Bất thối trên bước đường tu

GN - Giữa tháng 7 vừa rồi, trong ngày tu tĩnh tâm tại thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Ni (Long Thành, Đồng Nai), Ni sư trụ trì Thích nữ Hạnh Chiếu đã nói về ý nghĩa và lời nguyện đi trên con đường sáng, để không thối chuyển (không thoái lui, bất thối).

Muốn không thối chuyển phải biết rõ những nguyên nhân của thối chuyển. Cách giải quyết vấn đề, trị bệnh của Phật giáo luôn như vậy, tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ (Tập đế).

a gui dien 2.jpg


Phật tử về các thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm tu tập mỗi Chủ nhật hàng tuần, trong đó, Trí Đức Ni vào Chủ nhật của tuần thứ 2 của tháng

Ni sư Hạnh Chiếu dí dỏm bắt bệnh của nhiều người: “Có khi đã thấy đường sáng, đang đi nhưng cũng bị ‘vớt’ lên như thường”. Con đường mà Ni sư nói chính là từ “bến mê” qua “bờ giác” của những người học Phật, tu Phật.

Ni sư nhắc lại lời Phật dạy, rằng có những người đang đi trên đường sáng nhưng bị thối lui bởi những đúng/ sai, bên này/ bên kia. Ví dụ như thầy mình luôn đúng, pháp môn mình tu là trên mọi pháp môn... Từ đó có phân biệt, chấp pháp, thành ra bị bị “chặn” lại. Chính mình chặn con đường mình đi vì sự phân biệt đó.

Cái thứ hai nhiều người mắc, đó là cái vui của 5 món dục trói buộc, chi phối khiến mình không tiếp tục hoặc hẹn lần hẹn lữa với chuyện tu hành. “Như hôm nay về Trí Đức tu nhưng có cuộc rủ rê của bạn cũ, đồng nghiệp là Phú Quốc đẹp lắm, đi chuyến này vui lắm. Thế là bên trong bàn soạn, à, tu thì tháng nào cũng tu, chuyến đi này thì lâu lâu mới có một lần. Rồi bỏ tu đi chơi, phải hông?”.

Cả hội trường trên 500 người ai cũng tủm tỉm cười, có lẽ bị “bắt bài”, mà cũng có thể vì thấy Ni sư sao cứ như đi vào gan ruột mình thế không biết.

Theo Ni sư, nói ngũ dục là khổ họa thôi không đúng, cũng có vui đó chứ. “Đi chơi, đi ăn, đi hát hò... có cái vui của nó, nếu không thì ai tìm tới làm chi, nhưng sau cái vui đó là cái khổ, hết những điều kiện đó thì không còn vui nữa”. Theo đó, hễ còn công việc, còn đi chơi, còn tiền đi chơi mới vui, mất những thứ đó thì còn vui được không? Người học đạo thì kiến tạo cái vui không bằng những điều kiện đó. Vì thế, người tu càng già, càng lớn tuổi, càng buông bỏ, càng dễ chịu thì càng có giá trị, càng thấy vui. Người thế gian càng già, thì cái bệnh, cái xấu của thân làm mất vui, luôn phải lo sợ cái chết tới... nên không có hạnh phúc là vậy.

Ni sư nhấn mạnh, càng khó càng khổ càng nên về chùa để tĩnh tâm, để quán chiếu, nhìn ra lẽ thực, thấy nguyên nhân vì sao như vậy. “Quý vị đừng có nói nghèo không dám tới chùa, càng nghèo khổ càng phải tới chùa”.

Vị Ni có nụ cười đầy từ bi nhắc về những “bạn đồng tu” là người khiếm thị. Tuy quý vị hạn chế cái nhìn, nhưng tánh thấy, tánh nghe... không mất, nhận ra chỗ này, quý vị an vui với duyên nghiệp của mình. Đó là người có lối đi, thấy được đường sáng.

Ni sư cũng nhắc, việc cúng dường trường hạ của Phật tử là rất tốt, nhưng phước đó nhỏ thôi, quan trọng quý vị phải học Phật, tu Phật để dứt hẳn cái khổ từ việc thấy khổ, tìm ra nguyên nhân các khổ mà sám hối, mà đoạn tận những hạt giống đưa tới khổ...

Anh Cuocsongnhiemmau.jpg


Người trẻ về thiền viện tu học

“Cũng có những người đang đi trên đường sáng nhưng sức khỏe không còn để có thể đi xa. Đó là những người lớn tuổi mới đi tu, trải qua khổ, thấm, có ý chí nhưng không còn sức học kinh, ngồi thiền. Vì vậy đừng đợi tới già mới tu, khó lắm. Còn những người khỏe nhưng ý chí tu không còn vì thấy thầy hay cô nào đó không tốt, thối tâm. Tại sao quý vị lại thối tâm vì một người nào đó? Hãy nhớ người hư chứ đạo không hư. Y pháp bất y nhân”, Ni sư nhắn nhủ.

Bài giảng ngắn nhưng sách tấn rất nhiều cho người tham dự. Niệm “bất thối Bồ-đề” thiết nghĩ cũng là lời nguyện để mỗi người học Phật đúng đắn hơn, bình tĩnh mà tu, nhẹ nhàng tiến bước trên lộ trình giải thoát...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày