Bạn đang “ăn” thông tin gì?

GN - Giống như ăn thực phẩm, chúng ta cũng “ăn” thông tin. Và cũng như thực phẩm, truyền thông cũng có lành mạnh và không lành mạnh.

angi1.jpg

"Bình yên trong yên lặng" 2012-2017 - Nayda Collazo-Lorens

Bạn có thể chăm sóc cơ thể bằng một chế độ ăn lành mạnh và có đạo đức, đôi khi là những bài tập thể thao. Nhưng bạn đã có ý định nuôi dưỡng tâm trí của mình với cách thức tương tự chưa? Chúng ta ai cũng muốn kiểm soát tâm trí mình, để chế ngự “con khỉ” trong đó. Vì thế nên chúng ta thực hành thiền định và chánh niệm. Nhưng đó không chỉ là vấn đề về ý chí hay kỹ năng. Tâm trí của chúng ta trở thành tương ứng với những gì chúng ta tiếp thu vào nó, và chúng ta cần biết cách nuôi dưỡng và bảo vệ nó.

Khi tôi còn là một nhà báo trẻ làm việc cho BBC News và khi tôi nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng, rằng khi bạn đọc báo, tạp chí hay lướt web, xem phim hoặc các chương trình trên tivi, thậm chí là giao tiếp, bạn đang “tiêu thụ” chúng. Tôi chưa từng có ý nghĩ như thế này trước đây. Tôi nghĩ việc xem tivi, đọc báo, nghe đài, nghe nhạc chỉ là cảm xúc nhất thời và tùy ý. Vấn đề là do cá nhân người xem, người đọc và người nghe cảm nhận theo cách riêng của họ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rất nghiêm khắc về bạo lực: “Khi chúng ta xem tivi hoặc phim ảnh, chúng ta tiếp thu chúng, khi chúng ta lướt web, chúng ta tiếp thu chúng, khi chúng ta nghe nhạc hay giao tiếp, chúng ta tiếp thu chúng”. Tôi nhớ giọng nhẹ nhàng của thầy âm vang qua loa phóng thanh: “Và những gì chúng ta tiếp thu hàng ngày có thể rất độc hại. Nó chứa đựng bạo lực, tham lam, sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng”.

“Tâm trí của chúng ta trở thành những gì chúng ta tiếp thu nó vào, và chúng ta cần biết cách nuôi dưỡng và bảo vệ nó”.

Tôi đã bị sốc. Đột nhiên các trang web, radio, phim ảnh, âm nhạc, thậm chí là giao tiếp với bạn bè thân thiết đều đánh vào tôi như một thứ gì đó rất nghiêm trọng và không còn hời hợt nữa. Có lẽ tôi đã không tự chủ được khỏi chúng như tôi tưởng.

Tôi nhận ra điều đó hoàn toàn đúng. Một khi những hình ảnh, âm thanh, ý tưởng và cảm xúc đi vào tâm trí, chúng vẫn ở đó. Có những cảnh đáng sợ đến từ những bộ phim mà tôi xem từ thời tuổi teen mà 20 năm sau vẫn còn xuất hiện trong tâm trí mình. Có những buổi nói chuyện mà tôi bỏ đi trong sự ghê tởm. Nếu tôi đủ chánh niệm và thành thật, tôi nhận ra chỉ một bản tin cũng có thể kích động những hạt giống của sợ hãi, tuyệt vọng, giận dữ, thù hận, hoặc bất lực sâu trong tâm trí của tôi. Hoặc cách một bộ phim “nuôi dưỡng” sự giận dữ và hung hăng còn ẩn giấu của tôi. Hoặc một đoạn nhạc phát trong siêu thị hay thang máy có thể kích động nỗi buồn, sự tham lam, nhớ nhung hoặc đơn giản là nó làm cho chúng ta vui vẻ hay phấn chấn.

Tôi nhớ đã gặp một học viên đeo tai nghe khi cô đi mua sắm hàng tuần để cô không phải nghe muzak (tiếng nhạc tự động phát tại các nơi công cộng). Cô nói: “Tâm trí của tôi, tôi sẽ lựa chọn những gì tôi đưa vào đó. Cảm ơn cô rất nhiều”.

Có một kiểu tự do để chúng ta lựa chọn sẽ đưa những gì vào tâm trí và những gì không. Nhưng bao nhiêu người trong chúng ta cho phép bản thân mình có sự lựa chọn đó? Khi bạn ngồi trước một chương trình tivi hoặc tin tức, có phải bạn muốn như thế không? Hay bởi vì bạn sợ phải đối mặt với những gì xảy ra bên trong bạn khi bạn tắt tivi hoặc bỏ tờ báo xuống? Ở văn phòng tòa soạn, chúng tôi được huấn luyện với kiểu tin tức “đeo bám” - kiểu tin tức rất khó để từ bỏ.

“Chúng ta có quá nhiều thông tin, nhưng chúng có phải là những thông tin đúng đắn hay không?”, Thiền sư Nhất Hạnh từng nhấn mạnh. Chúng ta tiếp nhận thông tin bao nhiêu giờ mỗi ngày? Những gì được đem vào tâm trí của chúng ta? Có phải là bạo lực, sợ hãi, lo lắng, tham lam, hay tuyệt vọng nuôi dưỡng sự tiêu cực hay là những thông tin nuôi dưỡng hạt giống tích cực?

Chúng ta phải thành thật với chính mình - để kiểm tra tâm trí của mình - không chỉ sau khi chúng ta xem, nghe, đọc thứ gì đó, mà còn trong lúc chúng ta tiếp thu nó. Chúng ta nên tự hỏi mình: Hiện tại tôi cảm thấy thế nào? Tôi thực sự đang “tiêu thụ” thứ gì?

“Đó có thể là thông tin, cũng có thể là sự thừa thãi”.

Chúng ta cần phải nhận biết những khổ đau gây ra bởi sự tiêu thụ tùy tiện. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhắc nhở chúng ta phải ngồi lại và có biện pháp cho những gì mình tiêu thụ. Chúng ta phải có ý định, nói chuyện về vấn đề đó hoặc có kế hoạch cho chính mình là một cá nhân, cặp đôi hoặc gia đình. Bao nhiêu thông tin là đủ, và những thông tin gì?

Sử dụng một trang web chặn các ứng dụng. Tôi thường giới hạn thời gian đọc tin tức mỗi ngày từ 10 phút còn 5 phút và như thế vẫn là nhiều. Nó có thể là thông tin, mặt khác có thể là sự thừa thãi.

Đôi khi chúng ta bị “quá tải” thông tin mà quên mất những điều kỳ diệu của hiện tại. Người thương của chúng ta ở bên kia bàn, tiếng gió trên cây, mây bay trên trời, tiếng chim hót lúc sáng sớm. “Khi bạn ăn sáng, bạn ăn bữa ăn sáng hay là bạn ăn các “dự định” hoặc chương trình radio buổi sáng?” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt vấn đề.

Nếu xã hội của chúng ta tràn ngập bạo lực, theo Thiền sư, cũng là vì trong nước chúng ta tiêu thụ quá nhiều thứ bạo lực từng ngày, trong tất cả những gì chúng ta xem, nghe và đọc. Chúng làm ô nhiễm sự yêu thương và bình an của chính mình.

Quảng cáo được tạo ra để kích thích lòng tham của chúng ta. Để thuyết phục rằng chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi chúng ta sở hữu sản phẩm mới này, sản phẩm mới kia. Có cả một phân ngành nghiên cứu về “sự chú ý” và cách để thu hút nó từ người tiêu thụ. Đi một vòng quanh thành phố, dù chúng ta không muốn tiếp thu, chúng ta vẫn phải tiếp thu bằng cách này hay cách khác.

“Có đúng đắn không, khi cho phép người ta tạo ra những sản phẩm độc hại cho chúng ta và các thế hệ sau? Họ không thể lấy danh nghĩa tự do mà đầu độc chúng ta bằng những sản phẩm phim ảnh, tạp chí, sách báo và trò chơi điện tử”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói.

Chúng ta từng nói đến “tự do báo chí” nhưng còn “tự do tiếp nhận truyền thông?”. Nếu chúng ta mong muốn phát triển một tâm hồn khỏe mạnh và yêu thương, sự tự do đó chúng ta phải tự mình nuôi dưỡng.

Hiền Nghiêm

Vĩnh Hưng chuyển ngữ

(theo Lion’s Roar, tựa của GN đặt lại)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có lời chào mừng đến các vị đại biểu, chư vị khách quý; đồng thời nêu ý nghĩa của Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024. Trưởng lão Hòa thượng cho biết năm 2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX...

Thông tin hàng ngày