Bàn thêm về hai luận điểm của Schumann trong tác phẩm Đức Phật lịch sử

NSGN -  Cuộc đời của Đức Phật là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều nhà nghiên cứu Phật học ở các thời kỳ. Trong những phương cách nghiên cứu và diễn đạt về cuộc đời Đức Phật, có hai xu hướng cơ bản: thần thoại và phi thần thoại hóa. Xu hướng phi thần thoại hóa về lịch sử Đức Phật, đã được ngài Vasubandhu quan tâm từ rất sớm(1). Trong thời cận đại, xu hướng phi thần thoại này đã được nhiều nhà nghiên cứu Phật học tiếp nối, và thể hiện tiêu biểu ở đây, là học giả Schumann với tác phẩm Đức Phật lịch sử(2).

Trong một chừng mực nhất định, tác phẩm này đã cống hiến cho giới nghiên cứu Phật học nhiều quan điểm mới mẻ, táo bạo, gợi mở nhiều vấn đề có ý nghĩa thiết thực về cuộc đời của Đức Phật nói chung. Mặc dù vậy, trong tác phẩm nêu trên không phải không có những quan điểm mà tác giả dường như đã đi quá xa so với sự thật lịch sử. Ở đây, theo khảo sát của chúng tôi, các quan điểm liên quan đến sự kiện Đản sanh và nhập Niết-bàn của Đức Phật, được thể hiện trong tác phẩm Đức Phật lịch sử, là hai vấn đề cần được nghiêm túc thảo luận.

 Luận điểm về bối cảnh Thái tử Siddhārtha đản sanh

The Birth of Buddha from Gandhara, at the Freer Gallery of Art.jpg

Đức Phật đản sinh, phong cách Gandhara, tại Bảo tàng nghệ thuật Freer.

1- Quan điểm của tác giả 

Trong tác phẩm Đức Phật lịch sử, đoạn mô tả về sự kiện Đản sanh của Thái tử Siddhārtha, được tác giả Schumann viết:

Như trong Nidānakathā (Duyên khởi luận), phần giới thiệu truyện Tiền thân hay Bổn sanh (Jātakas) kể câu chuyện thần thoại về Hoàng hậu Māyā đã bốn mươi tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản đã lên đường trở về quê song thân ở  Devadaha để sinh con và nhờ mẫu thân Yasodharā bảo dưỡng. Cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha. Gần làng Lumbinī (Lâm Tỳ Ni, nay là Rumindai) giữa trời không có nhà cửa che chở, chỉ có được tàng cây sāla (tên khoa học Shorea Robusta) và cũng không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản, Hoàng tử ấu nhi Siddhārtha sinh ra đời khoảng tháng năm, năm 563 trước CN. (H.W Schumann, Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan, dịch, NXB. TP.HCM, 2000. tr.40)(3)

2- Trao đổi của chúng tôi 

Thứ nhất, căn cứ vào tài liệu Nidānakathā mà tác giả đã dẫn, chúng tôi không hề tìm thấy bất kỳ đoạn văn nào đề cập đến Hoàng hậu Māyā đã bốn mươi tuổi. Khảo sát các kinh văn liên quan đến cuộc đời của Đức Phật trong năm bộ Nikāya, cũng không thấy đề cập đến tuổi tác của Hoàng hậu Māyā khi mang thai Thái tử Siddhārtha. Theo chúng tôi, câu chuyện về Hoàng hậu Māyā mang thai thái tử  khi đã 40 tuổi hoặc hơn nữa, chỉ xuất hiện trong các kinh có niên đại xuất hiện khá muộn cũng như các bộ luận giải về sau(4).

Thứ hai, chuyến hành trình về quê ngoại để lâm sản của một vị hoàng hậu được mô tả khá ảm đạm dưới ngòi bút của Schumann: Cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha. Đọc kỹ lại văn bản Nidānakathā mà Schumann đã sử dụng, chúng tôi phát hiện thêm thông tin: sau khi hoàng hậu dự cảm về ngày sinh, nên đã xin phép Vua Suddhodana về quê ngoại, thì nhà vua đã cho sửa sang bằng phẳng con đường từ Kapilavatthu đến Devadaha(5). Trong thực tế, việc chỉnh sửa hơn 20km đường giao thông để tiện việc đi lại cũng là điều không quá khó đối với năng lực của một vị vua. Không những thế, cũng theo văn bản Nidānakathā, nhà vua còn chuẩn bị nước uống, trang hoàng cờ phướn và biểu ngữ dọc hai bên đường. Đặc biệt trong chuyến trở về này, hoàng hậu yên vị trong một cái kiệu vàng do một ngàn người thay nhau khiêng (And seating the queen in a golden palanquin carried by a thousand attendants)(6). Cần phải thấy, sự đi lại bằng kiệu do người khác khiêng, là một sự kiện có thực trong lịch sử các triều đại phong kiến ở nhiều nước phương Đông. Ở đây, sự chăm sóc của Vua Suddhodana đối với sản phụ đặc biệt là Hoàng hậu Māyā, là điều hoàn toàn có thể diễn ra trong thực tế.

Việc Hoàng hậu Māyā đản sinh Thái tử Siddhārtha tại vườn Lumbinī là sự kết hợp của nhiều yếu tố(7). Ảnh hưởng từ việc đi lại chỉ là một trong những yếu tố nhưng không phải là yếu tố quyết định. Do vậy, cách suy diễn về việc vận chuyển một hoàng hậu sắp lâm bồn bằng xe bò hay xe ngựa theo tác giả Schumann đã dẫn đến đến việc lâm bồn xảy ra sớm hơn dự kiến, là điều không đúng với tư liệu mà ông đã dẫn (Nidānakathā), và không hợp lý trong sự sắp sếp, lo toan của một vị vua.

Thứ ba, Schumann mô tả thái tử ra đời trong bối cảnh không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản (without medical assistance)(8) cũng là một suy đoán phi lý. Cần phải thấy, vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch, trình độ y khoa tại Ấn Độ đã tiến bộ đến một mức độ đáng kể. Tư liệu luật tạng ghi lại quan ngự y Jivaka không những có khả năng chữa được một số bệnh ngoại khoa cho một số vương quan(9), mà còn thực hiện thành công vài trường hợp phẫu thuật đặc biệt(10). Kinh nghiệm y khoa và các thủ thuật chữa bệnh ghi nhiều dấu ấn trong kinh, luật Phật giáo thuộc văn hệ Pāli(11). Ngay như một người phụ nữ bình thường, trước lúc sinh con đã biết nhờ chồng chuẩn bị cho mình những dược liệu cần thiết, được ghi lại trong kinh Phật tự thuyết,(12) thì không lý nào hoàng hậu của một nước, lại không có được một sự trợ giúp y tế cần thiết trong lúc lâm bồn.

Hơn thế nữa, về phương diện tư liệu khảo cổ, tám bức phù điêu thuộc Phật giáo Gandhara có niên đại từ thế kỷ II-III TL, đã mô tả cận cảnh và chi tiết bối cảnh thái tử đản sanh tại vườn Lumbini. Theo đó, vào thời điểm Hoàng hậu Maya lâm bồn, thì ngoài di mẫu Siddhartha là bà Mahaprajapati luôn túc trực bên cạnh, còn có rất nhiều thành viên của đoàn tùy tùng luôn vây quanh(13).

Tất cả những dữ liệu đó đã minh chứng rằng, trong tầm vóc của một vị vua (Rāja) như Vua Suddhodana, thì điều kiện chăm sóc y tế cho hoàng hậu trong chuyến trở về quê ngoại lâm bồn, là điều hoàn toàn nằm trong khả năng. Với Vua Suddhodana, mọi kế hoạch chuẩn bị cho sự ra đời của hoàng nhi nối dõi, là cả một chuỗi vấn đề mang tính hệ trọng. Trong dòng sự kiện đó, việc cử theo Hoàng hậu Māyā một đoàn tùy tùng đông đảo (he sent her away with a great retinue)(14), mà không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản là điều hoàn toàn không đúng với những toan tính của Vua Suddhodana.

Như vậy, từ ba điểm chúng tôi vừa trình bày, đã cho thấy rằng, các dữ liệu xoay quanh sự kiện đản sanh của Thái tử Siddhārtha theo mô tả của Schumann trong tác phẩm Đức Phật lịch sử, là những suy diễn không phù hợp với thực tế. Trong nguyên tác của đoạn văn trên, Schumann chỉ căn cứ vào tài liệu Nidānakathā mà không dẫn thêm bất kỳ nguồn tài liệu nào làm luận cứ. Vì vậy, sự phóng tác của ông về sự kiện Hoàng hậu Māyā đản sanh Thái tử Siddhārtha, không những không đúng với tài liệu mà ông sử dụng, mà còn không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử.

Luận điểm về bối cảnh Đức Phật nhập Niết-bàn

Indo-Greek Buddhism Gandhara, the death Buddha, 100 - 300 AD.jpg

Đức Phật nhập Niết bàn, nghệ thuật Gandhara.

Với người con Phật, việc Đức Phật nhập Niết-bàn là một sự kiện thống thiết và thiêng liêng. Schumann đã mô tả sự kiện đó theo cách nghĩ đặc thù của chính ông ta. 

1- Quan điểm của tác giả 

Ðoạn văn miêu tả trong kinh điển về lễ hỏa táng mang đầy ấn tượng một quang cảnh hoàn toàn hỗn độn. Trong khi nhóm Tăng chúng ít ỏi chỉ gồm có các Tỳ-kheo Ānanda, Cundaka, Anuruddha, Upavāna, và có thể thêm một vài người nữa, đã nhận được huấn thị của Đức Phật để mọi việc tổ chức tang lễ cho các đệ tử tại gia, tuy nhiên, đám cư sĩ này rõ ràng không đông lắm tại Kusinārā, và không ai cảm thấy thực sự có trách nhiệm cả. Các dấu hiệu thương tiếc theo hình thức vòng hoa và hương liệu quả thực rất dồi dào, nhưng hình như không người nào sẵn sàng chịu phí tổn về số củi dùng cho giàn hỏa táng. Lễ hỏa táng phải được đình hoãn lại từ một ngày đến ngày hôm sau, chuyện kể nó còn kéo dài suốt cả tuần. (H.W. Schumann, Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan, dịch, NXB. TP.HCM, 2000. tr.576)(15).

2- Trao đổi của chúng tôi 

Trong đoạn văn trên của Schumann, có nhiều vấn đề cần phải trao đổi, tuy nhiên, chúng tôi tập trung vào hai vấn đề chính. Thứ nhất, đó là số lượng Tỳ-kheo có mặt trong khi Đức Phật nhập diệt, và thứ hai là trách nhiệm của hàng cư sĩ trong lễ hỏa táng. 

a- Về vấn đề số lượng Tăng chúng

Theo cách diễn đạt của Schumann, thì số lượng Tỳ-kheo có mặt trong khi Đức Phật viên tịch hết sức ít ỏi, chỉ vài mươi vị. Đây là một quan điểm sai lầm vì nhiều lẽ.

 Thứ nhất, trong chuyến hành hương cuối cùng, khi Đức Phật đến Pāvā, một địa điểm cách Kusinārā khoảng 15km thì lúc ấy Tăng chúng có khoảng 500 vị. Đoạn kinh dẫn khởi bài kinh Phúng tụng đã chứng tỏ điều này: Một thời Thế Tôn du hành giữa dân tộc Mallā cùng với đại chúng Tỳ-kheo khoảng năm trăm vị. Ngài đến tại thành của dân chúng Māllā tên là Pāvā và trú tại đấy. Thế Tôn trú tại Pāvā trong rừng xoài của thợ rèn Cunda(16). Đây là cơ sở thứ nhất chứng minh rằng, trong chặng cuối của hành trình xuôi về Kusinārā, Tăng chúng theo Ngài rất đông đảo.

Thứ hai, nếu như tư liệu của bài kinh Phúng tụng chưa chỉ ra chính xác số lượng Tăng chúng có mặt tại thời điểm Đức Phật viên tịch, thì kinh Tăng chi đã làm sáng tỏ điều ấy.

Kinh ghi:

1. Một thời Thế Tôn trú ở Kusinārā, tại Upavattana, trong rừng cây Sālā của dân chúng Māllā, giữa những cây Sālā song thọ, trong khi Ngài sắp sửa nhập Niết-bàn. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Này các Tỳ-kheo, nếu có một Tỳ-kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về Phật, Pháp, chúng Tăng, Ðạo hay con đường thực hành, thời này các Tỳ-kheo, các thầy hãy hỏi đi, sau chớ có hối tiếc: “Bậc Ðạo Sư có mặt trước chúng ta, mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn”.

Khi được nói vậy, các Tỳ-kheo ấy giữ im lặng.

5. Rồi Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, thật kỳ diệu thay! Bạch Thế Tôn, thật hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, con tin rằng, trong chúng Tỳ-kheo này, không có một Tỳ-kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, Ðạo hay con đường thực hành.

- Này Ānanda, thầy có lòng tín thành nên nói vậy. Nhưng ở đây, này Ānanda, Như Lai biết rằng trong chúng Tỳ-kheo này, không có một Tỳ-kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, Ðạo hay con đường thực hành. Này Ānanda, trong 500 Tỳ-kheo này, Tỳ-kheo thấp nhất đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn hướng đến Chánh giác(17).

Như vậy, trong đoạn kinh trên, chính bản thân Đức Phật đã xác quyết có năm trăm vị Tỳ-kheo có mặt trong khi Ngài viên tịch. Với số lượng này, không thể gọi là ít ỏi, theo như cách suy diễn không có cơ sở của Schumann.

b- Về trách nhiệm của hàng cư sĩ trong lễ hỏa táng

Trong những lời dặn dò cuối cùng của Đức Phật, Ngài đã chỉ dạy hàng cư sĩ lo việc hỏa táng thân xá-lợi của Như Lai(18). Đây cũng là điều mà tác giả Schumann nhận ra, nhưng ông đã diễn đạt không đúng với chứng cứ mà kinh điển đã ghi lại.

Trước hết, mặc dù tín đồ Phật giáo chưa phát triển mạnh mẽ tại Kusinārā nhưng không vì vậy mà có thể cho rằng, không có những cư sĩ thuần thành, đầy trách nhiệm, sẵn lòng phát nguyện dấn thân phục vụ tang lễ. Câu nói, không ai cảm thấy thực sự có trách nhiệm cả của Schumann hoàn toàn sai sự thực, đối với những nỗ lực rất đáng được trân trọng của dân chúng Māllā.

Theo kinh Trường bộ, khi hay tin Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, dân Māllā cùng với con trai, con gái và vợ, khi nghe Tôn giả Ānanda nói như vậy liền đau đớn sầu muộn, tâm tư khổ não, kẻ thì khóc than với đầu bù tóc rối, kẻ thì khóc than với cánh tay duỗi cao, kẻ thì khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.

Rồi dân Māllā ở Kusinārā ra lệnh cho những người làm: “Các người hãy gom góp hương, tràng hoa và tất cả nhạc khí ở Kusinārā”.

Rồi dân Kusinārā đem theo hương, tràng hoa, tất cả nhạc khí và năm trăm cuộn vải đi đến Upavattana, tại rừng Sālā của dòng họ Māllā, đến tại chỗ thân xá-lợi của Thế Tôn, rồi chúng ở lại cả ngày tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá-lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương, làm những bảo cái bằng vải và tràng hoa Mandala.

 Với những biểu hiện chí thành đó của dân chúng Māllā, làm sao có thể nói họ là những người không có trách nhiệm trước sự viên tịch của Đức Thế Tôn?

Không những thế, ngoài số lượng đông đảo dân chúng Māllā đang nỗ lực hỗ trợ tang lễ bằng khả năng có thể, thì một đại diện cho những đệ tử tại gia tiêu biểu của Đức Phật, cũng đang hiện diện tại Kusinārā, đó là Bà-la-môn Dona. Theo chú giải của ngài Budhaghosa, một trong những lý do để Đức Phật chọn Kusinārā làm nơi viên tịch, do vì Bà-la-môn Dona đang có mặt tại nơi này.

Theo kinh Tăng chi ghi lại, kể từ khi phát hiện dấu chân đặc thù của Đức Phật trên con đường từ Ukkatthā và Setabbya làm nhân duyên ban đầu để Bà-la-môn Dona quy ngưỡng Tam bảo(19). Không lâu sau đó, Bà-la-môn Dona phát tâm quy y Tam bảo và chính thức trở thành một vị đệ tử tại gia(20).

 Theo tư liệu từ kinh Trường bộ, Dona là vị thương gia có khả năng thuyết phục và ngăn ngừa cuộc va chạm quân sự giữa tám nước, và là người đã đứng ra phân chia xá-lợi của Đức Phật sau khi Ngài viên tịch(21), điều đó đã chứng tỏ uy tín cũng như năng lực của cư sĩ Dona. Câu nói: hình như không người nào sẵn sàng chịu phí tổn về số củi dùng cho giàn hỏa táng tuy chưa phải là sự khẳng định chắc chắn của Schumann, nhưng qua đó thể hiện cho một lối suy diễn thiếu căn cứ.

Cần phải thấy rằng, với một đất nước có truyền thống hỏa táng như Ấn Độ, với khả năng tài chính của một thương gia như Bà-la-môn Dona, với sự mến mộ của số đông dân chúng Māllā, thì việc sắm sửa những vật dụng chuyên dùng cho lễ hỏa táng, không phải là điều quá bận tâm như tác giả Schumann đã nghĩ.

Kết luận

Hai sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật, đó là sự kiện Đản sinh và nhập Niết-bàn. Đối với hai sự kiện trọng đại này, tác giả Schumann đã có một cách nhìn thiếu nghiêm túc. Điều đáng chú ý, khi đưa ra những quan điểm của riêng mình như hai vấn đề mà bài viết đã nêu ra, tác giả Schumann đã không chỉ ra được một nguồn tài liệu khả tín làm luận cứ. Nơi đây, với những cứ liệu có cơ sở kinh điển mà mà chúng tôi minh chứng, đã phần nào cho thấy tác phẩm Đức Phật lịch sử chứa đựng nhiều quan điểm mang tính tư biện. Dĩ nhiên, sẽ rất khó nhận được sự phản hồi của đại diện tác giả từ những phản biện này, do vậy, với phiên bản tiếng Việt của tác phẩm Đức Phật lịch sử, chúng tôi mong rằng, nên chăng cần được cân nhắc biên tập trước khi ấn hành trong những lần tái bản kế tiếp.  

 Chú thích

(1) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 九 冊 No. 1558,  阿 毘 達 磨 俱 舍 論 卷 第 九,   分 別 世 品 第 三 之 二.  Theo tư liệu, trong sự kiện Đản sanh của Đức Phật, ngài Vasubandhu phản bác câu chuyện về voi trắng sáu ngà khai hông bên hữu chui vào, trong giấc mơ của Hoàng hậu Māyā . Theo ngài, Bồ-tát đã thoát ly thân súc sinh từ lâu (菩 薩 久 捨 傍 生 趣 故).  Theo ngài Vasubandhu, câu chuyện về voi trắng sáu ngà chỉ là dấu hiệu của một điềm lành.

(2) H.W. Schumann, Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, NXB. TP.HCM, 2000.

(3) As the Nidānakathā, the introductory narrative to the book of Jātaka (birth-stories) relates in legendary form, Māyā, who was already forty years old, had set out shortly before the birth of her child, to go to the home of her parents in Devadaha, in order to have the child there supported by her mother Yasodharā. The journey in bumpy horse-or ox-cart over hot and dusty roads brought the birth on before Devadaha was reached. Near the village of Lumbinī (now Rummindai), in the open air with no protection but that provided by a Sāl-tree (Shorea Robusta), and without medical assistance, the young Siddhārtha was born in May of the year 563 BC. (H.W. Schumann, The Historical Buddha - The Time, Life and Teachings of the Founder of Buddhism, New Delhi : Motilal Banarsidass, 2004, p.6-8.)

(4) Theo Từ điển Phật học nhân xưng Pāli, ấn bản điện tử, khi hoàng hậu vào khoảng 40 đến 50 tuổi thì mới đản sinh Thái tử Siddhārtha (Vibha.278).

(5) T.W. Rhys Davids, Buddhist Birth stories, New Delhi : Asian Educational Service, 1999, p.150.

(6) Ibid.

(7) Theo quan điểm của chúng tôi, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc lâm bồn ngoài dự kiến, đó là Hoàng hậu Māyā đã mang thai đến tháng thứ 10. Kinh Đại bổn, thuộc Trường bộ, kinh Hi hữu vị tằng hữu pháp, thuộc Trung bộ và văn bản Nidānakathā đều thống nhất cho rằng, Hoàng hậu Māyā mang thai thái tử đúng 10 tháng mới sinh. Theo nghiên cứu của ngành sản khoa, sau tuần lễ thứ 42 của thai kỳ, thai bào phát triển rất khó dự đoán.

(8) H.W. Schumann, The Historical Buddha - The Time, Life and Teachings of the Founder of Buddhism, New Delhi : Motilal Banarsidass, 2004, p.8

(9) Maha Vagga, chương y phục, thứ tám, tụng phẩm thứ nhất, chữa bệnh cho vua Seniya Bimbisāra xứ Magadhā , đoạn 131.

(10) Maha Vagga, chương Y phục, thứ tám, tụng phẩm thứ nhất, Chữa bệnh cho nhà đại phú ở thành Rajagahā, đoạn 132.

(11) Kinh Trung bộ, kinh Magandhiya, số 75; MahaVagga, chương Dược phẩm thứ sáu, tụng phẩm thứ nhì, Cấm mổ xẻ ở chỗ kín, đoạn 57.

(12) Kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết, chương hai, phẩm Mucalinda, Ud.13.

(13) Ihsan Ali - Muhammad Naeem Qazi, Gandharan Sculptures in the Peshawar Museum (Life Story of Buddha). Pakistan : Hazara University Mansehra NWFP, 2008, p.52-56. Tám bức phù điêu mang số hiệu: PM_02729; PM_02725; PM_02727; PM_01960; PM_01922; PM_00416; PM_00723; PM_01207.

(14) T.W. Rhys Davids, Buddhist Birth stories, New Delhi : Asian Educational Service, 1999, p.153.

(15) The Canonical account of the cremation conveys the impression of utter confusion. As the little group of monks, consisting of Ānanda, Cundaka, Anurudha, Upavāna and possibly one or two others, had received instructions from the Buddha to leave his funeral arrangements to his lay followers who, however, were apparently not numerous in Kusinārā, nobody felt really responsible. Tokens of mourning in the flowers and incense came in plenty, but it seems no one was prepared to bear the cost of the wood for the pyre. The cremation was postponed from one day to the next, it is said for a weeks.  (H.W. Schumann, The Historical Buddha - The Time, Life and Teachings of the Founder of Buddhism, New Delhi : Motilal Banarsidass, 2004, p.251).

(16) Kinh Trường bộ, kinh Phúng tụng, số 33.

(17) Kinh Tăng chi, chương bốn pháp, phẩm Không hý luận, kinh Kusinārā.

(18) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, số 16, Tụng phẩm V NXB. Tôn giáo, 2013, tr.329.

(19) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Bánh xe, kinh Tùy chuyển thế giới.

(20) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Bà-la-môn, kinh Bà-la-môn Dona. Các bản kinh Bắc truyền liên quan đều xác tín vị Bà-la-môn này thâm tín Tam bảo.

(21) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phẩm VI.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày