GN - Qua một cuộc thăm dò trong phạm vi nhỏ, khi hỏi tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến đời sống, kết quả chúng tôi nhận được là đa số người được hỏi tỏ ra thờ ơ, xem đó là chuyện xa vời, không ảnh hưởng thực tế đến miếng cơm manh áo, giấc ngủ và sự bình an của chúng ta.
Trong lúc đó, cũng vấn đề này, gần đây nhiều vị lãnh đạo các truyền thống, hệ phái Phật giáo trên thế giới đã cùng lên tiếng trong một tuyên ngôn về tình trạng biến đổi khí hậu, thái độ và giải pháp của Phật giáo ở một văn kiện có tên gọi “Thời điểm hành động là bây giờ” (The time to act is now), đã khuyến cáo, rằng: “nếu ‘cứ vô tư như thường’ thì chúng ta sẽ làm cho một nửa chủng loại trên trái đất biến mất trong thế kỷ này”.
Tuyên ngôn trên cho biết: “Nhiều nhà khoa học đã kết luận rằng sự sống còn của nền văn minh nhân loại đang bị đe dọa. Chúng ta đã chạm đến điểm tiếp giáp nguy ngập của quá trình tiến hóa sinh học và xã hội của chúng ta”.
Vậy thái độ của người Phật tử là như thế nào? “Giáo lý Tứ diệu đế sẽ cung cấp một khung sườn để chẩn đoán tình hình hiện tại và thiết kế những tiêu chí phù hợp - vì những đe dọa và những thảm họa mà chúng ta đối mặt thì cuối cùng, bắt nguồn từ chính tâm ta, nên do đó cũng sẽ đòi hỏi những thay đổi sâu sắc trong tâm mỗi người”, bản tuyên ngôn nhận định.
Tuyên ngôn cũng nhắc đến lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Ở đây, chúng ta tỉnh thức khỏi ảo tưởng của sự phân cách”. Chúng ta cần tỉnh dậy và ý thức rằng Trái đất là Mẹ của chúng ta mà cũng là Nhà của chúng ta - và trong trường hợp này, là cuống rốn nối vào bụng Mẹ nên không thể bị tàn phá. Khi Trái đất ngã bệnh thì chúng ta cũng bệnh theo, vì chúng ta là một phần của Trái đất”.
Ở một báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế nhân Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Bangkok - Thái Lan năm ngoái, Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh, nhà khoa học Việt Nam hiện sống và làm việc tại Hoa Kỳ, đã cảnh báo tình trạng khai thác thái quá cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu đã mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên của dòng Mekong - dòng sông đem lại sự sống cho người dân nhiều nước trở nên bị ô nhiễm trầm trọng, mà tác nhân trực tiếp là các dự án về thủy điện khổng lồ ở tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và các đập nhỏ hơn ở Lào và trên hạ lưu của dòng sông được mệnh danh là dòng sông Phật giáo này.
Những cảnh báo đó không còn xa vời mà đã trở thành nhãn tiền với chúng ta, với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong 100 năm qua ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. “Biến đổi khí hậu” - cụm từ khô khan đó đã ảnh hưởng, làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, trực tiếp là người dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, và chắc chắn ảnh hưởng lên cả nền kinh tế đất nước.
Vì vậy, trước khi quá muộn, mỗi người chúng ta phải thay đổi cách nhìn, từ trong tâm mỗi cá nhân, không thể thờ ơ với sự an nguy của trái đất này, bởi nó có sự tương quan mật thiết tới sự an nguy của chính mỗi người.