Bốn pháp hỗ trợ tâm giải thoát được thuần thục

Hình minh họa - Ảnh: Làng Mai
Hình minh họa - Ảnh: Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GN - Một hành giả khi đã trang bị đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm tu tập về năm pháp chính và bốn pháp hỗ trợ thì có thể xem là “biết sống một mình”.

"Một thời, Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, trong một cái hang ở rừng Mãng-nại, thôn Xà-đấu. Bấy giờ Tôn giả Di-hê làm thị giả Phật. (Tôn giả Di-hê xin Phật nghỉ làm thị giả để đi đến rừng xoài bên bờ sông Kim-bệ tu tập đoạn trừ phiền não. Đức Phật khuyên Di-hê chưa vội đi nhưng Tôn giả cố nài nỉ đến ba lần Phật liền cho đi. Sau khi đến rừng xoài, Tôn giả Di-hê sanh khởi lên ba tâm niệm ác bất thiện là dục, nhuế và hại liền trở về bạch Đức Thế Tôn).

Đức Thế Tôn bảo:

- Này Di-hê, tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. (Năm pháp gồm: là thiện tri thức và sống chung với thiện tri thức, giữ giới và oai nghi, chánh ngữ và chia sẻ kinh nghiệm tu tập, tinh tấn tu thiệp pháp, trí tuệ thấy rõ sinh diệt).

- Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộ để đoạn trừ dục, tu từ để đoạn trừ sân nhuế, tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn, tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

- Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục, tu từ để đoạn trừ sân nhuế, tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn, tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

- Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng. Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-hê và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Di-hê, số 56 [trích])

Trích đoạn này, Đức Phật dạy Tôn giả Di-hê muốn tâm giải thoát được thuần thục, ngoài việc tu năm pháp (như đã liệt kê), hành giả phải tu thêm bốn pháp hỗ trợ khác nữa. Đó là “Tu ố lộ đoạn trừ dục, tu từ để đoạn trừ sân nhuế, tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn, tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn”.

Tu ố lộ là quán bất tịnh, biết rõ mọi thứ đều không sạch. Nhờ thấy rõ thân này là dơ nhớp nên đoạn giảm tham ái sắc dục. Tu từ là thực hành rải tâm từ, yêu thương tất cả, mong cho mọi người và mọi loài luôn được hạnh phúc an vui. Từ bi như nước cam lồ, có công năng dập tắt nóng giận, hận thù. Tu sổ tức là niệm hơi thở, chú tâm vào hơi thở vào ra. Chánh niệm càng dày, tỉnh giác càng cao thì tâm càng an định. Tu vô thường là thấy rõ sự sinh diệt của các pháp. Vô thường sinh diệt là một sự thật, thân tâm và thế giới luôn thay đổi, vận động không ngừng. Mọi sự hiện hữu đều hư huyễn như bóng nắng, như bọt nước. Thấy ra sự thật này thì cái tôi kiên cố bị bào mòn cho đến vỡ tan.

Bốn pháp hỗ trợ kể trên là bốn đề mục tu tập rất quan trọng, có đầy đủ Chỉ và Quán. Một hành giả khi đã trang bị đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm tu tập về năm pháp chính và bốn pháp hỗ trợ thì có thể xem là “biết sống một mình”. Đạt đến ngưỡng này thì người tu có thể đi tìm một nơi yên tĩnh (a-lan-nhã, nhàn xứ, tịch xứ) để tu tập cho đến khi tâm giải thoát được thuần thục. Nếu chưa đúng thời điểm là quá nóng vội xuất chúng ra riêng thì tu tập khó thành công. Trường hợp của Tôn giả Di-hê trong pháp thoại là một điển hình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày