác sĩ Gupta vẫn đồng ý đi bởi "chẳng ai có thể từ chối cơ hội thiền cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma". 

Sáng sớm ngày kế tiếp, bác sĩ Gupta đến nhà riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ở tuổi 81, Ngài vẫn duy trì lịch trình bận rộn, thường thức dậy lúc 2h40 và bắt đầu thiền vào 3h trong khi phần lớn người hầu cận vẫn đang ngủ.

bac-si-trai-nghiem-thien-cung-duc-dat-lai-lat-ma

Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh: healthverdict.com.

Trước khi thiền, bác sĩ Gupta được dặn dò một số điều. Tiếp xúc mắt không bị cấm, bắt tay cũng vậy nhưng chỉ khi bắt bằng cả 2 tay. Nếu ra khỏi phòng, thay vì quay lưng vào Đức Đạt Lai Lạt Ma, phải cố gắng đi lùi. Lúc ngồi khoanh chân trên sàn, cần tránh hướng chân về Ngài.

Cánh cửa mở ra, Gupta bước vào căn phòng nhỏ nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ngồi thiền trên một tấm thảm. "Tôi cởi giày, ngồi ở góc phòng để tránh hướng chân về phía Ngài rồi nhắm mắt và tập trung vào hơi thở", vị bác sĩ thuốc kể. Nhanh chóng, sự bất an xuất hiện trong tâm trí ông.

Vài phút trôi qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma lên tiếng: "Anh có câu hỏi nào không?". Ngẩng lên, bác sĩ Gupta thấy Ngài nở một nụ cười thân thiện. Ông thành thật: "Điều này rất khó với tôi". Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Tôi cũng thế. Đã thiền hàng ngày 60 năm rồi mà tôi vẫn thấy khó". Nghe vậy, bác sĩ Gupta không khỏi ngạc nhiên vì không thể ngờ nhà sư nổi tiếng lại gặp vấn đề về thiền.

"Tôi nghĩ anh sẽ thích thiền định phân tích hơn", Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. Thay vì tập trung vào vật thể đã chọn, Ngài khuyên vị bác sĩ nghĩ về một chuyện ông đang cố giải quyết, một chủ đề mới đọc gần đây hoặc một triết lý nào đó.

"Ngài muốn tôi tách riêng vấn đề ra rồi đặt nó vào trong cái bong bóng lớn, trong suốt", bác sĩ Gupta giải thích. "Với đôi mắt nhắm nghiền, tôi nghĩ về thứ khiến bản thân day dứt mà không thể giải quyết. Khi tôi đặt nó vào trong bong bóng, hàng loạt điều xảy ra bỗng trở nên tự nhiên". Bằng phương pháp thiền phân tích, vấn đề hiện ra rõ ràng đến mức có thể "xoay", "lộn ngược". Theo bác sĩ Gupta, đây chính là một dạng bài tập phát triển khả năng tập trung siêu phàm.

bac-si-trai-nghiem-thien-cung-duc-dat-lai-lat-ma-1

Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận vẫn gặp đôi chút khó khăn khi thiền dù thực hành liên tục 60 năm. Ảnh: beachsun.org.

Trên thực tế, chúng ta thường để các yếu tố cảm xúc không liên quan che đi giải pháp ngay trước mắt gây bực bội khó chịu. Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng con người có thể sử dụng logic và lập luận để định hình vấn đề rõ ràng hơn, bóc tách nó khỏi những cân nhắc không liên quan, xóa tan nghi ngờ rồi làm sáng tỏ câu trả lời. "Phương pháp này đơn giản và hợp lý", bác sĩ Gupta khẳng định. "Quan trọng nhất, nó hiệu quả với tôi".

Làm việc trong lĩnh vực thần kinh, bác sĩ Gupta chưa từng nghĩ một nhà sư Phật giáo có thể dạy cho mình cách thức kết hợp giữa suy luận và tư duy phê phán. Thế nhưng, ông đã thay đổi nhờ Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng lời chỉ dạy của Ngài. "Hơn bao giờ hết, tôi tự tin rằng thiền phân tích phù hợp với cả những người hoài nghi nhất", vị thầy thuốc quả quyết.

Giờ đây, bác sĩ Gupta thiền phân tích mỗi ngày, chủ yếu vào sáng sớm. 2 phút đầu vẫn tương đối khó khăn song ông đã biết tạo ra bong bóng suy nghĩ, để nó trôi nổi và đạt đến "trạng thái trôi chảy". Từ đó, 20-30 phút thiền với ông trôi qua rất dễ dàng. 

Không chỉ thực hành lời Đức Đạt Lai Lạt Ma căn dặn, Gupta còn dành thời gian giảng dạy cho gia đình, bạn bè về nguyên tắc thiền định phân tích. "Đây là món quà tôi muốn chia sẻ nhất. Không chỉ với người thân mà còn với chính bạn", ông kết luận.

Minh Nguyên (theo Vnexpress.net)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày