"Bia Phật Di Lặc": Điều không thể tin!

Giác Ngộ - “Người ta lấy danh hiệu Đức Phật Di Lặc để làm tên thương hiệu cho một loại bia! Tôi đã không tin, cho đến khi cầm trên tay sản phẩm ấy…”

Một bạn đọc Giác Ngộ, cũng là Phật tử đã gửi chứng cứ và chia sẻ đầy xót xa như thế về tòa soạn như thế.

Bia… Phật!

Một bạn đọc do công việc giao tế, sau một lần đi ăn ở nhà hàng X, đã chuyển cho chúng tôi những tấm lót chai, những mẫu quảng cáo về một loại bia được giới thiệu với thực khách là độc đáo “Biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng”, hình dáng chai bia có hình Thần tài (tương tự như hình dáng Phật Di Lặc, bụng phệ với nụ cười hoan hỷ, nhưng hai tay nâng thỏi vàng).

photo (19).JPG

Bia Lucky với nắp chai có hình Đức Phật Di Lặc

Đó là bia Lucky với slogan: “Mang tình yêu, sự đầy đủ và may mắn đến khắp nơi”, theo như sự giới thiệu là có nguồn gốc ở Úc, đóng chai tại Trung Quốc.

Nếu bia có hình dáng kiểu đó (một vị Thần tài, theo quan niệm dân gian Trung Quốc) có lẽ nhiều người hiểu biết sẽ không thắc mắc, bức xúc làm gì, đằng này, hình dáng đó được định nghĩa rõ ràng, gán cho… Đức Phật Di Lặc.

Hãy đọc những gì người ta quảng bá cho nhãn mác này: “Trong các câu chuyện Trung Hoa cổ đại, tượng Phật Ngọc và di sản bằng vàng đã nổi tiếng trong nhiều thế kỷ. Những chai bia Lucky mô phỏng hình ảnh Đức Phật đang cười, tay nâng thỏi vàng ở phía trên đầu. Đức Phật Di Lặc - nhiều người tin rằng Đức Phật là biểu tượng của sự giàu có, hạnh phúc và cuộc sống đầy đủ”.

1d.jpg

Chữ Luckybubbha (Phật May mắn)

Ngay trong một mặt của mảnh lót chai, phần giới thiệu về loại “bia may mắn mới ở Việt Nam”, người ta đã viết: “Bia Lucky là những chai bia chính hiệu, hình Đức Phật Di Lặc. Nhiều người cho rằng, Đức Phật Di Lặc là biểu tượng của sự giàu có, hạnh phúc và cuộc sống đầy đủ”.

Qua tìm hiểu, được biết loại bia này có mặt ở Việt Nam vào khoảng cuối năm 2009 qua công ty bán buôn đồ uống có cồn được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh tại TP.HCM. Như thông tin báo chí đã phản ánh, cuối năm 2010, đơn vị nhập khẩu mặt hàng này đã ráo riết tìm nhà phân phối tại các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, tìm cách đưa hàng vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn... Hiện nay, với giá bán rất cạnh tranh, nó có mặt tại nhiều cơ sở ăn uống, siêu thị, đại lý phân phối thực phẩm…

Ở đây không bàn đến thị phần hay chất lượng của sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, mà điều đáng nói là bởi nó được gắn cho tôn hiệu của Đức Phật Di Lặc. Bia - một thức uống có cồn, gây say, và như thường thấy, là một trong những nguyên nhân của không ít hành vi ngoài sự kiểm soát của ý thức, tai nạn giao thông, thậm chí cả tội ác đất trời không dung… lại gắn tôn hiệu Phật Di Lặc - một vị Phật tương lai, biểu tượng cho tâm hoan hỷ, bao dung, đức kham nhẫn, tình thương vô biên…

Không phải Đức Phật là biểu tượng cho sự hoan hỷ nên có thể dùng tôn hiệu đặt để một cách tùy tiện. Điều đó thật không phù hợp với truyền thống văn hóa của các nước Á Đông, ở đất nước mà Phật giáo đã du nhập trên 2.000 năm, đã hòa vào văn hóa bản địa như nước hòa với sữa, điều thiêng liêng trong Phật giáo cũng là điều thiêng liêng trong ứng xử văn hóa. Chư Phật, chư vị Bồ tát, thánh hiền, trong đó có Đức Phật Di Lặc, là những đối tượng thiêng liêng mà người có tín ngưỡng đạo Phật thờ tự, cầu nguyện. Vậy không thể vì lý do gì, tôn hiệu của một vị Phật lại được đặt cho một loại bia, một chất uống có cồn gây say!

lucky.jpg
Tấm lót chai với nội dung khẳng định hình dáng chai là
hình dáng của Đức Phật Di Lặc

Dường như ai cũng biết, Đức Phật khuyến cáo người Phật tử xuất gia của Ngài tuyệt đối không được sử dụng các loại bia rượu, giới luật cho biết trừ trường hợp bệnh hiểm nghèo cần sử dụng các chất đó như vị thuốc đặc trị không thể thay thế. Một trong năm giới cấm đối với người Phật tử tại gia có nội dung không uống rượu (và các chất gây say, làm mê mờ tâm trí).

Về nguyên tắc là như vậy. Nên, thật là nghịch lý và không thể chấp nhận được một loại “bia Phật (Di Lặc)” như thế!

“Không thể chấp nhận được”!

Trước sự việc nhà sản xuất bia May mắn (Lucky Beer) đã làm như trên, nhiều người khi biết đến điều đó đã phản ứng gay gắt.

“Không thể chấp nhận được” là lời của nhiều người.

Ý kiến

cau chuyen trong tuan.jpg

Một góc nội thất của quán rượu Funky Budha

Gần đây trong nước đã nổ ra ba vụ xúc phạm nặng nề tới hình ảnh của Đức Phật và Phật giáo nói chung, khiến gây phẫn nộ, bức xúc trong hàng Phật tử. Đó là việc lợi dụng lòng Từ bi, Hỷ xả của Phật giáo và trào lưu đang hướng về Phật giáo trên toàn thế giới, nhất là Thiền, một vài người làm ăn đã dùng tên Phật và hình ảnh Phật (Buddha) cho cơ sở thương mại không đứng đắn của họ: Đó là Buddha Bar & Grill ở Sài Gòn và tệ hại hơn nữa Buddha Spa và Funky Buddha ở Hà Nội.

Sau những đóng góp ý kiến của chư Tăng và Phật tử khắp nơi - trong lẫn ngoài nước, hai trong 3 chủ quán nói trên đã ý thức được việc làm không thích hợp của mình và đã ra thông báo xin đổi tên. Đây là điều đáng mừng. Thấy sai mà biết sửa chữa là tốt. Tuy nhiên còn chủ quán rượu - hộp đêm ở ngay giữa thành phố Hà Nội là Funky Budha (Ông Phật Hấp Dẫn) thì chưa thấy có phản ứng gì. (Chữ Funky có nghĩa không đứng đắn, dùng để chỉ kiểu cọ thời trang hấp dẫn).

(Đào Văn Bình , California )

 Được biết, Giáo hội Phật giáo có kế hoạch tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tại Hà Nội, rất mong Giáo hội, Thành hội Phật giáo Hà Nội sớm có những phản ứng tích cực với các cơ quan chức năng cũng như chủ của cơ sở quán rượu Funky Buddha ở phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm để cơ sở này những sửa đổi phù hợp với văn hóa dân tộc, với thủ đô văn hiến mà tinh thần đạo Phật đã thấm sâu vào nếp sống của người dân nơi đây, và để chào mừng Đại lễ 30 năm thành lập GHPGVN - tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo VN, cho tín đồ Phật giáo VN.

(Phật tử Nhật Nguyên- Đỗ Dũng, Hà Nội)

“Vừa qua, báo Giác Ngộ đã phản ánh những sự việc lạm dụng tôn hiệu Đức Phật đặt tên cho các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, nơi chăm sóc sắc đẹp phụ nữ… đã làm tổn thương nhiều người có tín ngưỡng đạo Phật, có sự tôn kính đối với Đức Phật - Bậc tôn kính thiêng liêng nhất của Tăng Ni, Phật tử. Việc chủ của các cơ sở trên đã sớm nhận thức ra vấn đề và đã sửa sai là điều đáng quý.

Trong đạo Phật có hai loại người thường được ca ngợi. Đó là người không có lỗi lầm, và người có lỗi lầm nhưng biết sửa sai.Trong xã hội, trong lĩnh vực kinh doanh, người ta có quyền đặt tên cho công ty, doanh nghiệp, đơn vị của mình như thế nào tùy ý, miễn là được sự cho phép của cơ quan chức năng và phù hợp với nhận thức về văn hóa. Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế khi đặt tên cho doanh nghiệp người ta thường rất cân nhắc. Cũng như đặt tên cho con cái. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, không ai dùng danh tánh của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để đặt tên cho con cái mình, huống nữa là tôn hiệu của các bậc thiêng liêng nhất trong tôn giáo, thuộc về thế giới tâm linh.

Đức Phật khuyến cáo đệ tử của Ngài không được buôn bán rượu thì lại lấy danh hiệu của Ngài đặt cho một loại bia. Điều này thật không thể chấp nhận được.

Tôi đề nghị các cơ quan chức năng quản lý thị trường và doanh nghiệp nên có thái độ đối với sự việc nghiêm trọng này. Qua báo Giác Ngộ, tôi mong đại diện của hãng bia này tiếp thu ý kiến chính đáng của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, cần có những sửa đổi thích hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Đó là thái độ thể hiện sự tự trọng tối thiểu và tôn trọng văn hóa của dân tộc này. Dùng tôn hiệu Đức Phật để đặt tên cho một loại bia là cách coi thường văn hóa Việt Nam , đã ngang nhiên xúc phạm hàng triệu Tăng Ni Phật tử” - HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN phát biểu.

Nhiều người được hỏi ý kiến cũng có những suy nghĩ tương tự với lời phát biểu của HT.Thích Trung Hậu.

Cũng cần nhắc lại, loại nước uống có cồn này được đóng chai tại Trung Quốc, ở đây chưa nói đến chất lượng sản phẩm, những hệ lụy của việc sử dụng các chất uống có cồn, làm say sưa đối với con người qua việc sản xuất và nhập khẩu bia rượu ồ ạt như nhiều năm gần đây, mà chỉ đề cập đến khía cạnh văn hóa.

Cũng như lá cờ Tổ quốc không chỉ là miếng vải tầm thường, mà là biểu tượng cho đất nước, cho lịch sử, cho những gì thiêng liêng nhất của người công dân. Do đó, không phải ai muốn vẽ gì lên trên nó cũng được, dùng nó vào mục đích gì cũng chẳng sao. Xã hội không có sự thiêng liêng là xã hội hoang dã. Việc coi thường giá trị thiêng liêng của người khác là không thể chấp nhận được dù bất cứ ở đâu, huống nữa là trên một đất nước như Việt Nam với mấy ngàn năm văn hiến.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày