Bàn về báo hiếu trong Lễ hội Vu lan

NSGN - Mỗi khi tháng Bảy về, hầu hết người Việt Nam và đặc biệt là Phật tử đều có tâm trạng mong muốn thể hiện lòng hiếu kính của mình đối với ông bà tổ tiên thông qua nghi lễ Phật giáo. Lễ hội Vu lan từ lâu đã đi vào lòng người Việt và trở thành lễ hội văn hóa báo hiếu lớn nhất ở Việt Nam.

Trải qua thời gian khá dài, lễ hội dường như chỉ chú trọng vào sự báo hiếu người đã khuất qua hình thức nghi lễ cầu siêu. Kể từ khi lễ “Bông hồng cài áo” được tổ chức rộng rãi, nội dung của lễ hội có sự chuyển biến. Nếu như trước đây nội dung chỉ chú trọng vào cầu siêu người quá cố thì nay nội dung không chỉ dành cho người đã mất mà còn nhấn mạnh đến báo hiếu cha mẹ hiện tiền. Sự chuyển biến này rất tích cực và nó phù hợp với lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ghi lại trong tạng kinh Pali. Bài viết này sẽ đề cập đến sự tích hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên và bàn về cách báo hiếu được ghi trong hai bản kinh và sự áp dụng chúng trong lễ Vu lan ở Việt Nam.

Vu-Lan-bao-hieu2.jpg
Tháng Bảy - ngày rằm tâm linh, mùa báo ân của người con Việt - Ảnh minh họa

Sự báo hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên và lễ Vu lan

Nếu ai có nghiên cứu Phật giáo thì đều biết rằng lễ Vu lan là sự tiếp biến văn hóa bắt nguồn từ Trung Quốc và dần phổ biến ở một số nước theo Phật giáo Đại thừa, trong đó có Việt Nam. Người ta không tìm thấy nguồn gốc lễ Vu lan trong các kinh Pali và do đó cũng không có lễ này ở các nước theo Phật giáo Nam truyền. Tuy nhiên, trong tạng kinh chữ Hán bản kinh Vu lan bồn được tìm thấy. Cho đến nay, chưa ai có thể nói chính xác tác giả của bản kinh, ngoại trừ đều đồng ý rằng do các Tổ phương tiện biên soạn theo tinh thần Phật giáo tín ngưỡng(1). Về nội dung, mặc dù lễ Vu lan được giải thích có nhiều ý nghĩa nhưng mục đích chủ yếu của nó là nhấn mạnh đạo hiếu thông qua tấm gương hiếu thảo của Đức Mục Kiền Liên được ghi trong bản kinh này.

Theo kinh Vu lan bồn, Tôn giả Mục Kiền Liên cứu được mẹ phần lớn nhờ tha lực của chư Tăng. Bản kinh kể rằng Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông thấy mẹ bị đọa làm quỷ đói. Ngài cố gắng tìm phẩm vật dâng cho mẹ để bà ăn đỡ đói khát. Tuy nhiên, ngài không thể giúp mẹ được vì tâm bỏn xẻn của bà quá lớn. Do đó, ngài trở về bạch Phật chỉ phương pháp cứu mẹ. Đức Phật dạy (theo bản kinh này) là phải cung thỉnh các Thánh tăng khắp nơi vân tập lại một trú xứ để dâng phẩm vật cúng dường. Nhờ sự cúng dường và nhờ thần lực chú nguyện của chư Tăng mà cha mẹ ông bà bảy đời được siêu thoát, cha mẹ và bà con hiện tiền cũng tăng phước báu. Đức Mục Kiền Liên tuân theo lời dạy trên nên cứu được mẹ và từ đó pháp báo hiếu ấy được truyền bá cho hàng Phật tử hành trì.

Tuy nhiên, Đức Mục Kiền Liên là một nhân vật lịch sử sống trong nền văn hóa hiếu thảo hiện tiền. Theo lịch sử, ngài thuộc dòng Bà-la-môn. Cha mẹ ngài đều thuộc dòng dõi Bà-la-môn giàu có và danh giá(2). Nguồn sử liệu Pali không đề cập đến sự kiện mẹ của ngài mất và tái sinh làm quỷ đói và được Ngài cứu độ. Chúng ta nên chú ý rằng nền văn hóa Ấn Độ nhấn mạnh sự báo hiếu hiện tiền hơn là sau khi mất như văn hóa Trung Quốc. Chính Đức Phật báo hiếu cha bằng cách thuyết pháp cho ông trước khi ông mất nhằm giúp ông chuyển hóa tâm thức để được tái sanh cảnh an lành theo nghiệp thức (có thuyết nói ông chứng quả A-la-hán trước khi qua đời). Với mẹ, người ta cho rằng Đức Phật đã lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho bà. Có lẽ, đây thuộc về niềm tin hơn là thực tế. Sống trong môi trường với văn hóa chủ trương báo hiếu phải thực hiện ngay hiện đời và học tập tấm gương báo hiếu của Đức Phật, Mục Kiền Liên không thể chờ cha mẹ mất mới báo hiếu và trong trường hợp họ đã qua đời ngài cũng đủ thần lực và trí tuệ để thuyết phục cha mẹ chuyển nghiệp?

Từ một nhân vật lịch sử, Đức Mục Kiền Liên được thổi thêm vào những yếu tố siêu nhiên và do đó sự hiếu thảo của ngài cũng mang đậm tính siêu hình. Mục Kiền Liên là một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật và được phong cho là người có thần thông bậc nhất trong hàng đệ tử Phật. Với khả năng đặc biệt này, việc dàn dựng cảnh ngài tìm mẹ đang ở đâu là một kịch bản logic (thật ra các vị A-la-hán có thể làm được điều này bằng cách nhập định quán chiếu - thiên nhãn thông)(3). Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở đây là thần thông của Mục Kiền Liên không bị cường điệu hóa như là thần thánh hay thượng đế có khả năng chuyển hóa nghiệp lực của người khác dù đó là cha mẹ. Điều đó cho thấy giáo lý nghiệp của đạo Phật được các nhà hoằng pháp tuân thủ đúng theo nguyên lý của nó. Nhưng vấn đề làm người ta thất vọng là một người chứng đắc thần thông như thế lại không đủ khả năng giúp một người thân chuyển hóa nghiệp thức của họ mà phải nhờ đến một Tăng đoàn gồm cả Đức Phật và Thánh tăng mới độ được một người. Sự kiện này có vẻ mâu thuẫn với những lời dạy của Đức Phật và chính bản thân Ngài.

Theo đạo Phật, nghiệp luôn hoạt động theo nguyên lý của nó. Nghiệp của ai thì người đó phải chuyển hóa chứ không thể được chuyển hóa bởi người khác, ngoại trừ sự trợ giúp. Ví như việc học thì tự mỗi người phải học lấy chứ không thể nhờ người khác học thay. Dù sự trợ duyên rất quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là chủ nhân của nghiệp. Sự thăng trầm của một con người đều do chủ nhân của nó quyết định chứ không phải Thượng đế. Liên hệ đến trường hợp mẹ của Mục Kiền Liên, giả sử bà bị đọa vào cảnh quỷ đói thì để siêu thoát cảnh ấy chính bà phải chuyển hóa tâm thức của mình. Chuyển hóa tâm tức là biểu hiện của sự giác ngộ tỉnh thức của tâm khi vị ấy nhận ra nghiệp thiện ác và có chiều hướng theo đường thiện. Việc trợ duyên để chuyển hóa tâm thức một người có lẽ không cần đến quá nhiều Thánh tăng mà thông thường chỉ cần một vị đạo sư hữu duyên. Không lẽ Phật không biết ai hữu duyên trong trường hợp này. Do đó, sự kiện cần một Tăng đoàn để độ một chúng sanh ngạ quỷ có thể chấp nhận được nếu ta đặt nó trong bối cảnh đặc biệt nào đó với dụng ý khuyến khích tín đồ cung dưỡng để duy trì Tăng đoàn nói riêng và Phật giáo nói chung.

Qua hình ảnh Mục Kiền Liên lịch sử và Mục Kiền Liên trong kinh Vu lan, chúng ta nhận thấy có sự khác biệt rất lớn. Mục Kiền Liên lịch sử là một A-la-hán có thần thông bậc nhất nhưng vẫn là đệ tử thứ hai sau ngài Xá Lợi Phất. Kinh điển thuộc tạng Pali không đề cập đến sự báo hiếu của ngài nên ta không biết Ngài đã độ cha mẹ thế nào. Trong khi đó, Mục Kiền Liên trong kinh Vu lan được tôn kính là một vị Bồ-tát hiếu thảo và được tín chúng biết đến nhiều hơn là ngài Xá Lợi Phất. Đáng tiếc, sự hiếu thảo của ngài lại bị giới hạn trong cách thức thụ động. Nghĩa là, ngài phải cần tha lực cầu nguyện của Thánh chúng để độ mẹ thay vì chính bản thân ngài hướng đạo cho mẹ. Có người hỏi rằng, người khất sĩ lúc bấy giờ chỉ có ba y và bình bát thì làm sao có thể sắm sanh phẩm vật để cúng dường cho Tăng đoàn? Nếu không cúng dường thì làm sao mẹ siêu thoát và nếu nhờ người khác cúng thì phước đâu thuộc về ngài. Hơn nữa, tư tưởng nhờ tha lực cầu nguyện cũng mâu thuẫn với tư tưởng “nhất nhân thành đạo cửu huyền thăng”(4) vốn xuất phát và thịnh hành ở Trung Quốc. Phải chăng Mục Kiền Liên được nói trong kinh Vu lan là một Bồ-tát hóa thân và là biểu tượng để kinh nhắm đến đối tượng chính là người cư sĩ? Người cư sĩ bố thí cúng dường là hợp lời Phật dạy. Phật giáo Trung Quốc đã xây dựng nhiều hình tượng Bồ-tát thì việc xây dựng hình tượng Bồ-tát Mục Kiền Liên cũng là điều bình thường. 

