Bất ngờ một Sài Gòn rất khác

Đoạn gần cầu Công Lý - quận 3
Đoạn gần cầu Công Lý - quận 3
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhiều người đã rời TP.HCM bất chấp phương tiện, kể cả việc đánh đổi hiểm nguy có thể xảy ra khi di chuyển theo từng dòng xe gắn máy để về được quê nhà, để "trốn" dịch tại TP khi dự báo vẫn chưa đạt đỉnh, ca nhiễm vẫn tăng ở 4 con số hàng ngày.

Chiều nay, nói chuyện với Th., một thanh niên miền Trung mới lập nghiệp bằng nghề sửa xe gắn máy, có vợ và 2 con nhỏ, anh mếu máo trong hạnh phúc: "Vợ và con của em đã về được tới quê rồi, chuẩn bị đi cách ly. Mừng quá! Em thì sao cũng được, giờ "hốt" đi đâu thì theo đó..."

Với Th., an toàn cho vợ con anh lớn hơn rất nhiều an toàn cho chính chàng thanh niên này. Điều đó dễ cảm thông và quý đối với một người lao động như anh: thuê nhà vừa làm quán sửa xe, vừa làm chỗ ở cho 4 người, vợ đang ở nhà nội trợ vì con còn quá nhỏ. Gần 2 tháng nay, thu nhập không như trước, có chút dành dụm đã mang ra trang trải, nhất là lúc người vợ không may là F0, dù không triệu chứng vẫn tập trung cách ly tới 23 ngày.

Anh và con là F1, nên cửa đóng then cài cả tháng nay.

Nhờ may mắn đăng ký được suất đi bằng máy bay theo chương trình tỉnh tổ chức đón con em ở TP.HCM về quê nhà trong lúc dịch dã đang rất phức tạp, anh đã hạnh phúc dù có chút bùi ngùi, "em thì sao cũng được"...

Trong chiều này, trên đường từ nơi làm về chỗ ở, không vội vã, đường thưa thớt, đến góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu, tôi chợt lặng người, tấp xe vào một góc đứng nhìn con đường quen thuộc mỗi ngày đi qua, hôm nay sao mà lung linh, như chưa từng thấy.

Cũng ráng nắng yếu xuyên qua một số đám mây cuối chân trời thành phố, phủ một lớp ánh sáng trong lên một vùng, soi con đường thênh thang, hàng cây xanh mà cũng tầm giờ này, vào ngày thứ Hai như vậy trong tuần, tôi chưa bao giờ được nhìn thấy vì phải chen từng centimet để lách bánh xe. Một quãng đường chỉ chừng gần 4 cây số, nhưng chưa bao giờ tôi dám hẹn giờ, vì đôi khi chậm còn hơn cả đi bộ.

Những con đường TP.HCM hôm nay, vào lúc này, trước lúc mà người ta nói quá là "giới nghiêm", cây được rung rinh, yên ắng, đẹp thật.

Hình như là năm trước, anh Nguyễn Tường Bách đang sống tại Đức trong câu chuyện về biến cố thế kỷ do virus Corona đã làm cho thế giới điêu đứng. Tuy nhiên, tôi thích thú ở cái nhìn khác, mặt kia của hiện tượng này, khi anh chia sẻ:

"Thiên nhiên vốn rộng lòng. Một điều thú vị hiếm hoi trong thời kỳ này là thông tin về bầu không khí tại Vũ Hán và dòng nước xanh tại Venise (Ý). Chỉ sau vài tuần vắng bóng công nghiệp, bầu trời Vũ Hán vô cùng trong xanh như không ảnh cho thấy, so sánh với thời gian trước đó đen kịt một màu. Tại Venise, thủ đô du lịch của Ý, nơi mà du khách chê trách chất nước ngầu đục hôi hám trong các kênh rạch, cũng sau vài tuần vắng người, dòng nước xanh trong đã hiện ra, nhìn đến đáy, với cơ man nào là cá".

Ai nói TP.HCM không khói bụi mịt trời? Ai nói Sài Gòn quá ồn ào, quá huyên náo và mất trật tự? Hãy nhìn con đường này, góc phố kia..., vẫn TP.HCM đấy, vẫn là Sài Gòn đó, nhưng trầm tĩnh và nên thơ.

Trong Phật giáo có câu nói quen thuộc "Phiền não tức Bồ-đề", phiền não cũng chính là giác ngộ, hay thiền sư Nhất Hạnh thường ví rác là hoa, bùn là sen... là vậy. Không thể có hạnh phúc nếu không trải nghiệm khổ đau, tìm sự giải thoát ngoài thế gian này là chuyện như đi tìm lông rùa sừng thỏ, những thứ không thể có.

Ngắm những con đường trước giờ "giới nghiêm" do dịch Covid-19, tôi chợt nghêu ngao ca từ của Trịnh Công Sơn "yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ"...

Là người có những kỷ niệm, gắn bó với TP.HCM, Sài Gòn, bạn hãy chia sẻ những cảm nhận về nơi này trong những ngày hạn chế ra đường để giữ an toàn cho bản thân và giúp kiểm soát dịch bệnh, mạnh dạn bày tỏ và chia sẻ bằng cách bình luận vào bên dưới bài này, hoặc gửi vào email: onlinegiacngo@gmail.com.

Toà soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày