Bồ đề quyến thuộc

Bồ đề quyến thuộc
Sinh trên cuộc đời này, ai  cũng có nội quyến thuộc là  ông bà, cha mẹ, anh em và  bạn bè là ngoại quyến thuộc. Và quan sát quyến thuộc của ta thì biết được nghiệp thiện hay ác của mình. Thật vậy, gần chúng ta nhất là mối quan hệ sâu nặng với gia đình, dòng họ mình. Nếu được sinh trong dòng họ cao quý và gia đình đạo đức, thì biết căn lành, phước báu của chúng ta có đủ; từ đó, phát tâm tu hành, sẽ dễ dàng thành tựu đạo nghiệp.

Chính vì lực ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng họ, gia đình đến việc tu hành, nên Bồ tát Phổ Hiền đã phát nguyện rằng “Sanh ra dòng họ cùng dung sắc, tướng tốt, trí huệ đều đầy đủ, các ma ngoại đạo không phá được, kham làm phước điền cho ba cõi. Mau đến cội Bồ đề thọ vương, ngồi an hàng phục các chúng ma, thành đạo Chánh giác nói pháp mầu, khắp lợi tất cả loài hàm thức”. Đó chính là những điều kiện hoàn toàn tốt đẹp hỗ trợ cho người tu mau thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

Kinh Pháp Hoa diễn tả ý này bằng ví dụ người đào giếng trên cao nguyên, nếu đào đến đất ướt, đất bùn, thì biết sắp đào đến nước; nói cách khác, hành giả tu Bồ tát đạo nếu xuất thân từ dòng họ cao quý, đạo đức và có thể lực tốt, trí lực thông minh, là người sắp đào đến nước, tức sắp thành tựu quả vị Phật.

 Còn những người bị khổ đau và khổ nhất là ở địa ngục, mới phát Bồ đề tâm tu hành, nghĩa là ở hoàn cảnh vô cùng khó khăn tiêu biểu bằng hình ảnh người đào giếng ở trên cao nguyên tất nhiên phải rất khổ cực mới đào đến nước. Thực tế là những người làm thuê, người bệnh hoạn, hoặc bị bệnh di truyền, chẳng hạn như có gene ung thư từ ông bà, cha mẹ, thì việc tu hành sẽ bị chướng ngại rất lớn. Đối với người muốn tu, mà có cha mẹ hung dữ, hận thù, gây tạo nhiều oan trái với mọi người, họ tu rất khó.

Theo tinh thần Pháp Hoa, người này phải rời bỏ gia đình, đi tìm người trí để nương tựa, kinh diễn tả là “Lìa bỏ quyến thuộc ngu si, thân cận người trí”.

Người từ dòng họ thấp kém tìm đến chỗ cao quý tiêu biểu cho Phật pháp, mà muốn hưởng ngay thì không được, phải cam phận hốt dọn phân nhơ. Vì vậy, vào chùa tu hành, được giao cho việc quét dọn phân, hay làm việc cực nhọc trong chúng, thì phải biết dọn dẹp tâm mình; nghĩa là nghiệp và phiền não khởi lên, phải lo xóa sạch. Chẳng hạn mình nghèo, bị bệnh hoạn, bị khinh khi, bị ăn hiếp...; trong khi người khác là con nhà giàu, cha mẹ họ cúng dường chùa, nên họ được thầy trụ trì nể hơn mình. Thuở nhỏ đi tu, tôi cảm nhận điều này đầu tiên, nỗ lực vừa dọn nhà vệ sinh trong chùa, vừa lo gội rửa tâm mình; không ý thức thân phận như vậy mà đòi chia phần thì bị đuổi ra khỏi chùa sớm.

Người xuất thân từ dòng họ cao quý đi lên rất dễ. Còn ta ở vị trí thấp, phải có quá trình vượt khó, phải biết mình đang ở trên cao nguyên đào giếng, phải luôn ý thức vị trí cùng tử của mình ở trong nhà Phật pháp, tức là làm tôi cho Phật, miễn có cơm ăn để tu, để làm việc phục vụ đại chúng. Bên ngoài siêng năng làm việc nặng nhọc, bên trong lo diệt phiền não, cho đến thân tâm đều thanh tịnh, thì cùng tử được trưởng giả dạy rằng “Ngươi là người làm công nhưng không có tánh hèn hạ như những người làm công khác nhiều ham muốn, làm ít mà đòi hỏi nhiều. Ngươi biết an phận, nên ta cho ngươi bồn chậu, gạo, muối, giấm …”  và cùng tử cũng xài tiết kiệm, không dám phung phí. Nghĩa là Phật cho, hay đại chúng chia cho cái gì thì mình nhận, không đòi hỏi, thậm chí quên chia phần mình, mình cũng vui vẻ.

Trên bước đường tu, khi nào quý vị thấy Phật gọi mình đến và xoa đầu thọ ký, thì trở lại thực tế cuộc sống, mình sẽ không thiết tha đến trần thế, mới trở thành quyến thuộc của Phật, của Bồ tát. Từ đó, phiền não trần lao không khởi dậy, cho nên tuy còn mang thân chúng sinh, nhưng tánh hèn hạ của chúng sinh không còn; vì mình không đòi hỏi, không ham muốn, không bực tức và việc quan trọng đối với mình là được ở trong nhà Phật pháp, hay được tu hành. Riêng tôi luôn có ý niệm này, kham nhẫn tu hành, miễn cho ở trong chùa là được, bắt làm gì cũng chịu và chỉ lo công quả.

 Dọn sạch tâm mình giống Phật, thì dù xuất thân từ giai cấp thấp, mà đã bứt phá được tâm thấp hèn, thì chẳng những được Phật xoa đầu thọ ký, mà đại chúng cũng có thiện cảm với mình. Điều này nói lên lực vô hình và hiện thực cuộc sống gắn liền với nhau. Còn chỉ nghĩ đến vô hình thôi thì chỉ là ảo giác, hoặc chỉ căn cứ vào thực tế thôi thì rơi vào chủ nghĩa duy vật cũng không đúng. Phải thấy được sự kết nối giữa lực vô hình với hiện thực cuộc sống, hay thấy được mối tương quan của cuộc sống quá khứ với hiện tại là thấy đúng sự thật. Ví dụ người ta nghi mình ăn cắp, trong khi mình không hề ăn cắp, thì phải suy nghĩ rằng đời trước mình đã có nghiệp ăn cắp, cho nên đời này mới hiện ra tướng ăn cắp. Tu hành phải sám hối cho tiêu nghiệp và cách sám hối tốt nhất là làm việc thiện để xóa việc ác. Càng làm nhiều việc thiện càng mau hết nghiệp, hoặc càng bị chống phá, mình càng gia công tu hành. Làm mà không có người chống, thì nghiệp lâu hết, hoặc làm mà ai cũng khen, coi chừng nghiệp ngã mạn sinh ra.

Ngài Huệ Tư dạy rằng người ta chống là chống cái nghiệp của mình, đừng dại khờ lấy nghiệp làm mình mà bị đọa. Người ta chê mình dốt, mình cũng đồng tình chống lại cái nghiệp dốt này bằng cách ráng học cũng đỗ đạt có bằng cấp, cũng làm được Phật sự, thì họ không thể chê được nữa mà còn phải đính chính lại lời nói sai lầm của họ.

Tu hành phải biết chuyển nghiệp, chuyển hoàn cảnh khổ của mình trở thành phương tiện tu hành, tạo được kết quả tốt đẹp. Chúng ta thường nghe nói: “Vô ma khảo bất thành đại đạo”, nhờ có ma thử thách, mình đọ sức, mới biết được năng lực tu hành đến đâu, hay nhờ đó, mình rời được quyến thuộc ngu si, thân cận người trí, ở trong nhà Phật pháp, được thầy thương bạn mến. Nói cách khác, được làm quyến thuộc Bồ đề của thầy, của Bồ tát, được làm bạn với người tốt.

Được làm quyến thuộc của Bồ tát, nên ta được tham gia vào việc của Bồ tát, rời bỏ được thế giới trần ai mà tiến bước theo lộ trình Bồ tát là phát tâm cầu Phật đạo và giáo hóa chúng sinh. Vì vậy, chúng ta chỉ có hai việc này là hết lòng tu học và nương theo Bồ tát để độ sinh. Từ đời này cho đến vô lượng kiếp về sau, tất cả mười phương Phật thuyết pháp, ta đều theo học không bỏ sót và tất cả Bồ tát giáo hóa chúng sinh, ta đều tùy thuận. Còn bản thân chưa làm được gì, nhưng công lao của người khác thì khởi lòng ganh tỵ, đó là ác ma.

Cần ý thức rằng đối với các Phật sự, hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp đều tốt, vì có đóng góp như vậy để ta trở thành quyến thuộc của Bồ tát. Sự hỗ tương này, kinh Pháp Hoa gọi là Liên hoàn thủ hộ. Ai cũng làm Phật, nhưng ở chỗ này thì vị này làm chủ, ở chỗ khác thì vị khác làm chủ. Ví dụ tịnh xá Trung Tâm làm thì Ngọc Phương ủng hộ. Còn chùa này làm chùa khác chống, hay lơ là, làm sao Phật pháp hưng thạnh. Nên biết rằng ủng hộ chùa không phải là ủng hộ vị trụ trì chùa đó, mà là ủng hộ việc Phật sự, thì tâm mình sẽ nhẹ nhàng, hoan hỷ.

Trên bước đường hành Bồ tát đạo, với tâm tùy thuận và hỗ trợ lẫn nhau trong các việc Phật sự, chúng ta tích lũy được công đức trong kho vô tận tạng, mà Đức Phật dạy rằng phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp đầy đủ hạnh Bồ tát mới thành Phật.

Nhìn theo Phật, người mới tu nhưng làm được việc lớn là biết họ đã tu nhiều kiếp trước. Qua thực tế cuộc sống, chúng ta nhận ra điều này. Đời trước đã tu phước thì đời này phải có phước, đời trước đã tu huệ thì đời này phải có huệ và đời trước đã độ chúng sinh thì đời này phải có nhiều quyến thuộc. Có trí tuệ thấy người đáng giúp mới giúp, thấy việc cần làm mới làm và nhờ công đức lực của Bồ tát chuyển hóa người nhận của bố thí phát tâm Bồ đề, đó là mục tiêu của người tu; nếu không, họ chỉ là quyến thuộc thế gian, đến một lúc nào không có khả năng cho họ nữa, họ sẽ bất mãn, bỏ chùa, hoặc trở thành người ăn hại, hay chống lại mình và tất nhiên mình cũng bị buồn phiền. Nhiều người làm từ thiện đã kết thành quả xấu này. Nếu người được mình giúp đỡ, ăn nên làm ra và họ lại giúp người khác, là giúp đúng, cả hai đều sanh phước và ta ở giữa cũng được phần công đức, nghĩa là quyến thuộc Bồ đề tăng thêm.

Đức Phật đã trải qua ba A tăng kỳ kiếp hành Bồ tát đạo, mới kết thành quyến thuộc rộng lớn, cho nên khi Ngài thị hiện sanh lại Ta bà thì số quyến thuộc này sanh theo, người làm vua, làm tướng, làm trưởng giả, hoặc làm giáo chủ ngoại đạo, như Xá Lợi Phất, giáo chủ đạo thần lửa; Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, giáo chủ đạo thần rắn; Ca Chiên Diên là chiêm tinh gia… Họ bỏ ngôi vị tối cao của ngoại đạo để theo Phật một cách dễ dàng, hoặc vua chúa trưởng giả cũng vậy, phát tâm dũng mãnh ủng hộ Phật pháp, là vì theo tinh thần kinh Pháp Hoa, những người này nhiều đời đã là quyến thuộc của Phật, sanh lại để hộ trì Chánh pháp. Và đến hội Pháp Hoa, Đức Phật mới mở ra cho thấy quyến thuộc của Ngài rộng lớn khắp mười phương.

 Mong rằng tất cả đệ tử Phật đều cố gắng xây dựng được quyến thuộc Bồ đề đúng Chánh pháp, để trên lộ trình hành Bồ tát đạo, đời nào cũng có quyến thuộc hết lòng hỗ trợ cho mọi Phật sự được thành tựu viên mãn và tất cả cùng tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày