Nhân dịp hè, chúng tôi quyết định đến Địa đạo Củ Chi để tham quan. Tại đây, chúng tôi gặp một nhóm du khách đến từ Nhật Bản. Sau khi dùng bữa trưa tại nhà hàng, nhóm du khách trên lên chiếc Inova chờ sẵn. Chiếc xe lao đi, họ để lại trên bàn những thứ rác như: bịch bóng, vỏ dừa, giấy vệ sinh… trông rất mất mỹ quan nơi công cộng. Bỗng chiếc xe quay trở lại, “chắc họ để quên cái gì đó” - tôi thầm nghĩ. Nhưng không! Mấy vị khách người Nhật bước xuống xe, cẩn thận nhặt các loại rác mà họ đã “thải” ra trong bữa ăn bỏ vào thùng trước sự rất đỗi ngạc nhiên của nhiều người rồi mới lên xe đi tiếp.
Mới đây, tôi cho con đến Đầm Sen chơi. Trong lúc đi dạo, thấy mấy người trải bạt, bày biện đồ ăn, vừa ăn họ vừa vô tư xả rác một cách bừa bãi xung quanh mặc dù thùng rác ở cách đó không xa. Thấy vậy, cháu thủ thỉ bên tai tôi nói nhỏ: “Ba ơi! Sao mấy cô, chú đó không thực hiện nếp sống văn minh đô thị!”. “Sao con lại nói vậy?” - tôi hỏi lại cháu. “Các cô, chú ấy vứt rác tùm lum. Chưa bỏ rác vào thùng tức là chưa thực hiện nếp sống văn minh đô thị” - cháu “lý sự” với tôi. Câu mà cháu vừa nói, có vẻ ai nghe cũng thấy “quen tai”, nhưng sao chẳng thấy “quen tay”! Tất nhiên, văn minh đô thị không thuần túy chỉ là việc bỏ rác vào thùng. Hành động bỏ rác vào thùng là một trong những nội dung của thực hiện nếp sống văn minh đô thị! Từ chỗ “nghe quen” đến chỗ “làm quen”, là một khoảng cách quá xa vời.
Trên đường về nhà, khi đến đèn đỏ, tôi không dừng lại mà quẹo phải để đi. Vậy mà cháu cấu vào lưng tôi và gắt lên: “Đèn đỏ, sao ba không dừng lại?”. “Ở chỗ đèn đỏ đó, mọi người đều được phép quẹo phải” - Tôi cố gắng lý giải nhưng cháu một mực phản đối và cho rằng tôi đã vượt đèn đỏ. Theo cháu, thì đó cũng là “chưa thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Thấy cháu lập luận có vẻ “cứng nhắc” như vậy, tôi đành “chịu thua”, xin lỗi con và hứa lần sau không “tái phạm” nữa. Tôi nhớ lại, những năm học ở trường mầm non, cháu đã được tiếp xúc với các loại đồ chơi, trò chơi “giao thông”. Bài hát “giao thông”, mà các cháu thường hát: “… Đèn đỏ thì ta dừng lại, đèn xanh thì ta mới đi, đèn vàng chớ đi nhanh quá…”. Với một đứa trẻ đang học tiểu học, dù chưa thể nhận thức đầy đủ về văn minh đô thị. Việc trẻ em lên án hành động xả rác của người lớn chứng tỏ trong các cháu đã ít nhiều hình thành ý thức về văn minh đô thị. Điều đó chứng tỏ công tác tuyên truyền, giáo dục mọi người thực hiện nếp sống văn minh đô thị đã có hiệu quả, có chuyển biến rõ rệt đối với nhóm… trẻ em. Với trẻ con, mỗi lời nói của cô đều là chân lý và chân lý đó đôi lúc được các cháu tuyệt đối hóa. Song, nếu người lớn không làm gương cho trẻ mà cứ thực hiện ngược lại với những gì cô giáo dạy ở trường đã ít nhiều gây nên những tác dụng ngược trong công tác tuyên truyền, giáo dục trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Những chuyện được xem là rất “nhỏ” như: bỏ rác vào thùng, không phóng uế nơi công cộng, dừng xe đúng vạch, không vượt đèn đỏ… lại rất khó trở thành thói quen đối với một số người. Những câu chuyện trên đã để lại cho chúng ta bài học lớn về ý thức nơi công cộng.