Báo hiếu theo hai bản kinh và sự áp dụng chúng trong lễ Vu lan ở Việt Nam

Vào mùa Vu lan, hai bản kinh được chọn trì tụng thường xuyên là kinh Vu lan bồn (1) và kinh Báo đáp công ơn cha mẹ (2). Qua hai bản kinh, chúng ta học được một số phương pháp báo hiếu. Nếu bản kinh một chỉ nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên thông qua việc tìm mẹ thì bản kinh thứ hai kể rất chi tiết những nỗi khổ của người mẹ và các hành vi bất hiếu của những người con. Tuy vậy, cả hai bản kinh đều có điểm chung là nhấn mạnh phương pháp báo hiếu bằng cách cúng dường Tam bảo hay cụ thể là cúng dường chư Tăng. Ngoài phương pháp này, bản kinh thứ hai còn nêu thêm một số điều cần thiết để bổ sung cho việc báo hiếu bao gồm phải truyền bá kinh điển, ăn năn tội lỗi đã làm, tu phước, và đặc biệt là quy y Tam bảo và giữ gìn năm giới.

Từ bản kinh thứ hai, chúng ta có thể rút ra hai hình thức báo hiếu. Thứ nhất là tạo phước bằng cách cúng dường Tam bảo, tụng kinh, truyền bá kinh điển và làm các công đức khác. Thứ hai là quy y Tam bảo, giữ gìn các giới đã thọ. Một người con có đạo đức (quy y và giữ giới) và có lòng từ bi thể hiện qua việc tu phước chắc chắn là một người con hiếu thảo xét về phương diện cá nhân tự lập. Người con không làm cha mẹ lo âu, buồn phiền còn đem lại niềm vui cho cha mẹ từ danh thơm tiếng tốt của mình thì rõ ràng đã báo hiếu phần nào. Hơn nữa, trong xã hội có nhiều đứa con hư đốn, gây khổ đau cho cha mẹ thì những đứa con biết tự lo và làm an lòng cha mẹ quả là rất quý. Nếu người con còn biết tụng kinh, tạo phước rồi cầu nguyện cho cha mẹ thì người ấy đáng được tán dương hơn. Rõ ràng, các cách báo hiếu vừa nêu là tích cực nhưng đó chỉ là cách gián tiếp và chủ yếu nhấn mạnh hiếu kính đối với người đã khuất. Cách báo hiếu trực tiếp đối với cha mẹ hiện tại được dạy trong tạng kinh Pali chưa được đề cập.

Do ảnh hưởng của hai bản kinh trên nên các hoạt động và nghi thức báo biếu trong lễ Vu lan chủ yếu là cầu nguyện. Nhà chùa chú trọng phục vụ nhu cầu cầu siêu “cửu huyền thất tổ” và chẩn thí cô hồn thông qua các nghi thức cúng bái. Các hoạt động nhấn mạnh báo hiếu cha mẹ hiện tại ít được đề cập. Về phía tín đồ, đa phần đến chùa tụng kinh, cúng dường, tạo phước nhằm cầu siêu cho ông bà cha mẹ đã khuất như kinh đã ghi. Cầu nguyện và trông chờ sự mầu nhiệm từ Tam bảo, và từ thần lực chú nguyện của chư Tăng trở thành tâm điểm trong lễ hội. Dĩ nhiên, sự cầu nguyện dựa trên tinh thần nhân quả là tích cực nhưng nó chưa phản ảnh được giá trị cốt lõi lời dạy của Đức Phật.

Vu-Lan-bao-hieu.jpg


Mùa cài hoa hồng

Đến khoảng thập niên 60 trở đi, sau khi nghi thức “Bông hồng cài áo” được giới thiệu nội dung của lễ Vu lan có bước tiến rất tích cực. Bên cạnh việc thực hiện các nghi lễ cầu nguyện cho người đã khuất, việc báo hiếu cho cha mẹ hiện tiền bằng những hành động cụ thể được nhấn mạnh. Hình ảnh bông hồng như là một biểu tượng về sự còn hay mất của mẹ. Nhận một bông hồng và đeo trên áo, người con ý thức rằng ta còn mẹ, còn cha để được vui sướng và hạnh phúc; hay là ta biết rằng mẹ đã đi rồi và ta cần làm gì đây! Cảm nhận được niềm vui sướng khi còn có cha mẹ là nền tảng để người con thể hiện hiếu kính và hiếu dưỡng ngay hiện tại. Cho nên, trong buổi lễ Vu lan, ngoài việc giải thích ý nghĩa lễ cài bông hồng chư Tăng Ni thường nhắc lại công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và giảng giải phương cách báo hiếu theo tinh thần Phật giáo.

Báo hiếu cha mẹ trong hiện tại được Đức Phật dạy trong nhiều bài kinh với cách thức cụ thể. Kinh Giáo thọ Thi La Ca Việt (Singalovada) liệt kê năm bổn phận của người con trong đó điều đầu tiên là nuôi dưỡng cha mẹ. Trong kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Triền cái, Đức Phật dạy người con phải cung kính, tôn trọng, cúng dường cha mẹ với những lễ phẩm tạo ra bằng sự nỗ lực hợp pháp. Kinh Tăng chi cũng ghi: “Muốn trả ơn cha mẹ đầy đủ thì người con phải khuyến khích hướng dẫn họ an trú vào lòng tin nếu họ chưa có lòng tin; an trú vào thiện giới nếu họ tin theo ác giới; an trú vào bố thí nếu họ xan tham; và an trú vào trí tuệ nếu họ theo ác tuệ (chương 2, phẩm tâm thăng bằng). Kinh Phước đức (Điềm lành) còn nhấn mạnh thêm rằng: “Được cung phụng cha mẹ… là phước đức lớn nhất”. Tất cả những lời dạy vừa nêu đều nhấn mạnh sự hiếu thảo phải được thể hiện trực tiếp và ngay hiện tại chứ không đợi chờ đến khi cha mẹ khuất bóng.

Lời kết

Báo hiếu là bổn phận, trách nhiệm, và cũng là pháp thực hành nên nó đã trở thành đạo hiếu. Tuy nhiên, hiếu thảo là một đề tài gây nhiều tranh cãi bởi quan niệm về nó không đồng nhất trong các nền văn hóa khác nhau. Có nơi chú trọng báo hiếu lúc cha mẹ hiện tại, có nơi chú trọng lúc qua đời và có nơi thì chú trọng cả hai. Báo hiếu theo hai bản kinh vừa nêu nhấn mạnh đến người khuất hơn người đang sống. Do đó, suốt một thời gian dài ở Việt Nam lễ Vu lan được tổ chức theo quan niệm này. May thay, nội dung và hình thức của lễ hội đã được bổ sung và điều chỉnh phù hợp trong thời gian gần đây. Phương pháp báo hiếu cha mẹ hiện tiền được Đức Phật dạy trong kinh tạng Pali được giới thiệu vào trong lễ hội nên nó mang đầy đủ ý nghĩa hơn. Hy vọng, lễ Vu lan sẽ bớt dần tư tưởng nặng về Nho giáo, từng bước cân bằng quan niệm báo hiếu của hai nền văn hóa (Nho giáo và Phật giáo) và hướng đến cách báo hiếu gần với giáo lý căn bản của Phật giáo hơn. 

Thích Hạnh Chơn

________________

(1) Nhiều người cho rằng kinh Vu Lan bồn có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng gần đây một học giả người Nhật cho rằng kinh này được biên soạn vào giữa thế kỷ thứ VI ở Trung Quốc, xem (http://en.wikipedia.org/wiki/Ullambana_Sutra).

(2) Hellmuth Hecker, Maha Moggallana, http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/hecker/wheel263.html#ch1.

(3) http://www.hoalinhthoai.com/buddhistdictionary/detail/char-1735/.html.

(4) Câu này có nghĩa là một người thành đạo có thể giáo hóa được dòng họ bà con cô bác... Nhờ sự giáo hóa mà họ dần dần chuyển hóa, tu tập nên đạt được kết quả tùy theo khả năng tu hành (siêu thăng).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày