Để tâm giải thoát được thuần thục

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Một thời, Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, trong một cái hang ở rừng Mãng-nại, thôn Xà-đấu. Bấy giờ Tôn giả Di-hê làm thị giả Phật.

… (Tôn giả Di-hê xin Phật nghỉ làm thị giả để đi đến rừng xoài bên bờ sông Kim-bệ tu tập đoạn trừ phiền não. Đức Phật khuyên Di-hê chưa vội đi nhưng Tôn giả cố nài nỉ đến ba lần Phật liền cho đi. Sau khi đến rừng xoài, Tôn giả Di-hê sanh khởi lên ba tâm niệm ác bất thiện là dục, nhuế và hại liền trở về bạch Đức Thế Tôn).

Đức Thế Tôn bảo:

- Này Di-hê, tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?

- Di-hê, Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.

- Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo phải tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Di-hê, với tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai.

- Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.

- Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, thường tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.

- Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Di-hê, số 56 [trích])

Tôn giả Di-hê (Pāli: Meghiya) là một trong những vị thị giả của Đức Phật trước Tôn giả A-nan. Di-hê đang làm thị giả mà muốn vào rừng tịnh tu nhưng vì chưa “biết sống một mình” nên Thế Tôn không cho phép. Nhờ nài nỉ nhiều lần Đức Phật mới cho đi. Sau khi tu ở rừng một thời gian mà không điều phục được phiền não dục, nhuế, hại nên Di-hê trở về cầu cứu, Đức Phật liền dạy Tôn giả cần tu năm pháp để cho tâm giải thoát được thuần thục.

Một là, bản thân mình là thiện tri thức tức đã biết đường tu và sống chung với người cũng biết tu để hỗ trợ lẫn nhau. Hai là, hiểu rõ giới bổn và giữ giới trọn vẹn, kể cả những oai nghi nhỏ nhặt mới an trụ tâm được. Ba là, kiểm soát lời nói, chỉ nói đến Chánh pháp và sẻ chia các kinh nghiệm tu học. Bốn là siêng năng, nỗ lực đoạn trừ ác pháp, tu tập thiện pháp. Năm là, phát huy thiền quán thấy rõ sự sinh diệt, vô thường của mọi sự.

Dục tham, sân nhuế, tổn hại là những phiền não căn bản chướng ngại tâm giải thoát. Muốn cho tâm giải thoát được thuần thục, dục, nhuế và hại không chi phối được thì trước phải tu năm pháp nêu trên. Thành ra, tuy Đức Phật thường khuyến khích chúng ta độc cư, sống một mình như con tê ngưu nhưng cũng có nhiều trường hợp Ngài lại khuyên không nên vội vàng, trường hợp của Tôn giả Di-hê là điển hình. Muốn độc cư thiền định mau thành tựu giải thoát, hành giả cần lưu tâm đến nền tảng là năm pháp để tâm giải thoát được thuần thục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Cung kính - nền tảng của sự tiến tu

GNO - Sự tu hành là một lộ trình đầy chông gai, chướng ngại. Có những chướng ngại do nghiệp lực sâu dày, không vượt thắng tham sân là điều dễ thấy. Có những chướng ngại sâu kín hơn, đó là tâm ngã mạn, thấy mình hơn người, bất kính với bạn đồng tu và các bậc trưởng thượng.

Thông tin hàng ngày