Bối diệp lưu hương

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1226 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1226 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917-2021) là bậc tùng lâm thạch trụ với sở học sâu dày, đặc biệt là về kinh điển Hán tạng. Sinh thời, ngài đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sự nghiệp biên soạn, dịch thuật và trước tác các tác phẩm Phật học.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là vị thông tuệ, am tường về Tam tạng kinh điển. Trong suốt nhiều năm tháng của cuộc đời, ngài đã chú tâm nghiên cứu, biên soạn, chú giải Đại Từ điển Phật học. Chú giải và thuyết giảng về các bộ kinh căn bản của Phật giáo Đại thừa như kinh Dược Sư, Pháp hoa, Bát-nhã…, lược giảng các bộ luật Tỷ-khiêu, Tỷ-khiêu-ni, để làm căn bản cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử theo đó học hỏi, hành trì.

Đặc biệt, năm 1987, Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN cử một số vị trưởng lão về tổ đình Viên Minh mời ngài lên Hà Nội chủ trì hiệu đính Đại tạng kinh Việt Nam. Ngài cùng các bậc tôn túc của Giáo hội, với sở học sâu dày, đã dốc lòng thực hiện công việc đầy ý nghĩa, mở ra một hướng đi cho ước nguyện chung đó là thực hiện bộ Đại tạng kinh hoàn chỉnh bằng tiếng Việt.

Sau khi Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch, môn đồ pháp quyến đã tiến hành sưu lục các tác phẩm của ngài, tập hợp thành Đệ tam Pháp chủ toàn tập gồm 4 quyển. Đây có thể được coi như di sản quý giá của ngài trên lĩnh vực trước tác. Trong đó, những bài luận giảng về Phật học được tập hợp trong quyển Phật học là Tuệ học; phần dịch giảng các bản kinh Bốn mươi hai chương, kinh Phật Di giáo, Quy Sơn cảnh sách tập hợp trong quyển Phật tổ tam kinh; hai quyển còn lại là bản dịch, chú giải kinh Bách dụ và bản dịch bộ Di Đà lược giải viên trung sao.

Một trong số những điểm nổi bật trong các trước tác của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đó chính là văn phong giản dị, hàm súc. Những vấn đề nêu ra để luận giảng, đa phần đều thiết yếu cho việc học Phật. Nhưng không chỉ có học, điều luôn được ngài nhấn mạnh, đó chính là việc thực hành, tu trì.

Những kinh văn được ngài dịch thuật, luận giảng cũng đều là những kinh văn căn bản, có liên hệ trực tiếp và gần gũi với sự tu học của bốn chúng. Tu học chuyên cần cũng là điều mà lúc sinh thời, mỗi lần Tăng Ni, Phật tử đến vấn an, thăm hỏi, Đức Đệ tam Pháp chủ luôn hết lòng nhắc nhở, căn dặn. Đọc lại các trước tác của ngài, chúng ta nhận ra rất rõ những điều này:

“Lòng tin của người học Phật là tiêu chuẩn cho tất cả hành vi nương tựa, không có lòng tin thì tư tưởng sẽ thường xuyên lênh đênh trôi dạt. Như vậy, từ chỗ nghiên cứu mà thành lòng tin, bởi có lòng tin càng cầu học nhiều, vì học nhiều nên lòng tin càng viên mãn tăng tiến.

Bởi thế nền tảng Phật pháp là Tuệ học”. (trích Phật học là Tuệ học)

“Nói về lớn thì không gì lớn hơn tâm, tâm là tri kiến chân như vốn không một vật gì, nhưng chúng sinh mê tâm bản lai không một vật ấy theo vọng thức (cái biết giả dối) trôi mãi vào biển khổ, vì vậy giáo pháp Phật dạy ví như thuyền bè, cứu vớt chúng sinh trở ngược dòng mê, chuyển về bờ giác, rồi dạy vỡ lòng cho biết tâm trong sạch vốn sẵn có nơi mình, hiểu rồi sẽ tu hành đến chứng nhập nơi chân như tri kiến ấy”. (trích Đọc đề cương tông chỉ kinh Diệu pháp Liên hoa)

“Phật vì chúng sinh mà đặt ra kinh luật, đều để đối trị bệnh thân, bệnh tâm của chúng sinh. Chúng sinh đọa vào vô minh mê hoặc mà thân nghiệp báo đầy rẫy các bệnh. Phật thuyết ra các kinh để làm thuốc chữa, cho đến Bồ-tát, Thanh văn kết tập kinh luật tạo ra luận để làm rõ nghĩa, nhiều lớp chân lý, pháp môn vô biên, kể ra không xiết, dùng cũng không hết, cũng như đầy rẫy trong vũ trụ những loài thực vật, động vật đều là những nguyên liệu làm thuốc”. (trích Ý nghĩa kinh Dược Sư)

Có thể thấy, trong khi trình bày về các chủ đề Phật học cũng như luận giảng nghĩa lý của kinh văn, ngài luôn đưa đến cái nhìn trực chỉ, nêu bật lên cốt lõi của vấn đề, cốt làm sao để người đọc, người nghe tiếp nhận một cách dễ dàng. Ngôn ngữ, đường hướng tu tập và hành đạo của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trước sau đều có sự nhất quán: bình dị nhưng có sức cảm hóa lớn lao, đơn giản nhưng diệu dụng khôn lường.

Đọc lại Đệ tam Pháp chủ toàn tập, hàng hậu học có dịp nhìn lại cuộc đời của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ với cốt cách dung dị, với trí tuệ và kiến văn rộng rãi, luôn đau đáu với đạo, với đời. Qua câu chữ của ngài, mỗi cá nhân trong hàng hậu học có lẽ sẽ tìm được một sở đắc cho riêng mình. Sở đắc ấy cũng phần nào là động lực thúc đẩy chúng ta bước những bước thật chắc, thật vững trên con đường đưa đến Chánh pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày