GS. Gabriel Monod Herzen (1899-1983) thuộc một dòng họ lớn ở Normandie (Tây bắc Pháp), nhưng thân phụ ông và ông dời đến sinh sống ở Paris. Ông tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án Tiến sĩ quốc gia Vật lý ở viện Đại học Sorbonne (Paris). Các Giáo sư của ông: về Toán là Emile Borel (1871-1956), về Vật lý là Jean Perrin (1870-1942), Nobel 1926, Pierre Auger (người đã phát minh ra hiệu ứng mang tên ông, Giám đốc Đại học Bộ Giáo dục), về Hóa học là Marie Curie (1867-1934), Nobel Lý 1903, Nobel Hóa 1911 (GS - Grégoire, một phụ tá của bà đã cho tôi xem quyển nhật ký của bà trong đó có trang về kết quả thi chứng chỉ Sinh Hóa, thấy ghi "Gabriel Monod Herzen, đậu hạng bình"). Giáo sư Monod Herzen bảo vệ luận án tiến sĩ quốc gia Vật lý năm 1932 về Neutron dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Jean Perrin và Pierre Auger. Ông được phong giáo sư ở viện đại học Poitiers (Tây Pháp) và biệt phái về viện Đại học Hà Nội (1950) làm Trưởng khoa Vật lý ở trường Đại học Khoa học, nơi tôi đang làm việc từ 1948. Hồi đó, tôi đã 28 tuổi, đã lập gia đình, được một con trai, đang làm phụ tá ngạch Âu địa phương ở khoa Vật lý trường Đại học Khoa học. GS. Monod Herzen lập ngay kế hoạch cho tương lai khoa học của tôi, kém ông 23 tuổi và đáng làm đồ đệ của ông: - Sửa soạn cao học (Diplôme d’Etudes supérieures bây giờ gọi là thạc sĩ) về "Sự kết tinh của các picrat alcaloid" (cristallisation des picrates d’alcaloides) trong vòng 2 năm và bảo vệ luận văn đó ngay tại Việt Nam với Ban Giám khảo từ Pháp sang. - Sửa soạn luận án tiến sĩ quốc gia Vật lý trong 2 năm đầu ở Việt Nam rồi xin học bổng đi Pháp hoàn thành luận án trong vòng 3 năm nữa; đề tài là "Phát quang của Iodur cadmium tăng hoạt bằng chì" (Luminescence de l’iodure de cadmium active au plomb). Thiên duyên run rủi, mọi việc xảy ra đúng như dự kiến: - Tháng 5 năm 1954, bảo vệ luận văn cao học về "Sự kết tinh các picrat alcaloid", Ban Giám khảo do GS.René Audubert từ Pháp sang chủ tọa, ở Hà Nội; tôi được chấm đậu "ưu hạng" (cao nhất), luận văn được đăng trong Niên san của Đại học Khoa học Hà Nội - Sài Gòn. - Năm 1955, tôi đậu chứng chỉ Đệ tam cấp "Quang phổ thực nghiệm"; năm 1956, chứng chỉ Đệ tam cấp "Hóa học lượng tử" ở Đại học Khoa học Sài Gòn. - Năm 1956, GS. Monod Herzen trở về Pháp; năm 1957, tôi được học bổng sang Pháp, được sự đỡ đầu của GS. Alfred Kastler, ở Đại học Sorbonne, Nobel Lý 1966, của GS. Daniel Curie, cháu gọi Pierre Curie là ông chú, người đã sửa lại cả chương V luận án của tôi là chương dành cho các thuyết mới về phát quang tinh thể. Và ngày 25 tháng 5 năm 1960, ở viện Đại học Rennes (Tây bắc Pháp), trước một Ban Giám khảo từ Paris tới, trong đó có GS. Monod-Herzen, tôi đã bảo vệ luận án tiến sĩ quốc gia Vật lý "Phát quang của Iodur cadmium tăng hoạt bằng chì" và được chấm đậu hạng "tối danh dự với lời khen của Ban Giám khảo". Toàn văn luận án được đăng trong Niên san Vật lý của Nhà xuất bản Masson (Paris). Một thiên duyên nữa là GS. Monod Herzen là một Phật tử. Trong luận án Văn chương của ông bảo vệ ở viện Đại học Mout pellier (Nam Pháp), ông trình bày Lịch sử đạo Phật và các đặc điểm của tôn giáo đó. Trong số các nhà bác học, có lẽ chỉ có Albert Einstein (1879-1955) là cũng rành Phật giáo. Trong số các chính trị gia, có lẽ chỉ có Benjamin Disraeli (1804-1881) là cùng có phương châm trùng với một phần lý thuyết Phật giáo. Trong khoảng 1950-1954, mỗi chiều Chủ nhật, ông lại tới thuyết pháp ở một chùa trong thành phố Hà Nội. Mặc dù vào thời đó còn nhiều người hiểu tiếng Pháp, một thư ký của ông đi theo dịch sang tiếng Việt. Ông cũng đã cùng một số bạn hữu và tôi tới vãn cảnh chùa Trầm ở gần Hà Nội, và chùa sư nữ gọi là chùa Tiên ở cạnh đó. Trong thời gian 1957-1960 ở Pháp, trong những lần tôi lái xe ô tô cùng ông bà Monod Herzen đi chơi tới Nantes (hải cảng bên bờ Đại Tây dương) hay tới Caen (thành phố lớn ở vùng Normandie, Tây bắc Pháp), dọc đường ông giảng cho tôi nghe thế nào là Đại thừa, Tiểu thừa, tham sân si, ông cũng kể chuyện Quan Âm Thị Kính… Ông là người ăn nói rất lịch sự: khi đang họp, ông muốn đi tiểu thì ông nói: "Je vais m’isoler un instant" (Tôi tự cô lập một lát); khi ông đi ngủ thì ông nói: "Je vais éteindre les lumières" (Tôi tắt đèn); khi ông dặn tôi sáng sớm hôm sau tới đón ông đi Nantes hay Caen, thì ông nói: "J'aimerais que vous veniez me chercher demain à 7 heures" (Xin ông đến đón tôi lúc 7 giờ); khi ông yêu cầu người khác làm gì, dù là người dưới quyền ông, ông cũng nói: "Venillez…" (Xin làm điều này…). Sau năm 1960, tôi về nước, GS. Monod Herzen còn mấy lần trở lại ngôi trường xưa - Đại học Khoa học Sài Gòn - để cùng tôi chủ trì những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ Đệ tam cấp về Vật Lý. Nhân những dịp đó, ông đã báo cáo cho các cán bộ giảng dạy những thành tích về thuyết pháp quang của hai thầy trò ở Pháp từ 1956 tới nay. Ông mất năm 1983 ở Paris, trong một giấc ngủ, không đau đớn gì cả, sau một cuộc đời dài (84 năm), phong phú cả về lý trí lẫn tình cảm; với biết bao cống hiến giá trị cho sinh viên Pháp và Việt Nam, đời đời nhớ ơn ông… Tôi viết bài này để tỏ lòng chân thành báo hiếu một người bố nuôi mà tôi đã được sống gần trong 33 năm (1950-1983), hơn 3 lần thời gian sống gần bố ruột (1922-1932).