Bộ Nội vụ đề nghị các tổ chức tôn giáo bảo đảm nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng

Trẩy hội và cầu nguyện đầu xuân là nhu cầu về tinh thần của đông đảo người dân, trong đó có đồng bào tín ngưỡng các tôn giáo - Ảnh chụp màn hình
Trẩy hội và cầu nguyện đầu xuân là nhu cầu về tinh thần của đông đảo người dân, trong đó có đồng bào tín ngưỡng các tôn giáo - Ảnh chụp màn hình
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bộ Nội vụ vừa phổ biến Văn bản số 650/BNV-TGCP do Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng ký ngày 5-2-2024, gửi đến lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, đề nghị bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30-1-2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng thực hiện một số nội dung như sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ và quần chúng nhân dân, du khách thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhất là các cơ sở thờ tự; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn tâm linh hoặc lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Chủ động, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, người lao động, người bị mất việc làm… bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Trung tâm Đức Mẹ núi Cúi (Đồng Nai) là điểm thu hút rất đông người đến hành hương - Ảnh chụp màn hình

Trung tâm Đức Mẹ núi Cúi (Đồng Nai) là điểm thu hút rất đông người đến hành hương - Ảnh chụp màn hình

2. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024; Văn bản số 321/BNV-TGCP ngày 19/01/2024 của Bộ Nội vụ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bộ Nội vụ trân trọng đề nghị Lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ và quần chúng nhân dân, du khách thực hiện, góp phần đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Liên quan tới nội dung này, ngày 8-1-2024, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký ban hành Thông bạch số 10/TB-HĐTS-VP1 của Hội đồng Trị sự về tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an vui, an toàn, tiết kiệm.

Thông bạch của Giáo hội do Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự ấn ký phổ biến gửi đến Giáo hội các cấp và Tăng Ni các tự viện trên cả nước, đề nghị 6 điểm quan trọng. Nổi bật là giúp đỡ đồng bào, các hoàn cảnh khó khăn để tất cả có được sự an lành trong dịp Tết đến Xuân về.

Giáo hội cũng đề nghị các cấp Giáo hội và Tăng Ni cả nước chấp hành nghiêm các quy định và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, lễ hội bảo đảm cho đồng bào Phật tử và Nhân dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Các chùa, cơ sở tự viện và Tăng Ni tổ chức các nghi lễ cầu quốc thái dân an, nghi lễ cầu an phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. Đồng thời, trong công tác tổ chức phải lưu ý tránh cách dùng từ, thuật ngữ và các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống dân tộc.

Bên cạnh đó, các tự viện tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền, buổi lễ cầu an online kết nối rộng rãi đồng bào Phật tử trong nước và Việt kiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đem đến sự lạc quan, bình an trong năm mới; Các chùa, cơ sở tự viện có điều kiện tổ chức Tết trồng cây hưởng ứng phong trào vì một Việt Nam xanh của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày