Bông hồng cài áo

“Cúng cả năm, không bằng ngày rằm tháng bảy” – có lẽ bởi quan niệm trên mà với nhiều người, thời gian này cần cúng tế thật linh đình, báo hiếu thật to để tỏ lòng hiếu thuận.

Nhưng điều đó có nghĩa lý chi khi cha mẹ - nguồn vốn liếng thiêng liêng của chúng ta đã không còn. Chính vì điều này mà khoá tu Vu Lan báo hiếu ở chùa Bằng A (Phương Liệt – quận Hoàng Mai, HN) năm nay đã có hàng ngàn người theo học. Sau 3 ngày đóng cửa chùa ăn chay, niệm Phật, biết bao giọt nước mắt đã rơi khi thấu về nghĩa mẹ, tình cha.

Khoá tu Vu Lan báo hiếu

Đại lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra tại chùa Bằng A sáng 9.8 đã kết thúc cho khóa tu “Vu Lan báo hiếu” thời gian 3 ngày (từ 7-9.8) dành cho mọi đối tượng. Trước đó đã có 2 khóa tu hè dành cho đối tượng học sinh, sinh viên. Tổng cả ba khóa tu đã có hàng ngàn người tham gia. Trong thời gian tu tại chùa, các khóa sinh thực hiện mọi sinh hoạt theo nếp tu hành: Từ ăn chay, niệm Phật cho tới ngủ nghỉ, sinh hoạt theo chủ đề, nghe giảng và tuân thủ mọi giáo lý của đạo Phật.

Chỉ cho tới sớm ngày 9.8, khi cánh cửa chùa này mở cửa đón các phật tử từ bên ngoài vào dự đại lễ Vu Lan báo hiếu, thì những khóa sinh này mới được ra ngoài để chuẩn bị cho buổi lễ. Trải qua 3 ngày tách biệt với bên ngoài, dường như trên khuôn mặt ai cũng nhận thấy vẻ an lành, hạnh phúc. Bạn Nguyễn Tuấn Anh, 24 tuổi (tổ 2 – Bằng A) chia sẻ: “Ngày đầu tiên ăn chay và phải đi ngủ sớm nên không quen, nhưng từ ngày thứ hai mình thấy rất thích không khí bên trong chùa. Đặc biệt khi nghe giảng về lòng hiếu nghĩa với cha mẹ, được giao lưu với những phật tử khác mình thấy thấm thía để rồi thấy lòng nhẹ nhõm đi rất nhiều”.

Khóa tu Phật về tình hiếu tử này có rất nhiều đối tượng tham gia, trẻ nhất mới chỉ 8 tuổi và cao tuổi nhất là cụ bà năm nay đã 89 tuổi. Những người đến đây thường là người trong cùng gia đình, có trường hợp cả gia đình 3 thế hệ cùng đến nghe giảng. Ngoài phật tử sinh hoạt tại chùa và sống ở Hà Nội còn có nhiều người từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định... cũng tới tham dự khóa tu và dự đại lễ.

Theo thượng tọa Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Phật giáo Giáo hội Phật giáo , trụ trì chùa Bằng A: “Khoá tu nhằm giúp cho Phật tử hiểu về chữ “hiếu” theo quan niệm đạo Phật, từ đó biết quý kính và trân trọng đấng sinh thành, biết tri ân và báo đền ân nghĩa tổ tiên ông bà”.

Nghi thức “Bông hồng cài áo”.
Nghi thức “Bông hồng cài áo”.

Giá trị của những bông hồng trên ngực

Có lẽ điều đáng nhớ nhất đối với những phật tử đã qua khóa tu Vu Lan báo hiếu cũng như những ai đến dự đại lễ Vu Lan tại chùa Bằng A đó là nghi thức “Bông hồng cài áo”. Trong âm hưởng da diết khi bài hát cùng tên của nhạc sĩ Phan Thế Mỹ cất lên, hàng ngàn người cùng đứng lên để đón nhận những bông hồng cho mình: “Một bông hồng cho anh/ Một bông hồng cho em/ Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai đang còn mẹ...”.

Bất chợt, hội trường lặng đi trong những tiếng khóc không cất thành lời, những giọt nước mắt lăn dài trên má những cụ già đã qua tuổi thất thập, trên đôi má hồng của những bạn sinh viên và trên gương mặt bầu bĩnh của những thiếu thi. Hoa hồng từ tay của các tình nguyện viên là những bạn trẻ đã tham gia khóa tu Vu Lan báo hiếu cài trang trọng cho cả nghìn phật tử có mặt tại đại lễ.

Ai cũng có hoa, bởi ai cũng có cha mẹ. Nhưng màu của bông hoa hồng không phải ai cũng như ai, bởi: Hoa màu vàng thì được trịnh trọng cài cho các chư tôn – nhà sư, hoa màu đỏ dành cho những ai còn cha mẹ... và bông hoa màu trắng dành cho những ai đã mất đi cha mẹ - “nguồn vốn thiêng liêng của cuộc đời”.

Với những ai được gắn lên ngực bông hoa hồng màu đỏ thì đó là niềm hạnh phúc bởi họ vẫn còn bên đời mình người quan trọng nhất để yêu thương và được yêu thương. Còn những ai mang hoa trắng, đó là màu trắng của sự chia ly, nhớ thương, đau đớn khi không được sống trong tình thương ngọt ngào của cha mẹ. Tiếng nấc của người phụ nữ có gương mặt phúc hậu ngay bên khiến tôi chú ý, điều ngạc nhiên là người phụ nữ tuổi gần 70 đang khóc rất tội nghiệp dù trên ngực mình vẫn gắn bông hoa màu đỏ thắm. Đó là bác Nguyễn Thị Thân - pháp danh Hoa Ninh, là phật tử tại chùa Bằng A đã gần 50 năm.

Bác Thân tâm sự: “Mùa Vu Lan nào bác cũng chỉ có khóc khi nghĩ về tình thương mà bố mẹ đã dành cho bác, bố mẹ bác vẫn còn, nhưng đã yếu lắm rồi. Mẹ bác bị tai biến mạch máu não sống thực vật 1 năm nay, cứ nghĩ về ngày xưa được bố mẹ chăm sóc là bác sợ đến ngày họ không còn nữa...”.

Nhưng, trong buổi đại lễ Vu Lan cũng có cả những giọt nước mắt ăn năn của những người làm cha mẹ buồn lòng. Bởi chỉ khi họ thấm thía được hết ân nghĩa mẹ cha – người cho họ thân xác và tâm hồn - thì cha mẹ họ đã không còn trên cõi đời. Tôi cũng có riêng trên ngực áo mình một bông hoa hồng đỏ thắm và tôi biết màu hoa này sẽ không thể là mãi mãi... mùa lễ Vu Lan về lại thêm nhớ mẹ biết bao lần mẹ ơi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày