Báo Giác Ngộ làm tròn sứ mệnh của mình qua gần nửa thế kỷ

Nhà báo Trần Trọng Dũng chia sẻ về vai trò của báo Giác Ngộ trong báo giới thành phố - Ảnh: Tuấn Anh
Nhà báo Trần Trọng Dũng chia sẻ về vai trò của báo Giác Ngộ trong báo giới thành phố - Ảnh: Tuấn Anh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM đã có những cảm nhận và chia sẻ về vai trò của báo Giác Ngộ trong báo giới thành phố.

Vai trò đặc thù của Báo Giác Ngộ

Việc quy hoạch báo chí của Chính phủ nhằm sắp xếp lại hệ thống cơ quan báo chí trên toàn quốc, qua đó phát huy hiệu quả của các cơ quan báo chí phục vụ cho kỷ nguyên số, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả và phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Tại TP.HCM hiện nay có 28 cơ quan báo chí, dự kiến sau khi quy hoạch chúng ta sẽ có 19 cơ quan báo chí, trong đó có 9 cơ quan báo và 10 tạp chí. Hội Nhà báo TP.HCM cũng có tham gia cùng với các cơ quan liên quan nhằm thực hiện kế hoạch quy hoạch báo chí. Với báo Giác Ngộ ngay từ đầu, lãnh đạo TP, cùng với lãnh đạo Trung ương, Chính phủ đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo Giác Ngộ, cùng với tờ báo Công Giáo Dân Tộc, là hai tờ báo của hai tôn giáo lớn của TP.HCM.

Riêng báo Giác Ngộ là tờ báo có mặt ngay từ những ngày đầu sau thống nhất đất nước, tôi cho rằng, không có một địa phương nào giống như ở TP.HCM có hai tờ báo tôn giáo như vậy.

Đánh giá của TP cũng như độc giả về báo Giác Ngộ rất tốt, bởi vì tờ báo luôn luôn đáp ứng được tôn chỉ của mình về Đạo pháp và Dân tộc, những nội dung, chuyên mục gắn liền với đời sống hàng ngày, đời sống tâm linh, đáp ứng được nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử, tín đồ trong nước cũng như nước ngoài. Bên cạnh đó, báo Giác Ngộ cũng tuyên truyền chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng với các tổ chức, tầng lớp tham gia vào nhiều hoạt động của TP.

Đặc biệt, Tăng Ni, Phật tử nói chung và thành phố nói riêng gởi gắm sự tin cậy, niềm tin qua các hoạt động thiện nguyện, từ thiện xã hội; có thể nói hoạt động này, báo Giác Ngộ đi đầu trong các tờ báo của TP. Thật sự, báo Giác Ngộ đã làm tròn sứ mệnh của mình qua gần nửa thế kỷ.

Tôi nghĩ rằng, sau quy hoạch đương nhiên TP sẽ yêu cầu các cơ quan báo chí cải tiến, tính toán về các mặt để làm sao đáp ứng được nhu cầu mới. Tôi hy vọng, với truyền thống gần nửa thế kỷ đồng hành với Tăng Ni, Phật tử, người dân TP, báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh của mình, đáp ứng được niềm tin của độc giả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Giác Ngộ là tờ báo có mặt ngay từ những ngày đầu sau thống nhất đất nước, tôi cho rằng, không có một địa phương nào giống như ở TP.HCM có hai tờ báo tôn giáo như vậy. Đánh giá của TP cũng như độc giả về báo Giác Ngộ rất tốt, bởi vì tờ báo luôn luôn đáp ứng được tôn chỉ của mình về Đạo pháp và Dân tộc, những nội dung, chuyên mục gắn liền với đời sống hàng ngày, đời sống tâm linh, đáp ứng được nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử, tín đồ trong nước cũng như nước ngoài".

- Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM

Nội dung của tuần báo, Giác Ngộ online rất “sát sườn”

Cảm nhận của tôi về nội dung của tuần báo Giác NgộGiác Ngộ online là rất “sát sườn” trong nhiều vấn đề gắn với đời sống Tăng Ni, Phật tử, người dân TP. Các chuyên mục như Phật học, được viết rất dễ hiểu để bạn đọc không chỉ là giới nghiên cứu mà độc giả bình thường cũng có thể hiểu được. Hay, nhiều bài viết về Đức Quán Thế Âm, khóa tu thiền được lồng trong đó cách ứng xử, giáo dục đạo làm người. Đặc biệt, nếu giới trẻ đọc được sẽ rút ra những trải nghiệm tốt cho chính mình về sức khỏe, tính cộng đồng và cả tâm linh.

Những tác phẩm của Giác Ngộ TV, theo tôi đã thể hiện tốt ở góc độ chuyên môn, có sự sinh động phù hợp với tờ báo và xu hướng làm báo đa phương tiện hiện nay. Ngoài ra, một số mục như tư vấn, xã hội… rất bổ ích và không trộn lẫn vào đâu được. Báo Giác Ngộ có giới độc giả riêng, đặc thù riêng, có thể nói là một cơ quan báo chí “chủ soái” trên lĩnh vực thông tin về Phật giáo. Báo Giác Ngộ chính là nét đẹp trong làng báo chí đa dạng của TP, đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng, đa màu của độc giả TP.

Cần làm tốt thế kiềng ba chân

Chúng ta đang ở trong thời đại kỷ nguyên số, sự phát triển về công nghệ, đặc biệt là internet. Công nghệ về truyền thông đang làm thay đổi cách làm báo cũng như cách tiếp nhận thông tin của độc giả. Và, chúng ta cũng thấy được xu hướng báo in hình như đang có chiều hướng suy giảm, có người cho rằng đó là sự “cáo chung” của báo in và sự lên ngôi của báo điện tử hay là mạng xã hội…

Phải nhìn nhận rằng, thực tế là cách tiếp nhận thông tin của bạn đọc bắt đầu thay đổi, đặc biệt là giới trẻ. Định hướng hiện nay của Bộ Thông tin-Truyền thông, cũng như lãnh đạo TP, lãnh đạo các tòa soạn đang chuyển đổi cách thức làm báo, sao cho đáp ứng được các yêu cầu thông tin cho bạn đọc với các yếu tố phải nhanh, chân thực, có ý nghĩa xã hội, phục vụ cho lợi ích đa số của cộng đồng…

Tất cả những điều đó, đặt lên vai những người làm báo ba vấn đề. Tôi cho rằng, báo Giác Ngộ cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Một là, nâng cao trình độ nguồn nhân lực phóng viên, biên tập viên để làm chủ công nghệ, cảm xúc trong nghề và bản lĩnh về chính trị, giữ vững quan điểm, tìm tòi chọn lọc đề tài trong lúc thể hiện bài báo, đáp ứng được các kỹ năng về làm báo hiện đại, kỹ năng tương tác với độc giả…

Thứ hai, đương nhiên các cơ quan báo chí nên cải tiến công nghệ, từ hình thức tờ báo cho đến cách thể hiện, các nền tảng số... Cụ thể, như Giác Ngộ online phải tính toán sao cho hấp dẫn bạn đọc, có sự tương tác mạnh với độc giả, đặc biệt với giới trẻ, đối tượng mà báo Giác Ngộ còn hạn chế.

Thứ ba, đó là làm tốt công tác kinh tế báo chí, trong điều kiện các tờ báo phải tự chủ về tài chính. Với cách làm báo của mình, cơ quan báo chí sẽ phải tạo ra những nguồn thu phù hợp với quy định của Nhà nước, pháp luật để tái tạo sản xuất, đồng thời để tờ báo phát triển phù hợp với xu thế thời đại. Như vậy, ba nhiệm vụ đấy như thế kiềng ba chân, nếu làm tốt thì tờ báo sẽ phát triển vững mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày