Ban Văn hóa T.Ư làm việc với PG Nam tông Khmer

GNO - Sáng nay, 30-4, tại chùa Chantarangsay (Q.3, TP.HCM) đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: “Đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt Nam” do Ban Văn hóa PG T.Ư và Phật giáo Nam tông Khmer phối hợp tổ chức - nội dung trao đổi về 4 đề án lớn mà Ban Văn hóa đang thực hiện: y phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản.

nam tong 11.jpg


Toàn cảnh buổi tọa đàm về Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam

Quang lâm chứng minh và chủ trì buổi tọa đàm có HT.Thích Trung Hậu, UVTT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa T.Ư; TT.Thích Thọ Lạc, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực ban Văn hóa T.Ư, chủ nhiệm các đề án; HT.Danh Đổng, UVTT HĐTS; HT.Danh Lung, UVTT HĐTS, Phó ban Văn hóa đặc trách PG Nam tông Khmer; HT.Lý Sai Muoth, UV HĐTS; cùng đại diện các học giả, nhà khoa học nghiên cứu về các lĩnh vực ngôn ngữ, dệt may, kiến trúc, di sản tham dự và thảo luận.

Sau phát biểu chào mừng của HT.Danh Lung, TT.Thích Thọ Lạc cho biết, thông qua 4 nhóm chủ đề chính mà Ban Văn hóa đang thực hiện, qua 5 giai đoạn (pháp lý và tổ chức; thống nhất chủ trương các hệ phái; ký kết tổ chức thực hiện; văn bản hóa các kết quả của đề án; ứng dụng đại trà) thì đến nay đang tiến hành giai đoạn thứ 2, trên tinh thần lắng nghe những giới thiệu, cũng như góp ý và kiến nghị để đi đến một văn bản thống nhất cho các giai đoạn tiếp theo.

namtong 1.jpg


HT.Danh Lung giới thiệu về y Nam tông Khmer với màu cam truyền thống

HT.Danh Lung đã lần lượt giới thiệu với đoàn về bốn đề án. Về y phục Phật giáo Nam tông Khmer vẫn tuân thủ truyền thống 3 y-bình bát có từ thời Đức Phật, màu sắc pháp phục chủ đạo là màu cam, bên cạnh đó có những pháp cụ như bình nước, quạt, dù... để phục vụ trong các nghi lễ phù hợp với truyền thống.

Về kiến trúc và di sản thì Phật giáo Nam tông Khmer có kiến trúc xây dựng theo truyền thống của các nước Nam truyền như Campuchia, Lào, Thái Lan… Bên cạnh đó cũng đã phát huy được ít nhiều văn hóa vùng miền trong nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Hòa thượng nói, di sản là một trong những mối quan tâm khi những nơi được trùng tu một cách không quy hoạch, tạo nên sự biến dạng và méo mó trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản vốn có.

namtong 5.jpg


Kiến trúc chính của các ngôi chùa Nam tông Khmer Việt Nam

Còn về ngôn ngữ, theo HT.Danh Lung, vẫn sử dụng ngôn ngữ Pali và Khmer; hiện nay đã dần đưa tiếng Việt vào dạy ở các trường học của người Khmer để có sự trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên cùng vùng lãnh thổ.

Chép kinh trên lá buông là một truyền thống tốt đẹp hiện nay đang được giữ gìn nhưng đã gần như mai một, khi những người thực hiện được hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, HT.Danh Lung bày tỏ.

nam tong 12.jpg


Các pháp cụ như bình nước, quạt, dù... để phục vụ trong các nghi lễ phù hợp với truyền thống

Sau khi lắng nghe đại diện các học giả, nhà nghiên cứu thảo luận, nêu ra những câu hỏi xung quanh các chủ đề, TT.Thích Thọ Lạc mong muốn, chư tôn đức trong hướng tới phải phối hợp với Ban Văn hóa T.Ư, thể hiện những kiến nghị bằng văn bản để dựa trên những điều đó, Ban sẽ trình bày và nêu ra trong hội thảo dự kiến sẽ được diễn ra cuối tháng 5 sắp tới.

Sau khi đề án bằng văn bản hoàn chỉnh, Ban sẽ có buổi làm việc tiếp tục với đại diện Hệ phái, qua đó thống nhất ý kiến chung cũng như thống nhất thực hiện tiếp các giai đoạn còn lại - TT.Thích Thọ Lạc khẳng định.

nam tong 13.jpg
Nhiều chuyên gia về Ngôn ngữ, Bảo tồn, Kiến trúc và Dệt may cùng tham gia tọa đàm

nam tong 14.jpg
Chụp hình lưu niệm sau buổi tọa đàm

>> Tin liên quan: Tọa đàm về nét đặc trưng văn hóa PG Nam tông Kinh ||

 Quảng Hậu - Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày