Thiểu dục, tín, tàm, quý là pháp chưa từng có

Thiểu dục, tín, tàm, quý là pháp chưa từng có
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thiểu dục là muốn ít, sở dĩ người ta khổ vì tham muốn quá nhiều nên người nào biết vừa đủ, vui với những gì đang có thì sẽ thảnh thơi hơn.

Một thời Phật du hóa tại A-la-bệ Già-la, trong Hòa Lâm. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

- Thủ Trưởng giả có tám pháp vị tằng hữu. Những gì là tám? Thủ Trưởng giả có thiểu dục, có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ.

1. Nói Thủ Trưởng giả có thiểu dục, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả tự thân thiểu dục, không muốn để cho người khác biết mình có thiểu dục. Có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ Thủ Trưởng giả tự có tuệ, không muốn cho người khác biết mình có tuệ. Nói Thủ Trưởng giả có thiểu dục, là nhân đó mà nói.

2. Nói Thủ Trưởng giả có tín, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả có lòng tin kiên cố, tin tưởng thâm sâu nơi Như Lai, tín căn đã xác lập, hoàn toàn không theo Sa-môn, Phạm chí, Ngoại đạo, hoặc Thiên, Ma, Phạm và tất cả những người khác trong thế gian. Nói Thủ Trưởng giả có tín, là nhân đó mà nói.

3. Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường hành xấu hổ, điều gì đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ đối với pháp ác bất thiện, phiền não ô uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là nhân đó mà nói.

4. Nói Thủ Trưởng giả có quý, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự hổ thẹn, điều nào đáng thẹn thì biết thẹn, thẹn các pháp ác bất thiện và phiền não ô uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có quý, là nhân đó mà nói.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Vị tằng hữu pháp, kinh Thủ Trưởng giả [II], số 41 [trích])

Thủ Trưởng giả theo chú giải là hoàng tử Hatthaka, con trai của vua xứ Āḷavi. Pháp vị tằng hữu là pháp chưa từng có. Trong kinh chúng ta thường gặp cụm từ “hy hữu, vị tằng hữu” nghĩa là rất hiếm có, chưa từng có và cực khó gặp trong cuộc đời.

Thoạt nghe, ai cũng tưởng các pháp này xuất hiện ở những nơi bí hiểm như trên núi cao hay dưới biển sâu, kỳ thực thì chúng ở trong cuộc đời, ngay bên cạnh mỗi con người. Đó là có thiểu dục, có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ. Trích đoạn này, chúng ta chỉ bàn về bốn pháp vị tằng hữu đầu tiên.

Thiểu dục là muốn ít, sở dĩ người ta khổ vì tham muốn quá nhiều nên người nào biết vừa đủ, vui với những gì đang có thì sẽ thảnh thơi hơn. Ở pháp thoại này, thiểu dục được hiểu theo một góc độ khác, đó là người có tu tập nhưng vẫn khiêm tốn, không muốn cho người ngoài biết mình có tu và thành tựu các thiện pháp. Người luôn dung dị, nhẹ nhàng, không thích thể hiện là mình có tiến bộ đạo đức và tâm linh thật hiếm có, khó gặp.

Người có niềm tin trọn vẹn vào Như Lai (bậc Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn), không đi theo bất cứ ai khác trên thế gian, kể cả chư thiên thì thật sự hiếm có. Người biết hổ thẹn về những việc xấu ác đã làm (tàm) đồng thời sợ hãi về quả báo của những ác nghiệp ấy (quý) cũng rất hiếm gặp.

Đây chính là nền tảng của thiện pháp, gần thì tạo ra thiện nghiệp và phước báo, xa hơn là cơ sở của giới-định-tuệ và thành tựu giải thoát sinh tử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày