GN - Sau 15 năm tách tỉnh, Phật giáo Bình Phước từng bước phát triển với sự chăm lo các công tác Phật sự của chư tôn đức Tăng Ni và đạo tâm nhiệt thành của Phật tử địa phương.
Những thành quả đã tạo được minh chứng cho sự đâm chồi, nở hoa đạo pháp giữa vùng đất mới khi Đại hội Phật giáo tỉnh kỳ IV (2012-2017) đang đến gần.
15 năm gian khó
Đó là câu đúc kết và cũng là lời nhận định của HT.Thích Nhuận Thanh, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự THPG Bình Phước về những gì đã diễn ra suốt 15 năm qua trong một buổi chiều chúng tôi có duyên được hầu chuyện. Chính tại ngôi chùa Thanh Long - huyện Đồng Phú (Văn phòng Ban Trị sự hiện nay - NV) này, cách đây tròn 15 năm, Hòa thượng đã đặt bước chân đầu tiên đến mảnh đất cuối cùng của miền Đông Nam Bộ hành đạo theo sự phân công của Trung ương Giáo hội sau khi tỉnh Sông Bé tách ra thành Bình Dương, Bình Phước thì mọi thứ còn rất hoang sơ, khó nhọc.
Chùa Thanh Long, nơi đặt rrụ sở Ban Trị sự THPG Bình Phước - Ảnh: Bảo Thiên
Ngày đó, cả tỉnh Bình Phước mới hình thành chỉ có 6 huyện, thị; vài ngôi chùa và chưa tròn 10 Tăng Ni. Đời sống của nhân dân và tín đồ Phật tử còn khó khăn vì đa số là dân nhập cư và chùa Thanh Long chỉ là một niệm Phật đường nhỏ mang tên Tân Lợi, không người trông coi.
Dù vậy, sau bao cố gắng, với sự hỗ trợ của Trung ương Giáo hội và các cấp chính quyền địa phương, Đại hội thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ I (1997-2002) cũng được tiến hành vào đầu tháng 12-1997 tại hội trường mượn tạm của huyện Đồng Phú. Ban Trị sự THPG Bình Phước nhiệm kỳ đầu có 16 thành viên, rất ít ủy viên là chư Tăng Ni nên đa phần phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Sau đại hội, HT.Thích Nhuận Thanh dù với tư cách là Trưởng ban Trị sự nhưng cũng phải trở về lại trú xứ huyện Tân Uyên tạm hành đạo một thời gian vì Niệm Phật đường Tân Lợi xuống cấp trầm trọng, chưa thể an toàn cho việc lưu trú và tu tập. Thời gian này là những ngày rong ruổi của Hòa thượng giữa Tân Uyên và Bình Phước để giải quyết công việc mỗi khi có Phật sự phát sinh.
Đến tháng 4-1998, Hòa thượng chính thức nhập tự Niệm Phật đường Tân Lợi sau khi đã dựng tạm một mái nhà Tăng và đổi tên thành chùa Thanh Long như ngày nay.
Tiếp theo sau đó là những chuỗi ngày làm Phật sự giữa vùng đất nghèo khó, thưa người, ít hình bóng tu sĩ Phật giáo nhưng đầy lòng khát ngưỡng Chánh pháp của người dân địa phương. Hòa thượng cùng chư Tăng Ni mới lên sau này hoạt động không mệt mỏi để gieo mầm bồ-đề, tạo nền tảng để hình ảnh Phật giáo Bình Phước phát triển từng ngày. Nhờ vậy những lần đại hội Phật giáo tỉnh các nhiệm kỳ sau, số lượng ủy viên Ban Trị sự đã tăng lên đáng kể để gánh vác công tác Phật sự.
“15 năm qua, có nhiều đổi thay nhưng phải khẳng định một điều rằng Phật giáo Bình Phước đang phát triển. Nếu đem kết quả so với các tỉnh, thành khác thì chưa đáng là bao nhưng so với quá khứ thì đó là một sự cố gắng lớn từ những gian khó”, HT.Thích Nhuận Thanh nhìn nhận.
Những thành quả bước đầu
Đến nay, sau 3 nhiệm kỳ hoạt động mà gần nhất là nhiệm kỳ III (2007-2012), Phật giáo Bình Phước đã có gần 260 Tăng Ni.
Nhờ lực lượng Tăng Ni tăng như vậy, thời gian qua, Tỉnh hội đã kiện toàn nhân sự trong Ban Thường trực và các ban chuyên ngành để đi vào hoạt động một cách nề nếp và chặt chẽ hơn. BTS Tỉnh hội cho thành lập Phân ban đặc trách Ni giới nằm trong Ban Tăng sự. Ngoài ra, Ban Đại diện (BĐD) Phật giáo huyện, thị cũng được củng cố, kiện toàn, tăng cường thêm các vị có đạo hạnh, năng lực trình độ và lòng nhiệt tình nên hoạt động khá đều và mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Về các hoạt động chuyên ngành, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ 2007-2012 đã hỗ trợ và đề nghị cho 90 cơ sở tự viện được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất, đề nghị lãnh đạo tỉnh giải quyết cấp phép cho 22 cơ sở tự viện được trùng tu và xây dựng từ Đại hùng bửu điện cho đến các hạng mục khác; đề nghị xem xét giải quyết công nhận cho 28 cơ sở tự viện mới được thành lập và tham gia sinh hoạt trong Giáo hội; xây dựng và đưa vào sử dụng trụ sở Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội.
Ban Trị sự cũng đã bổ nhiệm trụ trì cho 25 cơ sở tự viện; tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì và nghiệp vụ hành chính Giáo hội cho chư vị Tăng Ni trụ trì vào các ngày bố-tát, mùa An cư; cử giảng sư có khả năng tham gia giảng dạy các khóa tu Bát quan trai, khóa tu Niệm Phật,… tại các đạo tràng của các chùa trong toàn tỉnh, mặc dù Ban Hoằng pháp của tỉnh chưa được chính thức công nhận do một số vị chưa đủ điều kiện; giới thiệu cho 23 Tăng Ni trẻ tham gia các trường cao trung Phật học ở các tỉnh, thành bạn; 10 Tăng Ni sinh theo học tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; ổn định và kiện toàn sinh hoạt tổ chức Gia đình Phật tử; tổ chức trang nghiêm các ngày lễ lớn của Phật giáo; thực hiện công tác từ thiện xã hội lên đến hơn 25 tỷ đồng.
Nhiệm kỳ qua, Phật giáo Bình Phước thành lập thêm 2 đơn vị Phật giáo huyện mới. Trong ảnh: Ban Đại diện Phật giáo Hớn Quản, một trong 2 đơn vị mới ra mắt (ảnh: Bảo Thiên)
Nhờ những đóng góp như vừa nêu mà Tỉnh hội đã được cấp Bằng tuyên dương công đức của TƯGH; Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành Trung ương tặng nhiều bằng khen và kỷ niệm chương các loại cho tập thể và cá nhân của Tỉnh hội. Đặc biệt, cá nhân Hòa thượng Trưởng ban Trị sự được đón nhận Huân chương Vì sự nghiệp Đoàn kết dân tộc của Chủ tịch nước trao tặng.
Tuy vậy, Phật giáo Bình Phước vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi lượng Tăng Ni không đồng đều, kinh phí hoạt động khá eo hẹp; quan trọng nhất là Ban Trị sự chưa xây dựng, đào tạo được một đội ngũ nhân lực để phục vụ Tỉnh hội trong thời đại mới. Những khó khăn này sẽ được khắc phục trong tương lai trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, tuân thủ nguyên tắc của tổ chức Tỉnh hội, lấy pháp Lục hòa và Tứ nhiếp làm nguyên tắc cộng trụ, đồng hành đồng sự trong kiện toàn nhân sự như văn kiện Đại hội đề cập.
Tỉnh Bình Phước hiện có 99 cơ sở tự viện chính thức được công nhận (trong đó có 3 ngôi tịnh xá, 7 ngôi chùa Nam tông, 89 ngôi chùa Bắc tông) với 258 Tăng Ni tu học. Ngoài ra còn có 18 tự viện chưa được đi vào hoạt động chính thức. Toàn tỉnh có 43.366 Phật tử, 30.796 người chịu ảnh hưởng của Phật giáo nhưng chưa quy y Tam bảo; 70 đạo tràng tu tập Bát quan trai, niệm Phật, tụng chú, tụng kinh Địa tạng, tụng kinh Pháp hoa với 4.000 Phật tử tu học thường xuyên; 10 đơn vị Gia đình Phật tử với 500 huynh trưởng và đoàn sinh. |